Nghề săn mật ong rừng của người Cơ Tu

Thứ hai, 27/06/2016 10:18

(Cadn.com.vn) - Mùa hè đến, khi tiếng ve kêu râm ran cả cánh rừng, tiếng vù vù của những con ong đang ngày đêm miệt mài xây tổ, cũng là lúc những người thợ săn mật ong rừng ở Tây Giang (Quảng Nam) lại háo hức mang salec (gùi) gói cơm vào rừng  kiếm tổ ong lấy mật. Họ đi từng nhóm từ 3 đến 10 người, có khi ở đến cả tuần giữa rừng để tìm mật.

Bạt ngàn rừng nguyên sinh ở Tây Giang, nơi ong rừng tìm về làm tổ, cho ra mật ngọt.

Anh Bhling Tông, ở thôn Pơr'ning, xã Lăng cho biết: "Theo kinh nghiệm từ xa xưa của người đi săn mật ong rừng, năm nào cây rừng cho ra hoa, trái nhiều, ít mưa, mùa đó rừng sẽ có nhiều tổ ong và mật ong đạt chất lượng nhất. Dù vậy, nhưng việc vào rừng kiếm tổ ong không phải dễ dàng, có lúc đi cả tuần không kiếm được tổ nào".

Dưới mái nhà Gươl làng Pơr'ning thanh bình, già Cơ lâu Nâm, một thợ săn dạn dày kinh nghiệm, đang vót sợi mây để chuẩn bị mùa đi hái mật ong rừng. Già bảo, ngoài làm nương rẫy, săn mật ong rừng là nghề truyền thống của người Cơ Tu ở Tây Giang nhưng không phải ai cũng làm được vì nghề kiếm tổ ong, cách lấy mật ong rất khó khăn và không ít hiểm nguy. Rừng Tây Giang có nhiều loại ong rừng, nhưng chủ yếu có hai loại có mật rất ngon và có thể làm dược liệu chữa bệnh. Đó là ong déo (ghi dớ) thường làm tổ trên cành cây cao cách mặt đất từ 30 mét trở lên, để tránh gấu và thú dữ phá tổ,và ong đất (ki roát) thường làm tổ trong hốc cây to có đường kính từ 60cm đến một mét. Hốc cây hoặc có sẵn trong tự nhiên, hoặc do người thợ săn khoét sẵn để nhử ong về làm tổ, cao tầm một mét. Với người Cơ Tu, mật ong rừng dưới gốc cây ngon, thơm, đậm đặc và quý hơn mật ong trên cành cây. Người Cơ Tu từ rất lâu họ đã biết lấy mật ong rừng nguyên chất kết hợp với các loại thảo dược quý ở rừng để làm thuốc chữa trị các loại bệnh như dạ dày, đau mắt, viêm họng, dùng sáp ong làm dầu thắp sáng, bôi lên nỏ, ná cho bóng đẹp và bền.

Tổ ong déo trên cây.

Khi đi kiếm tổ ong déo trên cây, người Cơ Tu có luật  bất thành văn là những tổ ong đã được ai đi trước tìm thấy trước, đánh dấu vào cây bằng ký hiệu (gọi là Cơ lắ) thì người đến sau khi thấy kí hiệu ấy, phải biết là tổ ong đã có chủ. Hái mật ong đóng tổ trên cây thì mức độ hiểm nguy cao hơn bởi có tổ trên cây cao chót vót lên đến 40, 70 mét, dây leo chằng chịt, ở dưới là vực sâu thăm thẳm, chỉ cần sơ ý một tí là có thể nguy hiểm đến cả tính mạng. Chưa nói khi hái mật ong, họ thường hái vào ban đêm vì  quan niệm ong rừng đêm ngủ, sẽ không nhìn thấy người hái mật. Thêm nữa ban đêm người thợ không nhìn thấy được khoảng sâu và độ cao sẽ tập trung và tránh sự phân tâm hơn. Khi hái tổ mật ong, người thợ phải có kỹ năng, khéo léo, nhẹ nhàng, tránh làm hại đến ong con và phải luôn để lại một phần sáp ong không có mật để ong con có chỗ cư ngụ, tiếp tục làm tổ cho mùa sau.

Với giá 1 lít mật ong rừng nguyên chất bán tại chỗ như hiện nay từ 300 đến 500 ngàn đồng, là số tiền  lớn giúp người thợ săn ong rừng có phần thu nhập cải thiện đời sống, vừa là cái nghề gắn với núi với rừng. Họ như những người kiểm lâm thường trực, vừa tuần tra rừng vừa kiếm hái những giọt mật ong quý hiếm ngọt ngào cho đời.

Bài, ảnh:  PƠLOONG PLÊNH