Nghệ sĩ Kim Cương với "Sống cho người, sống cho mình"
(Cadn.com.vn) - Chiều 12-5, tại Đà Nẵng, Cty TNHH MTV Sách Phương Nam tổ chức buổi giao lưu giữa khán giả, độc giả Đà Nẵng với nghệ sĩ Kim Cương. Dịp này, Cty Phương Nam cũng giới thiệu đến bạn đọc Đà Nẵng cuốn hồi ký của nghệ sĩ Kim Cương "Sống cho người, sống cho mình". Đây là cuốn hồi ký ghi lại những thăng trầm của cuộc đời "kỳ nữ" của sân khấu Việt Nam sau nhiều năm ấp ủ.
Nghệ sĩ Kim Cương giao lưu, ký tặng sách với khán giả, độc giả Đà Nẵng. |
Sân khấu cuộc đời
Đến với sân khấu khi chỉ mới 18 ngày tuổi (với vai con của Quan Âm Thị Kính) và trở thành một kỳ nữ được khán giả thương mến từ khi còn rất trẻ, dường như cuộc đời đã định sẵn nghệ sĩ Kim Cương sinh ra là để hát, để diễn, để hy sinh đời mình cho nghệ thuật. Tình yêu mãnh liệt với sân khấu không chỉ tạo nên một Kim Cương kỳ nữ của nghệ thuật mà còn phôi thai nên hình hài một Kim Cương trọn vẹn để bước vào đời, gánh chung niềm đau với muôn kiếp người bất hạnh.
40 năm với nghề và gần 80 năm với đời, bao đắng cay, hạnh phúc, vinh quang, tủi hờn... đã được nghệ sĩ nhớ tới và ghi lại đủ đầy trong những dòng hồi ký "sống cho người, sống cho mình". Với độ dày 368 trang, được chia làm 4 phần với các tên gọi như: "Tuổi thơ nghiệt ngã"; "Sân khấu và cuộc đời"; "Những người trong người tôi"; "Sống và yêu". Trong đó, 25 câu chuyện trong cuốn sách để lại những dư vị ngọt ngào có, đắng chát có... khi tấm màn nhung của sân khấu khép lại và cuộc đời của một con người mở ra. Đọc xuyên suốt hồi ký, người ta sẽ thấy được dư vị của những tháng năm êm đềm, hạnh phúc lẫn đắng cay. Tuổi thơ của nghệ sĩ Kim Cương là một cô gái nghịch ngợm, giữa một thế giới đầy âm thanh và màu sắc khi cùng ba má rong ruổi suốt hành trình diễn xướng. Ở đó cũng có một Kim Cương đầy cô đơn và bơ vơ sau sự ra đi đột ngột của cha, để lại những khoảng trống không gì bù đắp nổi. Sau cái ngày định mệnh ấy, má Kim Cương nhận ra sự bẽ bàng của nghiệp hát và đã nhất quyết tách con gái ra khỏi sân khấu, để lại "Tuổi học trò bơ vơ" trong suốt gần 10 năm ở trường Dòng.
Đó còn là hạnh phúc chân phương nhất khi Kim Cương nhận ra định mệnh mà mình đã chọn đó là cho sân khấu, sáng tác, diễn xuất và cho các khán giả. Được trở về sân khấu, với nghệ sĩ Kim Cương chẳng khác nào cá về với nước, như cánh chim về với bầu trời. Bởi thế, 40 năm đầm mình trong hơi thở nghệ thuật là ngần ấy thời gian để nghệ sĩ Kim Cương trút tơ lòng khóc cười với từng kiếp nhân sinh. Thế nhưng, cô đã từ giã sân khấu cải lương khi đang ở đỉnh cao vinh quang với danh hiệu "kỳ nữ", cô khao khát tìm thấy con đường "nói thay tiếng nói từ nơi sâu nhất nỗi lòng của những thân phận người, vạch lối đi vào tim bằng một ánh sáng chân thật" dù nhiều khó khăn và lắm chông gai. Để từ đó tạo nên một đoàn kịch Kim Cương lừng lẫy giữa thời hưng thịnh của nghệ thuật cải lương, Kim Cương trở thành người tiên phong mở đường cho kịch nói phát triển ở miền Nam. Ngoài ra, cô còn là soạn giả, đạo diễn sân khấu, diễn viên, quản lý đoàn kịch và sau này là giám đốc sản xuất phim điện ảnh. Thế nhưng không lúc nào cô nhận mình là người nổi tiếng và chưa bao giờ nghĩ làm nghệ thuật để đạt tới vị trí một ngôi sao, người nghệ sĩ ấy vẫn say mê với từng vai diễn, từng phận người...
