Nga thế chân Mỹ ở Ai Cập?

Thứ hai, 18/11/2013 12:32

(Cadn.com.vn) - Giới phân tích cho rằng, lạnh nhạt với Mỹ sau khi bị cắt trợ cấp quân sự khiến Ai Cập đang dần chuyển hướng đến Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng và cả Ngoại giao của Nga ngày 17-11 kết thúc chuyến thăm lịch sử đến Cairo, vốn được cho là nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế và cả quân sự, đặc biệt là nhắm đến thỏa thuận vũ khí trị giá 2 tỷ USD.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thường xuyên đến Ai Cập song ông Sergei Shoigu là Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Điện Kremlin đến Cairo kể từ năm 1971, ngay trước khi Tổng thống lúc đó Anwar Sadat phá vỡ thỏa thuận với Liên Xô cũ và dịch chuyển Ai Cập đi vào quỹ đạo của Mỹ. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Ai Cập bắt đầu xem Nga như một đồng minh đáng tin cậy hơn so với Mỹ, sau khi Washington cắt hơn một nửa trợ cấp quân sự trị giá 1,55 tỷ USD hằng năm cho Cairo. Giận dỗi với Mỹ, Ai Cập đang bắt đầu làm thân với Nga và trải thảm đỏ đón các đoàn quan chức của Điện Kremlin.

Áp phích chân dung Tổng thống Nga Vladimir Putin có mặt khắp Ai Cập, trong đó tờ báo chính thống Al-Ahram thậm chí xuất bản hình ảnh ông Putin với tít đề “Cảm ơn ông Putin”.

Đoàn của Ngoại trưởng Nga Lavrov (bên trái) trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Ai Cập Nabil Fahmy khi đến thăm Cairo từ hôm 14-11. Ảnh: Reuters

TRỤC CHUYỂN HƯỚNG

Truyền thông Ai Cập tiết lộ rằng, Cairo ký thỏa thuận mua máy bay chiến đấu MiG-29, hệ thống phòng không và tên lửa chống tăng với tổng trị giá 2 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện Cairo vẫn chưa đề cập đến bất kỳ thỏa thuận vũ khí nào, đồng thời cho biết chuyến thăm của các quan chức cấp cao Nga nhằm thảo luận về các vấn đề chính trị, thương mại, an ninh và du lịch.

Mặc dù vậy, phần lớn những nhận định tập trung vào thỏa thuận vũ khí trên, cho rằng, Cairo muốn gửi một thông điệp rằng, họ có lựa chọn thay thế cho mối quan hệ quân sự cũ nhiều thập niên với Washington. Báo El-Watan có bài xã luận gọi Nga là “sức mạnh quân sự lớn” ngang với Mỹ, thậm chí bóng gió, vũ khí do Moscow chế tạo có thể là “thân thiện với môi trường hơn”.  Nhưng các quan chức Nga và Ai Cập đều giảm nhẹ tầm quan trọng của vấn đề nhằm không động chạm đến Mỹ. “Chiến lược của chúng tôi là mở rộng quan hệ, không thay thế bên nào”, một quan chức nói.

Các nhà phân tích cũng không chắc rằng, Ai Cập có thể chọn Nga là nhà cung cấp quân sự chính. Sau nhiều thập kỷ quan hệ chặt chẽ, lực lượng vũ trang Ai Cập dường như “bị khóa vào” những thiết bị sản xuất tại Mỹ. Đó là chưa kể những căng thẳng gần đây giữa Washington và Cairo dường như được giảm bớt khi giới phân tích cho rằng, việc cắt giảm gói hỗ trợ quân sự chỉ là hình thức “giơ cao đánh khẽ”.

Nhưng rõ ràng, chuyến thăm, là nỗ lực của cả Nga và Ai Cập nhằm khẳng định mình giữa một khoảng trống quyền lực ngày càng tăng ở Trung Đông và cũng là minh chứng cho thấy một sự chuyển hướng, dù rất nhỏ, của Cairo.

“MÀN KỊCH” CỦA NGA - MỸ?

Triển vọng chuyển trục đồng minh này gợi lại ký ức về thời kỳ nồng ấm trong quan hệ Moscow và Cairo, thời “kỷ nguyên của Nasser”.

Nga là đồng minh thân cận nhất của Ai Cập dưới thời Tổng thống Gamal Abdel Nasser, người cai trị từ năm 1956 cho đến khi qua đời vào năm 1970. Ông nổi tiếng ở Liên Xô với chương trình kinh tế thống kê và chính sách đối ngoại “thường xuyên chỉ trích phương Tây”. Moscow lúc đó không chỉ hỗ trợ quân sự mà còn viện trợ kinh tế ồ ạt cho Cairo, giúp Ai Cập xây dựng đập nước cao Aswan.

Sau khi ông Nasser qua đời, việc ông Anwar Sadat lên nắm quyền khiến mối quan hệ Nga- Ai Cập thụt lùi. Sadat bắt đầu “ly thân” với đồng minh khi đơn phương trục xuất hàng chục ngàn cố vấn quân sự của Liên Xô vào năm 1972. Việc “ly hôn” hoàn thành 2 năm sau đó, khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon đến thăm Cairo, củng cố liên minh chính trị. Giờ đây, khi nói về mối quan hệ tay ba này, ông Hesham Al-Ashry - một thủ lĩnh phe Hồi giáo Ai Cập - cáo buộc Mỹ và Nga có thỏa thuận chung nhằm “tấn công và chia rẽ” Ai Cập. Ông Hesham Al-Ashry cho rằng, sự kiện tái lập quan hệ ngoại giao và quân sự mới đây của Ai Cập với Nga là “vô giá trị”. Theo ông, nếu ai đó cho rằng chính quyền hiện nay thoát khỏi sự bá quyền của Mỹ, thì họ đã không nhận thức được mối nguy hiểm mà Ai Cập sắp phải đối mặt.

Ông Ashry cũng đề cập đến “cuộc tấn công phủ đầu” của Israel nhằm vào Ai Cập để đáp lại sự hợp tác giữa Cairo và Moscow sau khi Mỹ quyết định đình chỉ viện trợ quân sự cho Ai Cập. Theo ông, thỏa thuận giữa Ai Cập và Nga chỉ càng kích động một cuộc chiến tranh khiến Cairo bị chia rẽ giữa hai ông lớn mà thôi.

Khả Anh