Nga, Ukraine và vấn đề khí đốt
(Cadn.com.vn) - Câu hỏi đặt ra là Châu Âu và Ukraine liệu có gặp khó nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt bởi thực tế họ đều phụ thuộc vào năng lượng từ Moscow.
Tập đoàn Gazprom của Nga ngày 27-2 tuyên bố có thể cắt đứt nguồn cung khí đốt cho nước láng giềng Ukraine vào cuối tuần này nếu như không nhận được khoản thanh toán thêm từ Kiev.
Reuters dẫn lời phát ngôn viên Sergei Kupriyanov cho biết trong bài phát biểu trên truyền hình rằng, “nếu không có tiền mới được nhận từ Kiev, sau đó tất nhiên chúng ta không thể tiếp tục cung cấp khí đốt cho Ukraine”. Tuy nhiên, ông không nói rõ số tiền này là bao nhiêu.
Gazprom dọa sẽ cắt nguồn cung khí đốt cho Ukraine trong tuần này |
Bất chấp các mối đe dọa, các bộ trưởng năng lượng Nga và Ukraine dự kiến sẽ gặp gỡ tại Brussels vào ngày 2-3 tới, làm dấy lên lo ngại Moscow sẽ quyết định cắt nguồn cung khí đốt. Sau cuộc tranh cãi gay gắt về giá và các khoản nợ vốn khiến các nước Châu Âu lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung năng lượng quan trọng này, Nga và Ukraine ký kết thỏa thuận vào tháng 10, yêu cầu Kiev phải trả trước các lô hàng khí đốt.
Liên minh Châu Âu (EU) can thiệp để giúp giải quyết các tranh chấp. “Chúng tôi đang mời các bên đến họp để lắng nghe quan điểm của họ và sau đó cố gắng làm trung gian giải quyết”, Anna-Kaisa Itkonen, phát ngôn viên của Ủy ban Châu Âu cho biết. Kupriyanov nói rằng, các cuộc thảo luận với các Cty khí đốt của Ukraine, Naftogaz, là liên tục, nhưng không cho biết thêm chi tiết khác.
Tối hậu thư của Gazprom đưa ra một ngày sau tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng, Ukraine chỉ có lợi khi thanh toán trong vòng “3-4 ngày”. Ông chủ Điện Kremlin cũng cảnh báo, Nga sẽ “tắt vòi khí đốt” nếu Kiev không chuyển tiền thanh toán nhanh chóng, nhưng không đặt ra hạn chót cho việc này.
Hiện chưa rõ liệu Ukraine, vốn bên bờ vực của sự phá sản với một cuộc chiến kéo dài chống phe nổi dậy ở miền đông, có khả năng chi trả hay không. Ukraine đang gặp khó khăn về tài chính, tuy nhiên gần đây đã nhất trí về gói cứu trợ quốc tế mới mà họ vẫn chưa bàn đến. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đồng ý cung cấp cho Ukraine một thỏa thuận cứu trợ mới trị giá 15,5 tỷ USD trong tháng này. Cam kết tài trợ mới được đưa ra khi gói tài trợ 4,6 tỷ USD trước đó gặp nhiều rắc rối.
Các tranh chấp khí đốt mới nhất nổ ra vào tuần trước, sau khi Ukraine cắt nguồn cung cấp khí đốt cho các khu vực ở phía đông và Nga bắt đầu bơm khí đốt trực tiếp cho khu vực này. Tổng thống Putin đã rất giận dữ lên án quyết định này của người đồng cấp Petro Poroshenko, nơi có 4,5 triệu người, nói rằng đây là hành động “vỗ về tội diệt chủng”. “Nếu chính quyền Ukraine xem xét đây là một phần lãnh thổ của họ, họ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tình hình ở đó”, ông nói. “Và nếu không phải như vậy, họ phải công khai nói rõ”, ông chủ Điện Kremlin nói. Vì thế, Gazprom cho rằng, việc bơm khí đốt thông qua các cửa khẩu ở miền đông Ukraine là phù hợp với các điều kiện hợp đồng, trong khi Kiev phản đối và nói rằng, Moscow không thể quản lý phân phối khí đốt ở khu vực ngoài tầm kiểm soát.
Rõ ràng, cùng với cuộc chiến quân sự ở đông Ukraine, cuộc chiến khí đốt đang khiến mối quan hệ Moscow- Kiev đến bờ vực thẳm. Nhiều người lo ngại Châu Âu và Ukraine sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng nếu Nga quyết định cắt nguồn cung khí đốt.
Khả Anh