Sống không chỉ cho mình
Trong không gian ấm áp, thân tình, nghệ sĩ Kim Cương xuất hiện trong trang phục áo dài với nụ cười tươi, vui vẻ đón tiếp các vị khách mời là những nghệ sĩ, những người bạn... thân thiết trong đời, trong nghề với nghệ sĩ Kim Cương. Ở cái tuổi 79, nghệ sĩ Kim Cương vẫn đủ sức hấp dẫn bởi bề ngoài lẫn lối nói chuyện hóm hỉnh, lôi cuốn trong từng câu chuyện đời, chuyện nghề của mình. Chia sẻ với độc giả, khán giả Đà Nẵng, nghệ sĩ Kim Cương gửi lời cảm ơn đến những người Đà Nẵng đã yêu mến cô. Trả lời câu hỏi "vì sao chọn Đà Nẵng làm nơi giới thiệu sách sau TP Hồ Chí Minh mà không phải nơi nào khác"? nghệ sĩ Kim Cương tâm sự: "Từ trong câu chuyện của má kể, hồi má tôi có bầu và ra diễn ở Đà Nẵng, sau buổi diễn được khán giả mời đi ăn món hải sản. Trong món hàu được người ta mời bỗng có một viên ngọc nên coi đó là điềm báo. Ba má định rằng, nếu là con trai thì sẽ đặt tên là Ngọc Trai, còn con gái thì đặt tên là Kim Cương. Và cái tên Kim Cương xuất phát từ đó. Khi Kim Cương lớn lên và đi diễn, khán giả Đà Nẵng cũng vô cùng yêu mến, họ ngồi dưới mưa để xem Kim Cương diễn... và hôm nay, Kim Cương giới thiệu cuốn hồi ký của mình tại Đà Nẵng cũng như một lời tri ân với khán giả nơi đây".
Ngoài tình yêu dành cho gia đình, bạn bè, với những đồng nghiệp trẻ, qua cuốn sách nghệ sĩ Kim Cương cũng có những lời gửi gắm, chia sẻ về kinh nghiệm trong nghề. Đó có thể là những "bí quyết" để những thế hệ nghệ sĩ trẻ hôm nay học tập. "Qua cuốn sách này tôi cũng muốn gửi gắm đến thế hệ trẻ đứng trên sân khấu rằng, nghề hát không phải là cái nghề mà là cái đạo. Từ cái đạo này sẽ thôi thúc các nghệ sĩ trẻ phải làm được cái gì đó cho cuộc đời này tốt đẹp hơn"-nghệ sĩ Kim Cương gửi gắm.
Sân khấu như cuộc đời, hay đau khổ hơn cuộc đời, nghệ sĩ Kim Cương dường như là người hiểu rõ hơn ai hết, đau nhiều hơn ai hết những nỗi đau mà kiếp người nổi trôi phải hứng chịu trong cuộc sống vô thường này. Rời ánh đèn hào quang của sân khấu, cô tìm thấy niềm vui, tình yêu và hạnh phúc trong công tác thiện nguyện, trở thành mẹ, thành chị của biết bao em nhỏ mồ côi hay những người khuyết tật... và hiện cô là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội bảo trợ Người khuyết tật và trẻ em mồ côi TP Hồ Chí Minh, Thường vụ Ban chấp hành Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP Hồ Chí Minh.
Nguyễn Tuấn
Nghệ sĩ Kim Cương tên thật là Nguyễn Thị Kim Cương, sinh năm 1937 trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật lâu đời. Ngoài làm diễn viên, cô còn là tác giả, đạo diễn sân khấu của 70 vở kịch nổi tiếng như: Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo, Trà hoa nữ, Tôi làm mẹ... Ngoài các giải thưởng về nghệ thuật, nghệ sĩ Kim Cương được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2004, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2009, Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012... |