Ngang ngược

Thứ năm, 14/07/2016 10:54

(Cadn.com.vn) - Không nằm ngoài dự đoán, chính phủ Trung Quốc ra tuyên bố kiên quyết không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), theo đó bác bỏ tuyên bố yêu sách “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh trên biển Đông. Tuy nhiên, vấn đề khiến cộng đồng quốc tế quan ngại ở đây là những phản ứng quá nóng và ngang ngược của Trung Quốc sau phán quyết được hoan nghênh này.

Trong động thái càng khiến tình hình ở biển Đông thêm căng thẳng, Trung Quốc hôm 13-7 tuyên bố có quyền thiết lập Vùng xác định phòng không (ADIZ) ở biển Đông. Phát biểu tại một buổi họp báo ở Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân tuyên bố, quyền thiết lập ADIZ của nước này tại biển Đông không bị ảnh hưởng bởi phán quyết của PCA, và việc này sẽ phụ thuộc vào mức độ đe dọa mà Bắc Kinh phải đối mặt. (Trung Quốc đã thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông vào năm 2013, làm bùng nổ làn sóng phản đối gay gắt từ Nhật Bản cho đến Mỹ dù thực tế ADIZ này không được thực thi đầy đủ). Không chỉ có những tuyên bố gây sóng gió như vậy, Trung Quốc còn ra Sách Trắng về vụ kiện liên quan đến biển Đông này, trong đó nhấn mạnh, Bắc Kinh kiên trì thông qua đàm phán giải quyết tranh chấp liên quan ở biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines.

Nhiều người cho rằng, không dễ để một quốc gia đang nổi lên như Trung Quốc lên tiếng chịu trách nhiệm cho những sai lầm của mình bằng hệ thống công lý quốc tế. Trên thực tế, Trung Quốc lâu nay cũng chỉ muốn đàm phán song phương với từng quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông để dễ dàng chèo lái dư luận. Và rõ ràng, phán quyết lần này của PCA, dù muốn dù không, đã đặt áp lực quốc tế lớn trên vai Bắc Kinh.

Một phản ứng gay gắt của Bắc Kinh cũng chỉ càng cho thấy Trung Quốc là một quốc gia bất hảo và bất chấp luật pháp quốc tế tại thời điểm họ đang mở rộng ảnh hưởng chính trị và kinh tế trên sân khấu thế giới. Và từ đây, Philippines và các đồng minh có thể dễ dàng công kích tấn công Bắc Kinh khi gã khổng lồ Châu Á đang thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với luật pháp quốc tế. Trong quá khứ, có nhiều cường quốc khác đã phớt lờ các phán quyết của tòa án quốc tế, nhưng họ thường xuyên mệt mỏi với những cuộc đàm phán hòa giải về vấn đề này.

Và lần này, nếu Trung Quốc kiên quyết bác bỏ phán quyết của PCA, lo ngại càng tăng bởi nếu mối quan hệ giữa các nước trên thế giới chủ yếu dựa vào nhận định chủ quan của các nước lớn hơn là nguyên tắc luật pháp, các nước nhỏ sẽ cảm thấy không an toàn. Ngoài ra, nếu không có quy tắc trên biển, tất nhiên sẽ khó có thể có cái gọi là tự do hàng hải và an ninh trên biển.

Vì lẽ đó, với những nước hiện sẵn sàng yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết của PCA, đây là thời điểm thích hợp để kêu gọi Bắc Kinh cần nhận ra những giá trị chung cần thiết cho trật tự quốc tế.

Thanh Văn