Nga-Mỹ “khẩu chiến” quanh lệnh trừng phạt mới

Thứ sáu, 04/08/2017 09:09

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã miễn cưỡng ký phê chuẩn dự luật tăng cường trừng phạt Nga, động thái vấp phải những phản ứng mạnh mẽ của Moscow.

Tổng thống Mỹ Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong lần gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20. Ảnh: AP

Phản ứng trước việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua các biện pháp trừng phạt tăng cường nhằm vào Moscow, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố, hành động này của Washington là đã “tuyên bố chiến tranh thương mại toàn diện” với Nga cũng như đặt dấu chấm hết cho hy vọng cải thiện quan hệ song phương. 

Theo AFP, trên trang facebook cá nhân, ông Medvedev lý giải, việc Tổng thống Trump ký luật mới trừng phạt Nga sẽ tạo ra một số hệ lụy. Thứ nhất, chính nó đặt dấu chấm hết cho hy vọng cải thiện quan hệ giữa Moscow với chính quyền Tổng thống Trump. Thứ hai, Mỹ gây ra cuộc chiến tranh thương mại chính thức với Nga. Thứ ba, chính quyền ông Trump đã thể hiện sự “yếu thế”, bất lực hoàn toàn khi chuyển giao các quyền hành pháp cho Quốc hội một cách bẽ bàng nhất. Điều này đang làm thay đổi cán cân quyền lực trong giới chính trị Mỹ. 

Theo ông Medvedev, mối quan hệ giữa hai ông lớn này sẽ rất căng thẳng và không phụ thuộc vào thành phần Quốc hội hay cá nhân tổng thống. Theo ông Medvedev, giới “quyền uy” ở Mỹ đang “chơi khăm” Tổng thống Trump. Bởi vì, bản thân ông Trump thật sự đã miễn cưỡng ký dự luật này nhưng không thể không làm vậy.

Cũng theo nhà lãnh đạo Nga, các biện pháp trừng phạt tăng cường nhằm vào Moscow lần này mang tính chất toàn diện, khắc nghiệt và có thể sẽ kéo dài hàng chục năm. Thủ tướng Mevedev cũng cho rằng, hai nước sẽ mất thời gian dài để làm rõ mối quan hệ tại các tòa án và tổ chức quốc tế, căng thẳng quốc tế tiếp tục gia tăng và từ bỏ giải quyết những vấn đề quốc tế quan trọng nhất.

Các biện pháp trừng phạt mới nhắm trọng tâm vào ngành năng lượng hái ra tiền của Nga. Điều này có thể làm tổn thương thêm nền kinh tế của Nga, vốn đã suy yếu do các biện pháp trừng phạt vào năm 2014. Trong tuyên bố đưa ra hôm 3-8, Điện Kremlin trấn an người dân, tuyên bố, Nga quyết tâm bảo vệ các lợi ích kinh tế của nước này.

Trên thực tế, Tổng thống Trump không hề vui mừng khi ký lệnh trừng phạt Nga. Theo giới quan sát, có lẽ đây là lần đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền, ông Trump phải miễn cưỡng ký ban hành luật như thế này. Khác với người tiền nhiệm Barack Obama, ông chủ mới của Nhà Trắng có cách tiếp cận nồng ấm hơn trong quan hệ với Nga.

Tuy nhiên, trước sức ép của Quốc hội, ông đã phải ký luật trừng phạt Nga. “Tôi ký dự luật này vì sự thống nhất quốc gia”, ông Trump nói. Ngay sau khi đặt bút ký, Tổng thống Trump thậm chí đã gọi các lệnh trừng phạt Nga là “sai lầm đáng kể”, đồng thời hối thúc Quốc hội Mỹ không dùng biện pháp này để cản trở nỗ lực của Washington trong việc giải quyết xung đột ở Ukraine cùng với các đồng minh Châu Âu. 

Không chỉ Nga, các nước Liên minh Châu Âu cũng phản ứng mạnh mẽ trước lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho rằng, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đã gây nên mối quan ngại sâu sắc của EU và khối này sẵn sàng đưa ra các biện pháp đáp trả trong vài ngày tới nếu các lệnh trừng phạt này ảnh hưởng xấu đến lợi ích kinh tế của các quốc gia trong liên minh.

Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật chống Nga với số phiếu áp đảo hồi tuần trước với cáo buộc Nga can thiệp ở Ukraine và cả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Việc này rõ ràng cho thấy Quốc hội có thể “phong tỏa” quyền lực của Tổng thống Trump. Bởi chính nó đã chấm dứt hy vọng của vị tổng thống tỷ phú này cũng như thực hiện cam kết đưa ra trong chiến dịch tranh cử của mình về khả năng tiến gần hơn trong mối quan hệ với Tổng thống Vladimir Putin và tạo ra một trang mới trong quan hệ Mỹ-Nga.

KHẢ ANH