Ngày ấy ở trại Davis (3)

Thứ tư, 19/04/2017 10:25

* Kỳ 3: Vùng giải phóng Thiện Ngôn- Lò Gò- Lộc Ninh

(Cadn.com.vn) - Trong hai tháng đầu sau ngày ký Hiệp định, việc trao trả tù binh được tiến hành đều đặn theo lịch đã thỏa thuận. Ta trả tù binh Mỹ mà đa số là giặc lái máy bay bị bắt ở miền Bắc tại sân bay Gia Lâm và một vài địa điểm lẻ tẻ ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đối phương trả tù binh ta ở Sông Thạch Hãn, Thiện Ngôn, Lộc Ninh. Ta trả tù binh ngụy ở Gio Linh, Đức Cơ. Nói chung, địch giam giữ người của ta nhiều hơn ta giam giữ địch. Theo tôi nghĩ,  một lý do mấu chốt là sau khi bắt tù binh được giải thích về các chính sách và ta thả tại chỗ, chỉ có nơi có hậu cứ như Tây Nguyên hay miền Bắc ta mới tổ chức một số trại tù binh. Trong giai đoạn này đối phương còn trao trả cho chúng ta một số tù binh ở Phú Quốc tại Thiện Ngôn. Qua tìm hiểu một số anh em từ  Bộ Tư lệnh Miền (R) ra tham gia vào Ủy ban Liên hợp, tôi được biết Quỳ (em trai tôi) đang ở Lò Gò gần Thiện Ngôn. Tôi xin phép Đoàn đi làm sĩ quan liên lạc tham gia nhận tù binh ở Thiện Ngôn để có dịp thăm em. Buổi sáng trời trong xanh, máy bay bay theo quốc lộ I lên Tây Ninh, hạ cánh ở sân bay Trảng Lớn để lấy dầu rồi lên Thiện Ngôn, qua Tây Ninh một đoạn là vùng giải phóng. Sân bay Thiện Ngôn nằm một bên quốc lộ 22C (đi sang Campuchia qua cửa khẩu Xa- Mát). Sau khi thống nhất số lượng trao trả,  hai chiếc UH1 tiền trạm quay về Tân Sơn Nhất.  Tôi ở lại Thiện Ngôn và nhờ đồng chí cán bộ đèo bằng xe Honda 90 vào Lò Gò khoảng hơn 10 km qua một trảng tranh rộng lớn đến bờ sông nhỏ người ta gọi là Vàm Cỏ Đông, rồi đi bộ qua một cánh rừng là đến nhà Quỳ. Tôi đã từng sống ở Việt Bắc trong những lán trại bên bờ suối, gặp lại những lán trại nơi này cũng giống như thế, lòng bùi ngùi xúc động. Hôm đó Quỳ ở nhà với một cậu con trai gầy đen, tự nhiên lòng tôi trỗi dậy niềm thương cảm vô cùng  đối với thế hệ sinh ra và lớn lên trong rừng. Vì sống trong rừng nên cậu bé không biết đôi giày như thế nào, thấy tôi đi giày cao cổ, cháu hỏi cha: "Sao đôi dép của bác Tư kỳ vậy ba?", vì ở trong rừng, lớn nhỏ đều dùng dép râu. Quỳ kể cho tôi nghe mạ tôi lặn lội từ Sài Gòn lên thăm, rồi tôi kể cho em nghe chuyện ba ở Hà Nội. Tối  đến anh em ở cơ quan Quỳ cũng ngồi lại để tôi kể về Hà Nội, về cuộc chiến chống B52 của giặc Mỹ trên bầu trời Hà Nội. Một tình cảm hết sức xúc động trong những ngày gian khổ của cuộc chiến.

Đại tá Hà Cân.

Sáng hôm hai anh em đèo nhau bằng xe đạp ra Thiện Ngôn để dự cuộc trao trả tù binh ở Phú Quốc bằng các chuyến bay C130. Khoảng 10 giờ, chuyến bay đầu tiên về đến. Thật cảm động khi bước xuống máy bay, các anh em cởi hết quần áo trả lại, chỉ mặc quần đùi và không biết các đồng chí ấy lấy đâu ra các khẩu hiệu và giơ lên, chứng tỏ có sự tổ chức, chuẩn bị trước đó. Phần đông đều ốm yếu nhưng ai nấy đều rất khí thế và hô rất to: "Hoan hô Hiệp định Paris, Việt Nam độc lập muôn năm!". Phía ngụy có một sĩ quan đứng ra đọc tên từng người, gọi đến tên ai đứng qua một bên để chúng ta tiếp nhận. Đọc hết, có một đại biểu của tổ quốc tế hỏi ai có nguyện vọng trở về bên Việt Nam cộng hòa không? Tất cả hô "Không".   Chuyến bay hạ cánh tiếp theo cũng thủ tục tương tự, mỗi lần trả khoảng 200 người, những người được trả ở Thiện Ngôn đều là đàn ông và phần lớn là bộ đội, dân quân. Xong cuộc trao trả tôi lên máy bay về Tân Sơn Nhất.    Những lần sau tôi tham gia các cuộc trao trả ở  Lộc Ninh, cảnh đón tiếp ở đây tưng bừng hơn ở Thiện Ngôn vì đây gần căn cứ chính của ta, gần Bộ Tư lệnh Miền, và gần cửa ngõ giao thông chiến lược QL 13, quần chúng hai bên đường cầm cờ giải phóng vẫy chào anh em trở về. Có một thủ đoạn của địch là xáo trộn, bằng cách trao trả những  anh em miền Tây ra Quảng Trị, những người ở khu V trao trả Lộc Ninh để chúng ta khó xác minh lý lịch, chúng có thể cài gián điệp vào một số người trao trả. Tôi gặp một số chị em người Quảng Nam thật tội nghiệp,  nhiều cô còn trẻ, nước da xanh rờn, có cô nói là quê ở Phong Hồ, tức là phía đông quốc lộ 1 qua Điện Bàn quê hương tôi. Chị Võ Thị Thắng trong bức ảnh "Nụ cười chiến thắng" được trao trả ở Lộc Ninh, nhưng lúc đó không nhận ra chị, vì tên sĩ quan ngụy đọc là Thăng, vả lại người ngoài ảnh thay đổi nhiều quá qua nhiều năm tù đày...

Một tù binh Mỹ (nằm trên võng) được ta trao trả ở Lộc Ninh (ảnh: T.L).

Dịp này, tôi tranh thủ thời gian trống giữa những đợt trao trả để đi thăm Lộc Ninh. Cuối đường băng phía sườn đồi là nhà khách của bộ phận thường trực thi hành hiệp định, đi đến một đoạn qua một chiếc cầu là chợ Lộc Ninh  bày bán nhiều hàng hóa phong phú, nhiều cây trái Nam bộ. Ngày xưa đường xe lửa đã chạy đến đây, báo chí phương tây gọi Lộc Ninh là thủ đô của Chính phủ Cách mạng lâm thời, gần đầu não của BTL Miền và điểm cuối của đường mòn Hồ Chí Minh, thời điểm này đường ống dẫn dầu đã đến tận Lộc Ninh. Trong lửa đạn chiến tranh chúng ta làm những điều kỳ diệu.

Mai Phúc (lược ghi)
(còn nữa)