Ngập úng tại Đà Nẵng: Đến hẹn lại... lo

Thứ bảy, 24/08/2013 12:25

(Cadn.com.vn) - Chớm mùa mưa bão, nhưng tình trạng ngập úng, nhất là ở các vùng nội đô của Đà Nẵng đã xảy ra. Trong lúc công tác xử lý ngập úng đang được triển khai nơi này thì nơi khác xuất hiện điểm mới bởi cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.  

Đà Nẵng có bao nhiêu điểm ngập úng?

Theo ông Mai Mã, Giám đốc Cty Thoát nước và xử lý nước thải (TN-XLNT) Đà Nẵng,  đánh giá về tình hình ngập úng ở Đà Nẵng chưa nhất quán cho câu hỏi “thế nào là ngập úng?”. Vậy nên, có thời điểm con số đưa ra là 83, thời điểm hiện tại lại là 91 điểm ngập úng (tháng 6-2013, Sở Xây dựng).  Trong mùa mưa lũ năm 2012, toàn Đà Nẵng có 9 điểm ngập úng lớn, nằm trên các đường Đỗ Quang-Nguyễn Hoàng, đường Nguyễn Văn Linh- Lê Đình Lý, khu vực phường Thạc Gián- Vĩnh Trung, đường Quang Trung- Đống Đa, đường 30-4- Núi Thành- Phan Đăng Lưu, đường Hoàng Hoa Thám- Lê Duẩn, tổ 14-Thanh Khê Tây...

Trên toàn 91 điểm ngập úng, tính đến tháng 8-2013, Cty TN-XLNT đã xử lý được 37 điểm, hầu hết bằng biện pháp tạm thời như: nạo vét, khơi thông và sửa chữa nhỏ cống rãnh thoát nước; hiện vẫn đang tiếp tục theo dõi kiểm nghiệm và xử lý khi có mưa. Đối với các điểm còn lại, Sở Xây dựng đã báo cáo cụ thể tình hình thi công, cấp vốn cho các công trình cùng với những kiến nghị nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, sớm giải quyết tình trạng ngập úng trước mùa mưa năm 2013, gồm: 35 công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách TP, 10 công trình sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới thuộc dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên, dự án phát triển bền vững.

Đoạn đường trên đường 2-9, đầu vòng xoay đầu cầu Tiên Sơn và đường Xô Viết Nghệ Tĩnh thường xuyên ngập úng mỗi khi có mưa trong mùa mưa bão. Ảnh: H.T

UBND TP cũng đã có chủ trương nâng cấp một số tuyến mương lớn như, cống thoát nước đường Quang Trung-Lê Hồng Phong-Hoàng Văn Thụ cùng một số tuyến trục lộ lớn với kinh phí khoảng hơn 200 triệu đồng, nâng cấp, sửa chữa đường cống, cầu và một số hạng mục đã xuống cấp. Từ tháng 5-2013 đến nay, Cty TN-XLNT đã xử lý được 90% các điểm ngập úng, tuy nhiên dự báo trong mùa mưa bão năm nay ở miền Trung và Đà Nẵng sẽ rất phức tạp, tình hình ngập úng sẽ còn diễn ra trên diện rộng, còn phải giải quyết lâu dài trong thời gian tới...

Không nên có tư tưởng ai ngập nấy lo

Ông Mai Mã cho biết, Cty TN-XLNT  là đơn vị chuyên trách về công tác chống ngập úng của TP. Bên cạnh những thuận lợi là được sự chỉ đạo kịp thời của UBND TP, Sở Xây dựng, Sở TN-MT, cũng như sự phản ánh của các địa phương, người dân... cũng còn nhiều khó khăn vướng mắc trong công tác xử lý ngập úng.  Hiện công tác xử lý ngập úng của công ty chủ yếu là nạo vét, khơi thông và đặt máy bơm thoát nước tạm thời tại những vị trí ngập. Cty quản lý gần 1.000km mương cống, nhưng kinh phí duy tu sửa chữa rất hạn chế, trong năm 2013 chỉ có 6 tỷ đồng. Trong khi đó, hầu hết các tuyến kênh mương nội đô như Hải Châu, Thanh Khê đều đã xây dựng từ lâu, không đồng bộ về cao trình, xuống cấp, tắc nghẽn nên việc đầu tư nguồn vốn sửa chữa thường xuyên, cũng như làm mới các tuyến mương này để đồng bộ với hệ thống thoát nước xung quanh đã làm mới là vô cùng cần thiết...

