Nga-Phương Tây lại “sục sôi” quanh vụ Navalny

Thứ ba, 19/01/2021 12:21

Lãnh đạo đối lập tai tiếng người Nga, ông Alexei Navalny đã bị bắt giữ ngay khi trở về Moscow từ Đức, nơi ông đã ở trong 5 tháng để điều tra những triệu chứng mà ông này nói đã bị đầu độc.

Ông Alexei Navalny và vợ Yuliastand xếp hàng ở cửa kiểm soát hộ chiếu sau khi đến sân bay Sheremetyevo, ngoại ô Moscow, Nga ngày 17-1 (giờ địa phương).   Ảnh: AP

Vụ bắt giữ đã được cảnh báo

Politico ngày 18-1 dẫn thông báo từ cơ quan thi hành án Nga cho biết, nhân vật Alexei Navalny bị bắt hôm 17-1 (giờ địa phương), không lâu sau khi máy bay chở ông này từ Đức hạ cánh xuống sân bay quốc tế Sheremetyevo ở thủ đô Moscow của Nga. 

Một nguồn tin cho biết, Cơ quan quản lý nhà tù Nga (FSIN) xác nhận các nhân viên của cơ quan này đã bắt giữ ông Navalny. Ông Navalny, 44 tuổi, là nhà hoạt động chính trị đối lập Nga. Ông này tuyên bố bị đầu độc bằng chất độc Novichok vào tháng 8-2020 và được chữa trị ở Đức. Ngày 13-1, ông thông báo quyết định rời Đức về Nga vì nhớ Moscow và cho biết không quan tâm đến các vụ án hình sự mới chống lại mình. Một ngày sau thông báo từ Navalny, cơ quan quản lý nhà tù ở Moscow cho biết sẽ làm mọi cách để bắt giữ Navalny một khi ông trở về với cáo buộc Navalny trốn tránh sự giám sát liên quan đến một bản án vào năm 2014. Theo đó, ông Navalny bị tuyên mức án 3,5 năm tù treo cùng 5 năm bị quản chế vào năm 2014 do liên quan đến một vụ án gian lận thương mại. Như vậy, ông hiện vẫn đang trong thời gian bị quản chế. Nếu bị kết tội, hình phạt 3,5 năm tù treo của ông có thể sẽ bị chuyển thành hình phạt tù giam.

Theo giới chuyên gia, rõ ràng, Nga biết các nước theo dõi sát sao vụ việc nhưng nước này vẫn quyết định bắt nhà bất đồng chính kiến Navalny công khai và ngay lập tức vì việc này đúng pháp luật do nhân vật này đang trốn tránh sự giám sát liên quan bản án vào năm 2014. Trong một diễn biến riêng rẽ, ủy ban điều tra của Nga đã mở một vụ điều tra hình sự mới đối với ông Navalny với tội danh gian lận, liên quan tới việc chuyển tiền cho một số các tổ chức phi chính phủ, trong đó có Quỹ Chống Tham nhũng của ông.

Mỹ và các nước Châu Âu nói gì?

Trong khi đó, theo AP, ngay sau động thái này, Mỹ và các nước Châu Âu lên án Nga. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel gọi vụ bắt giữ ông Navalny là “không thể chấp nhận”. “Tôi kêu gọi nhà chức trách Nga ngay lập tức thả ông ấy”, ông Michel viết trên Twitter.

Trên Twitter, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hối thúc EU nhanh chóng đưa ra phản ứng. Cố vấn an ninh của Tổng thống đắc cử sắp nhậm chức Joe Biden, ông Jake Sullivancũng lên tiếng: “Ông Navalny cần được trả tự do và các thủ phạm gây ra vụ tấn công nhằm vào mạng sống của ông phải được đưa ra công lý”. Ngoại trưởng Italia  Luigi Di Maio cũng viết trên Twitter kêu gọi Nga thả tự do cho ông Alexei Navalny ngay lập tức trong khi nhiều nước Châu Âu khác cũng đã yêu cầu trả tự do cho ông Navalny.  Bà Agnes von der Muhll, người phát ngôn của ngoại trưởng Pháp, cũng phát đi thông điệp kêu gọi Điện Kremlin ngay lập tức trả tự do cho ông Alexei Navalny. "Pháp lưu ý với quan ngại sâu sắc về việc bắt giữ ông Alexei Navalny ở Nga. Cùng với các đối tác Châu Âu, Pháp đang theo dõi tình hình với sự cảnh giác cao nhất và kêu gọi thả ông Navalny ngay lập tức".

Hồi tháng 8-2020, ông Navalny bị bất tỉnh khi đang bay từ thành phố Tomsk ở Siberia về Moscow. Phi công đã phải chuyển hướng chuyến bay tới Omsk, nơi ông cuối cùng đã được đưa đi tới Đức trong tình trạng hôn mê. Ông được cho xuất viện tại Berlin hồi tháng 9 để tiếp tục điều trị. Ông này cáo buộc Nga đứng đằng sau vụ việc nhưng Moscow hoàn toàn bác bỏ.

KHẢ ANH