Nga - Ukraine trả đũa nhau - Biển Đen dậy sóng

Thứ hai, 07/08/2023 10:04
Moscow liên tục tập kích hạ tầng ở thành phố cảng của Ukraine, trong khi Kiev dường như đang sử dụng một thế hệ phương tiện không người lái hàng hải mạnh mẽ hơn để tấn công các tàu Nga. Động thái này mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến kéo dài 18 tháng qua.
Tàu chở hàng trên Biển Đen. Ảnh: Sputnik
Tàu chở hàng trên Biển Đen. Ảnh: Sputnik

Tàu Nga liên tiếp bị tấn công

Theo CNN, trong vòng 24 giờ, hai chiếc tàu của Nga gồm tàu đổ bộ hải quân và tàu chở nhiên liệu đã bị tấn công bằng phương tiện không người lái trên biển ở Biển Đen. Nguồn tin an ninh Ukraine xác nhận với Reuters và AFP ngày 5-8 rằng nước này đứng sau vụ tập kích vào tàu chở dầu SIG của Nga trên eo biển Kerch. Theo Cơ quan Vận tải Đường biển và Đường sông của Nga, chiếc SIG bị tập kích vào nửa đêm, khi đang không chở theo hàng hóa. SBU tiết lộ với CNN rằng vụ tập kích do cơ quan này phối hợp cùng hải quân Ukraine thực hiện. Các thủy thủ Nga nói tàu SIG vẫn nổi sau vụ tấn công, nhưng không thể di chuyển vì khoang máy đã ngập nước. Lực lượng cứu hộ hàng hải Nga đã điều hai tàu kéo tới hiện trường để đánh giá hư hại trên tàu dầu SIG và quyết định phương án xử lý. Tàu dầu SIG thường làm nhiệm vụ tiếp dầu cho lực lượng Nga đồn trú tại Syria.

Trước đó, Ukraine tuyên bố tàu đổ bộ Olenogorsky Gornyak của Nga đã bị "hư hại nghiêm trọng" trong vụ tập kích trên Biển Đen bằng phương tiện không người lái hôm 4-8. Nga không xác nhận tuyên bố này nhưng nói rằng Ukraine đã tấn công căn cứ hải quân Novorossiysk bằng hai xuồng không người lái và chúng bị tàu chiến tiêu diệt.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết Kiev cũng đã cố gắng đánh chìm các tàu dân sự đang hướng tới eo biển Bosphorus trong ngày 2, 3-8, nhưng các tàu hộ tống quân sự của Moscow đã phá hủy tất cả các tàu tấn công.

Lãnh đạo Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) Vasyl Maliuk ngày 5-8 nhận định những vụ nổ tàu Nga hoặc cầu Crimea "là diễn biến hiển nhiên và hiệu quả" trong bối cảnh chiến sự giữa hai nước. "Bất cứ điều gì xảy ra với các tàu của Nga hoặc cầu Crimea đều là một bước hoàn toàn hợp lý và hiệu quả đối với kẻ thù. Hơn nữa, các hoạt động đặc biệt như vậy được tiến hành trong lãnh hải của Ukraine và hoàn toàn hợp pháp", ông Malyuk tuyên bố. "Vì vậy, nếu người Nga muốn điều đó dừng lại, họ nên rời khỏi lãnh hải Ukraine và vùng đất của chúng tôi. Và họ làm điều đó càng sớm thì càng tốt cho họ".

"Ăn miếng trả miếng"

Căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đen sau khi Nga tháng trước tuyên bố rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen do LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian và bắt đầu tấn công các cảng của Ukraine trên bờ Biển Đen và trên sông Danube bằng tên lửa.

Bộ Quốc phòng Nga cũng thông báo bắt đầu từ 0 giờ ngày 20-7, họ sẽ coi tất cả các tàu đi đến các cảng của Ukraine đều có thể là tàu chở hàng quân sự, cũng như các quốc gia mà tàu mang cờ là các bên tham gia xung đột và theo phe Ukraine. Moscow cảnh báo các khu vực phía đông nam và tây bắc của hải phận quốc tế ở Biển Đen tạm thời không an toàn cho giao thông hàng hải, nhưng không nêu chi tiết về các khu vực sẽ bị ảnh hưởng. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin cho hay, Moscow muốn các tàu ở Biển Đen được kiểm tra để đảm bảo rằng chúng không được lợi dụng để chở vũ khí cho Ukraine.

Ukraine cũng gần như ngay lập tức "ăn miếng, trả miếng" với thông báo: "Từ 0 giờ ngày 21-7, tất cả tàu di chuyển trên Biển Đen hướng đến cảng của Nga và cảng Ukraine đang bị Nga kiểm soát đều có thể bị coi là tàu chở hàng quân sự và sẽ chịu rủi ro tương ứng". Ngày 5-8, Kiev đã công bố một "khu vực có nguy cơ chiến tranh" xung quanh các cảng của Nga trên Biển Đen, cụ thể là các cảng Novorossiysk, Anapa, Gelendzhik, Tuapse, Sochi và Taman. Tuyên bố sẽ có hiệu lực từ ngày 23-8 "cho đến khi có thông báo mới".

Mỹ sẵn sàng thỏa hiệp với Nga liên quan đến thỏa thuận ngũ cốc

Hãng tin Reuters mới đây dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Washington sẽ làm "bất cứ điều gì cần thiết" để đảm bảo Nga có thể tự do xuất khẩu lương thực nếu có sự hồi sinh của thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine an toàn qua Biển Đen. "Chúng tôi muốn thấy các loại thực phẩm đó có mặt trên thị trường thế giới. Chúng tôi muốn tất cả mọi người đều được hưởng lợi từ giá thấp hơn", Ngoại trưởng Mỹ sau khi chủ trì cuộc họp của HĐBA LHQ về tình trạng mất an ninh lương thực do xung đột gây ra. Để thuyết phục Nga đồng ý với thỏa thuận Biển Đen, một hiệp ước khác cũng đã được ký kết vào tháng 7-2022, theo đó các quan chức Liên hợp quốc nhất trí giúp Nga xuất khẩu lương thực và phân bón sang thị trường nước ngoài. Trong cuộc họp trên, Phó Đại sứ Nga tại LHQ Dmitry Polyanskiy cáo buộc các nước phương Tây "không sẵn lòng" giúp thực hiện hiệp ước của LHQ với Moscow.

AN BÌNH