Ngân hàng Vatican và những bê bối

Thứ tư, 09/10/2013 10:33

(Cadn.com.vn) - Đầu tháng 10 này, lần đầu tiên trong lịch sử 125 năm qua, Vatican công bố báo cáo tài sản, trong đó ghi nhận khối tài sản hơn 6,7 tỷ USD ở ngân hàng, hầu hết phần tiền nằm trong trái phiếu và tài khoản tiết kiệm, ngoài ra còn lượng vàng và kim loại quý trị giá gần 60 triệu USD.

Đây chính là một trong những nỗ lực để minh bạch hóa tài chính, nhất là sau khi lãnh đạo Ngân hàng Vatican bị bắt và từ chức vì có liên quan đến gian lận, tham nhũng. Nhưng đây chỉ là một trong những vụ bê bối nghiêm trọng ở Vatican - nơi được mọi người tôn kính.

Giám đốc ngân hàng chuyển lậu tiền mặt

Đầu tháng 7, hai lãnh đạo Ngân hàng Vatican, tên cũ Viện Giáo vụ (IOR) nộp đơn từ chức sau khi giáo sĩ cao cấp bị bắt và bị cáo buộc có mối quan hệ làm ăn bất chính, chuyển lậu 20 triệu EUR (khoảng 26 triệu USD) từ Thụy Sĩ vào Italia để trốn thuế.

Theo bố cáo của Vatican, Giám đốc ngân hàng Paolo Cipriani và Phó Giám đốc Massimo Tulli quyết định ra đi, 3 ngày sau khi giáo sĩ Nunzio Scarano bị bắt vì hành vi câu kết với 2 người. Việc từ chức của 2 quan chức Ngân hàng IOR xảy ra ngay sau khi Giáo hoàng Francis quyết định thành lập Ủy ban điều tra nhắm vào hàng loạt vụ buôn bán, rửa tiền kéo dài liên quan đến hệ thống Ngân hàng Vatican.

Đặc biệt là phi vụ rửa 23 triệu EUR của IOR bị cáo buộc từ năm 2010 và sức ép từ Ủy ban điều tra rửa tiền Châu Âu (Moneyval) yêu cầu IOR cải tổ, tuân thủ các quy định quốc tế về chống rửa tiền và cung cấp tài chính cho tội phạm, đặc biệt là hỗ trợ khủng bố và buôn bán ma túy.

Giám đốc IOR từng bị sa thải vì rửa tiền

Trước đó, cuối tháng 5-2012, Giám đốc IOR lúc đó, ông Eltor Tedeschi cũng bị sa thải vì cố tình trì hoãn thực thi những nhiệm vụ được giao, “thiếu trách nhiệm” trong việc quản lý, gây thất thoát tài sản của Vatican, thậm chí còn làm tiết lộ thông tin mật để phục vụ cho mục đích chính trị, lợi ích cá nhân và rửa tiền.

Theo tạp chí Panorama của Italia, Cơ quan tình báo kinh tế Italia vào cuộc, điều tra vụ rửa 180 triệu EUR của IOR thông qua UniCredit. Qua điều tra, Italia phát hiện Giám đốc UniCredit có mối quan hệ thân tình với cựu Giám đốc IOR là Lelio Scatetti - người rời khỏi IOR cuối năm 2007 và bị cáo buộc mượn Ngân hàng IOR rửa tiền cho mafia ở đảo Sicily, do Cosa Nostra đứng đầu.

Theo cảnh sát Italia, các nhà chức trách thu giữ 23 triệu EUR từ tài khoản của Credito Artigianat chuyển cho Ngân hàng Banca del Fucino. Tuy nhiên, khi bị thanh tra Gotti Tedeschi không giải thích được nguồn gốc của nguồn tiền này.

Giám đốc IOR Paolo Cipriani.  

Vụ thất thoát 1,4 tỷ USD

Năm 1982 với sự ra đời của Ngân hàng Banco Ambrosiano hay Ngân hàng của Chúa, chính IOR cùng với Banco Ambrosiano là hai cổ đông lớn nhất cho một số Cty ma ở Mỹ Latinh vay với số tiền khổng lồ lên tới 1,4 tỷ USD mà đến nay vẫn không đòi được. Đặc biệt, IOR đứng ra bảo lãnh cho các món vay mờ ám này. Cơ quan an ninh Italia phát hiện, Banco Ambrosiano từng có “tiền án” rửa tiền cho xã hội đen.

Tháng 6-1982, cảnh sát Anh phát hiện ông Roberto Cavi, Giám đốc kiêm Chủ tịch Banco Ambrosiano bị treo cổ trên cầu Blackriars ở London. Cái chết của Cavi xảy ra trước vài ngày sau khi Ngân hàng Banco Ambrosiano sụp đổ. Khi bị thủ tiêu, trong người nạn nhân còn có 11.700 USD tiền mặt, kèm theo một rọ đá đeo bên cạnh để kéo cơ thể không giãy được.

Nhiều nguồn tin cho biết, cả Banco Ambrosiano lẫn IOR đều có mối quan hệ làm ăn với băng đảng Cicile của Cosa Nostra, riêng Cavi còn là thành viên không chính thức và có ảnh hưởng rất lớn của Hội Tam Điểm. Rõ ràng, sự ra đi không bình thường của vị chủ tịch Banco Ambrosiano nằm trong âm mưu của mafia vì chúng nghi Cavi đánh cắp tiền.

Khắc Hùng

(Theo WN/AP/Reuters)