“Ngày tồi tệ nhất” do cháy rừng tại Australia
Bầu trời đỏ như máu bao phủ nhiều khu vực ở đông nam Australia ngày 5-1 khi người dân tìm nơi ẩn náu khỏi những đám cháy rừng chết người, và một lính cứu hỏa mô tả 24 giờ trước đó là "một trong những ngày tồi tệ nhất của chúng tôi".
Hải quân Hoàng gia Australia sơ tán người dân khỏi Mallacoota, bang Victoria. Ảnh: CNN |
Khói bao phủ toàn khu vực
Những bức ảnh về khu vực Pambula ở bang New South Wales (NSW) cho thấy khung cảnh kỳ lạ, đầy khói, với những con đường vắng vẻ được chiếu sáng bởi một bầu trời đỏ rực khác lạ. Cách đó khoảng 30km về phía nam, bầu trời màu đỏ như máu bao phủ thị trấn Eden. Ở đó, hàng trăm cư dân đang tìm nơi ẩn náu trên bãi biển theo lời khuyên của cảnh sát. Nhiều ngôi nhà trong khu vực bị phá hủy, và các quan chức cho biết họ sợ sẽ có nhiều trường hợp tử vong.
Theo Sở cứu hỏa nông thôn bang NSW (NSWRFS), tổng cộng có 146 đám cháy đang bùng phát trên toàn bang, với 65 vụ cháy không rõ nguyên nhân. Khoảng 2.700 lính cứu hỏa đang tham gia chữa cháy trong ngày 5-1. "Tình trạng đã giảm bớt ngày hôm nay và các nhân viên cứu hỏa đã chiếm thế thượng phong trong một số vụ hỏa hoạn nguy hiểm. Không có lệnh cấm lửa nào diễn ra vào ngày 6-1", báo cáo của NSWRFS đăng trên Twitter cho biết.
Trước đó, Ủy viên Hội đồng Quản trị của NSWRFS Shane Fitzsimmons cho biết trong cuộc họp báo, ngày 4-1 là "một trong những ngày tồi tệ nhất chúng tôi từng ghi nhận”. Theo ông Fitzsimmons, một "số lượng đáng kể" tài sản đã bị thiêu rụi trên khắp bang NSW. Một người đàn ông 47 tuổi tử vong vì ngừng tim trong khi tham gia chữa cháy tại nhà của bạn mình ở Batlow. Đây là người đàn ông thứ 24 thiệt mạng trong mùa cháy này tại bang. 4 nhân viên cứu hỏa ở NSW đã phải nhập viện do hít phải khói, kiệt sức vì nóng và bỏng.
Ông Fitzsimmons cho rằng, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn trong những ngày tới. Hãng hàng không Qantas của Australia đã hủy tất cả các chuyến bay đến và đi khỏi thủ đô Canberra trong ngày 5-1 do khói và điều kiện thời tiết nguy hiểm. Một hành khách của hãng hàng không này đã phát hiện những đám mây khổng lồ gây ra bởi các vụ hỏa hoạn ở NSW trong chuyến bay từ Sydney đến Melbourne hôm 5-1. Đây là những đám mây mang tia sét do lửa hình thành khi không khí nóng bốc lên từ một đám cháy trên mặt đất. "Quá trình này tương tự như sự phát triển của giông bão. Các đám mây này tạo ra tia lửa và gây ra các đám cháy mới", chuyên gia thời tiết Derek Van Dam cho biết.
Tại bang Victoria lân cận, ba đám cháy đã kết hợp với nhau tạo thành một ngọn lửa lớn. Theo Bộ Môi trường, Đất đai, Nước và Quy hoạch, các vụ hỏa hoạn bùng lên vào đêm 3-1 tại khu vực Omeo, tạo ra ngọn lửa rộng 6.000 ha. Nhiệt độ tại thủ đô Canberra đã đạt mức kỷ lục trong 80 năm qua, đạt 44 độ C vào chiều 3-1, theo Cục Khí tượng Quốc gia. Ở Penrith, vùng ngoại ô phía tây Sydney, nhiệt độ đạt mức 48,9 độ C - lập kỷ lục mới cho toàn lưu vực Sydney. Victoria đã tuyên bố tình trạng thảm họa và NSW đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Tính đến nay, thảm họa cháy rừng kinh hoàng nhất được ghi nhận tại Australia đã khiến 173 người thiệt mạng và 500 người bị thương.
Tập trung chữa cháy
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 5-1, Thủ tướng Scott Morrison cho biết, đêm 5-1 là một đêm khó khăn trên khắp đất nước - đặc biệt là tại bang NSW, Victoria và Nam Australia.
Ông Morrison - người phải đối mặt với những lời chỉ trích vì đi nghỉ ở Hawaii trong khi các vụ hỏa hoạn đang xảy ra hồi tháng 12- cho biết phản ứng của chính phủ là quan trọng nhất và toàn diện nhất đối với một thảm họa tự nhiên. "Tôi tin rằng đó là nơi chúng ta cần tập trung sự chú ý và chúng tôi đang tìm cách liên lạc trực tiếp với người dân để đảm bảo rằng họ được đáp ứng nhu cầu", ông nói. "Chắc chắn đã có rất nhiều bình luận, có rất nhiều lời chỉ trích. Nhưng tôi không thể bị phân tâm bởi điều đó, và tôi biết, công chúng cũng không bị phân tâm bởi điều đó. Những gì họ cần là sự quan tâm của chúng ta. Tất cả chúng ta phải quan tâm đến nhu cầu ở đó và hỗ trợ những nơi cần”, Thủ tướng cho biết thêm.
Trong một bản tin hôm 5-1, Lực lượng Quốc phòng Australia (ADF) cho biết đã tăng đáng kể sự hỗ trợ của mình trong việc chữa cháy, chuẩn bị 3.000 lực lượng quân dự bị và những người khác có khả năng chuyên môn tham gia chữa cháy. ADF cũng sẽ cung cấp máy bay, điều tàu tàu lớn nhất HMAS Adelaide cho phép trực thăng hạ cánh đến khu vực. ADF ưu tiên hỗ trợ sơ tán người dân trong các cộng đồng bị cô lập. HMAS Adelaide, tàu lớn nhất của Hải quân Australia, đã rời khỏi bờ biển Eden hôm 5-1 khi các cuộc di tản đang diễn ra. Một số căn cứ của ADF sẽ được sử dụng làm nơi ở của những người bị di dời bởi đám cháy. New Zealand và Singapore cũng đã đề nghị hỗ trợ quân sự, và ADF đang đánh giá nơi họ có thể giúp đỡ.
AN BÌNH