Nghệ An: Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn ở các bến đò

Thứ hai, 18/07/2016 10:12

(Cadn.com.vn) - Thiếu phương tiện vận chuyển, cơ sở hạ tầng không đảm bảo, yếu ở khâu quản lý của chính quyền địa phương và đặc biệt là ý thức chấp hành chưa nghiêm túc của chủ đò cũng như người đi đò... Đó là những tồn tại đã và đang diễn ra ở các bến đò trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Thực tế này đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, đe dọa tới tính mạng của hàng trăm người dân khi phải di chuyển hàng ngày bằng đường thủy...

Là bến đò lớn nhất H. Đô Lương nên mỗi ngày bến đò Cung vận chuyển hàng chục chuyến chở khách qua lại. Mật độ người và các phương tiện tham gia giao thông nhiều nhưng hầu hết không ai mang áo phao theo đúng quy định. Trên đò rất lộn xộn, các lan can hai bên đò đã hư hỏng, cũ kỹ và không có tầm chắn bảo vệ. Anh Lê Kim Lưu (xóm Liên Trung, xã Phong Thịnh, H. Thanh Chương) khi được hỏi về vấn đề an toàn trên thuyền nói rằng: Anh qua lại đây thường xuyên nhưng chẳng mấy khi thấy ai nhắc đến việc mặc áo phao. Ông Nguyễn Văn Long, chủ phương tiện thì thanh minh, trời nắng nóng nên mọi người ngại mặc áo phao, một số người khác thì chủ quan vì biết bơi. Tình trạng vi phạm ở bến đò Cung cũng khá phổ biến ở hầu hết các bến đò khác dọc theo sông Lam qua các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn. Trong đó, chủ yếu là phương tiện không đảm bảo, người điều khiển phương tiện không có giấy chứng nhận điều khiển máy phương tiện thủy nội địa theo quy định, không trang bị đủ thiết bị cứu sinh, không niêm yết bảng nội quy bến đò, giá vé. Tại các bến đò, nhiều nơi cơ sở hạ tầng bến bãi, biển báo đường và cầu lên xuống không đảm bảo và được đầu tư chắp vá.

Khách qua sông ở bến đò Cung (xã Trung Sơn, H.Đô Lương) không mặc áo phao,
thuyền không có lan can bảo vệ.

Thống kê của Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Nghệ An cho thấy, đến đầu tháng 7-2016 có 16/25 bến đò do UBND huyện, thị xã cấp phép trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã hết thời hạn. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở các bến đò huyện đồng bằng mà các bến đò đang hoạt động tự phát dọc các con sông, đặc biệt ở khu vực vùng sâu vùng xa, vùng lòng hồ thủy điện cũng không có đăng kiểm, đăng ký. Ở H. Tương Dương, trước đây khi công trình thủy điện Bản Vẽ đang xây dựng có hơn 100 con thuyền hoạt động thường xuyên dọc sông Nậm Nơn từ Tương Dương lên Mỹ Lý - Kỳ Sơn. Hiện nay, khi công trình đường Tây Nghệ An hoàn thành thì lưu lượng thuyền đi lại trên sông đã giảm nhưng thuyền dân sinh vẫn khá đông và chủ yếu không có đăng kiểm, đăng ký. Phần lớn thuyền có công suất từ 15 CV trở lên và bắt buộc phải đăng kiểm. Tuy vậy, đến thời điểm này ông Trần Văn Thắng, Trưởng phòng Công thương huyện cho biết: Sau khi quy định mới về thủ tục đăng ký, đăng kiểm chuyển xuống tỉnh quản lý thì số lượng các chủ thuyền đi đăng ký giảm hẳn và tỷ lệ thuyền đang hoạt động đúng theo quy định chưa đến 50%. Từ đầu năm 2016 đến nay, lực lượng CAH đã xử lý 3 trường hợp vì không có giấy phép. Nguyên nhân chính là người dân e ngại vì đường xa, không thông thạo tiếng nói và nhận thức còn nhiều hạn chế.

Ông Nguyễn Viết Hùng, Trưởng phòng Quản lý Vận tải, Sở Giao thông Vận tải cũng thừa nhận: Hoạt động ở các tuyến đò dọc hiện nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vì đây chủ yếu là các đò dân sinh, chưa đủ điều kiện an toàn kỹ thuật hoặc đã bị xuống cấp do hư hỏng, nhưng vì nhu cầu đi lại của người dân nên vẫn hoạt động. Số phương tiện được cấp phép chưa đến 70%.

Trước thực tế trên, để đảm bảo an toàn và các điều kiện hoạt động của các bến đò theo đúng quy định, Sở Giao thông Vận tải đã đề nghị UBND các huyện, thị xã cần sớm chấn chỉnh hoạt động ở các bến đò. Trong đó, các bến đò đang còn thời hạn giấy phép thì chủ bến chỉnh trang, sửa chữa các trang thiết bị để đảm bảo phát huy tác dụng và điều kiện hoạt động. Đối với các bến đã hết thời hạn cấp phép, yêu cầu các chủ bến sửa chữa, bổ sung đầy đủ các trang thiết bị bến đảm bảo phát huy tác dụng và đảm bảo điều kiện hoạt động. Trong trường hợp bến cố tình không xin lại giấy phép đề nghị các huyện, thị xã đình chỉ hoạt động. Ngoài ra, các địa phương cần đầu tư để tối thiểu phải có biển nội quy, biển niêm yết giá, biển chỉ dẫn, bậc lên xuống, đường dẫn lên xuống bến, nhà chở khách, phương tiện trang thiết bị phao cứu sinh...

Về phía người dân cũng cần nêu cao ý thức trách nhiệm bảo vệ tính mạng của mình, tự giác chấp hành tốt quy định an toàn khi đi trên các phương tiện giao thông đường thủy".

Bích Huệ