Nga và những vũ khí "xuất ngoại" chủ đạo

Thứ hai, 11/07/2016 10:30

(Cadn.com.vn) - Trong tuần qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố báo cáo tổng giá trị xuất khẩu vũ khí và thiết bị quân sự của Nga năm 2016. Con số đạt 4,6 tỷ USD trong tổng giá trị đơn hàng đã ký lên tới trên 50 tỷ USD khiến nhiều quốc gia phải "thèm thuồng".

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), doanh thu của ngành công nghiệp vũ khí Nga tăng mạnh trong vài năm gần đây mặc dù kinh tế vẫn còn khó khăn, đặc biệt từ năm 2014. Năm 2014, Nga có 11 Cty sản xuất vũ khí được xếp trong danh sách Top 100 Cty hàng đầu thế giới, chiếm thị phần 10,2% trong tổng số 100 vũ khí bán chạy nhất thế giới.

Tàu ngầm Kilo

Tàu ngầm diesel-điện Kilo là một trong những tàu ngầm khỏe nhất, tĩnh lặng nhất thế giới từ trước đến nay, được trang bị vũ khí tối tân, kể cả tên lửa chống hạm và tên lửa hành trình tấn công trên đất liền. Khả năng độc đáo nhất của tàu ngầm Nga là tính năng hoạt động, được trang bị vũ khí mạnh nên được khách hàng ưa chuộng. Khi hoạt động dưới nước, Kilo luôn chiến thắng nếu so với các loại tàu ngầm của Đức, Pháp và Hà Lan. Trong cuộc tập trận tháng 10-2015, tàu ngầm lớp Kilo mà Hải quân Ấn Độ mua của Nga có khả năng đánh chìm tàu ngầm tấn công nguyên tử lớp Los Angeles của Hải quân Mỹ.

Tổ hợp tên lửa Favorite S-300

Tổ hợp tên lửa đất-đối-không tầm xa Favorite S-300 của Nga là vũ khí xếp sau Kilo được khách hàng nước ngoài chuộng mua vì tính đa năng, có thể bắn hạ máy bay, tên lửa và máy bay không người lái. Favorite S-300 có khả năng nhắm tới mục tiêu 6 máy bay cùng một lúc,  với 12 tên lửa mỗi mục tiêu, hiệu quả tạo ra một vùng cấm bay với bán kính rộng tới 300km. Favorite S-300 có thể kết hợp với tên lửa phòng không tầm ngắn và máy bay đánh chặn để phong tỏa các cuộc tấn công trên không phận Iran, gây tốn kém cho cả Israel lẫn Mỹ.

Tổ hợp tên lửa Favorite S-300 của Nga.

Máy bay MiG-35

Năm 2010, Ai Cập và Nga thương thảo hợp đồng trị giá 2 tỷ USD, trong đó Moscow sẽ cung cấp 46-62 máy bay MiG-35 tiên tiến cho Cairo. Ngoài Ai Cập, Serbia hiện cũng đang đàm phán mua loại máy bay này. Thế hệ MiG mới, lần đầu tiên được giới thiệu tại triển lãm hàng không Bangalore, Ấn Độ năm 2007, mang thiết kế đa năng, thực hiện tốt cả hai nhiệm vụ không-đối-không và tấn công chính xác vào các mục tiêu mặt đất trong mọi tình huống, thời tiết. Phiên bản xuất khẩu còn được trang bị radar quét mạng pha điện tử chủ động Zhuk-AE (AESA), có khả năng tương thích với các hệ thống vũ khí phương Tây.

Trực thăng tấn công

Xếp thứ 4 trong số vũ khí bán chạy của Nga là các loại trực thăng tấn công. Đây là khí tài không chỉ được quân đội Nga mà còn được các lực lượng vũ trang trên toàn thế giới ưa chuộng. Iraq là khách hàng lớn của Nga, nhận được 4 chiếc Mi-35 cuối năm 2013 và bắt đầu thanh toán tiền mua máy bay trực thăng 30 Mi-28 và 50 hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn Pantsir S1. Thực tế Iraq bị ảnh hưởng khá lớn bởi vũ khí Mỹ nhưng lại rất chuộng vũ khí Nga, đã ký thỏa thuận mua máy bay đánh chặn MiG-29.

Xe tăng T-90

T-90 còn được mệnh danh là xe tăng bay vì trọng lượng nhẹ, cơ động hơn so với bất kỳ loại xe tăng nào của phương Tây. Riêng giáp của T-90 đủ dày để chịu tên lửa chống tăng của đối phương. Nhiều quốc gia tin dùng loại tăng này như Ấn Độ, quốc gia có kế hoạch mua hơn 1.600 chiếc để hoạt động trong môi trường nhiệt độ cao và dày bụi ở sa mạc Rajasthan. Bên cạnh Ấn Độ, còn có Algeria, hiện đang sở hữu 305 chiếc và dự kiến sẽ mua thêm 200 chiếc nữa.

Kim Hùng
(Theo Sputnik/Rbth)