Một điểm ngập lụt thường xuyên trong mùa mưa.

Cơ sở vật chất, xe máy, trang thiết bị phục vụ công tác vận hành, bảo dưỡng hệ thống thoát nước còn rất thiếu thốn, không đồng bộ.  Công tác chỉ đạo, thanh quyết toán các công trình xử lý sự cố, điểm nóng chưa đồng bộ, nguồn vốn thiếu, nhiều lúc lúng túng trong việc xử lý các thông tin về các điểm ngập úng, điểm nóng ngập úng do người dân, báo chí phản ánh...   Điểm đáng nói là ý thức người dân nhiều khu vực chưa cao, thường xuyên bỏ rác, trám trít các hố ga, miệng cửa thu nước dẫn đến khả năng thoát nước của các tuyến  đường bị hạn chế. Tình trạng người dân lấn chiếm hành lang mương cống thoát nước còn khá phổ biến mà chưa có quy định nào để xử lý, xử phạt...

Cũng theo ông Mai Mã, hiện Cty đã có văn bản gửi Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP, lập hồ sơ và phương án trình Sở Xây dựng xin chủ trương, kinh phí sửa chữa, nâng cấp  một số tuyến cống, mương thoát nước tại một số khu vực như, khu vực đường K20, đường Đỗ Quang-Nguyễn Hoàng, Nguyễn Văn Linh-Hàm Nghi, Lê Duẩn-Hoàng Hoa Thám, Thạc Gián-Phú Lộc, Vĩnh Trung-Tam Thuận, đường Quang Trung, Đống Đa... Đề xuất UBND TP về công tác xử lý ngập úng, nên bổ sung nguồn vốn duy tu sửa chữa thường xuyên mương cống thoát nước, định kỳ hằng năm lên kế hoạch cải tạo mới một số tuyến cống nội đô. Bố trí cho công ty nguồn vốn cố định về công tác xử lý điểm nóng ngập úng cũng như có một đơn vị chủ quản duy nhất để quản lý, giám sát vấn đề này...

Đặc biệt, Cty đề xuất UBNDTP cho Cty thành lập đội quy tắc kiểm tra, xử phạt các trường hợp  vi phạm hành lang mương cống, phá hoại gây ảnh hưởng đến vận hành của hệ thống thoát nước đô thị... Bên cạnh đó, các sở, ban ngành, quận,  huyện, đoàn thể cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân tham gia công tác khơi thông, chống ngập úng, bảo vệ và giữ gìn hệ thống thoát nước đô thị. Một vấn đề quan trọng nữa là, hiện tại công tác xử lý ngập úng trên địa bàn TP còn vướng mắc chủ yếu là do nguồn vốn để hoàn thành các dự án khu dân cư, vì vậy UBND TP nên chỉ đạo tập trung làm dứt điểm từng dự án, không đầu tư dàn trải. Đối với các dự án đang chờ phân cấp vốn theo phân kỳ, đề nghị các đơn vị điều hành có biện pháp đào mương thoát nước tạm, dẫn dòng chảy hợp lý, thường xuyên cử lực lượng trực xử lý khi mùa mưa bão đến.

Có thể thấy, công tác giải quyết, xử lý phòng chống ngập úng cũng như các đô thị lớn khác trên cả nước, Đà Nẵng cũng cần phải huy động tổng lực, nâng cao ý thức của toàn cộng đồng xã hội cùng tham gia.

Hồng Thanh