Nghĩ gần, lo xa

Thứ sáu, 06/01/2017 10:31

(Cadn.com.vn) - Chỉ còn 2 tuần nữa, nước Mỹ sẽ có tổng thống mới. Và các nước trên thế giới, nhất là các quốc gia Châu Á đang đếm ngược thời gian đến thời điểm Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump lên nắm quyền. Vì sao như vậy?

Trên thực tế, Châu Á-Thái Bình Dương là trục chính sách ngoại giao quan trọng của chính quyền Tổng thống Barack Obama trong suốt 8 năm cầm quyền (2008-2016). Tuy nhiên, ông Trump đã không ngần ngại khẳng định sẽ “ngó lơ” trục này khi lên nắm quyền. Thậm chí, ông cũng tỏ ra không mấy mặn mà trong mối quan hệ với các nước đồng minh thân cận ở Châu Á gồm Nhật, Hàn, Philippines...

Thực tế là, trong suốt thời gian qua, những hành động và bình luận của Tổng thống đắc cử Mỹ kể từ sau chiến thắng bầu cử cho cái nhìn thấu đáo mới về các chính sách đối với Châu Á mà ông Trump có thể theo đuổi sau khi chính thức nắm quyền vào ngày 20-1 tới.

Ông Trump có thể sẽ phá vỡ những cam kết lâu đời của Mỹ đối với các đồng minh, dỡ bỏ các thỏa thuận tự do thương mại và “làm bùng nổ” quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Có thể thấy rõ, nếu điều này trở thành hiện thực, nó sẽ gây nhiều khó khăn cho khu vực Châu Á vốn lâu nay bị giằng co bởi sự đối đầu của các cường quốc.

Sự thay đổi đáng kể và tiềm năng nhất là chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. Ông Trump có quan điểm cứng rắn hơn ông Obama về hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở biển Đông, việc tăng cường tiềm lực quân sự của Bắc Kinh cũng như những cáo buộc về thương mại không công bằng từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trong mối quan hệ đồng minh thân cận với Nhật, ông Trump có thể sẽ có những chính sách khiến Tokyo không hài lòng, đẩy hai nước xa nhau hơn. Nhưng cũng có thể chính những quan điểm của tổng thống đắc cử Mỹ thúc đẩy Tokyo gia tăng chủ nghĩa dân tộc, thay đổi hiến pháp thời hậu Thế chiến II. Thực tế là ông Trump đã đề nghị Tokyo nên tự trang bị vũ khí hạt nhân để tự vệ thay vì nhờ cậy chiếc ô hạt nhân của Mỹ. Với Hàn Quốc cũng vậy. Seoul có vẻ không chờ đợi gì nhiều ở ông Trump khi vị tổng thống đắc cử này đã thẳng thừng cho rằng, Seoul đã quá dựa dẫm vào sự bảo vệ của Washington.

Nhưng lo ngại lớn hơn là việc ông Trump có khả năng rất lớn là xé bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn được xem như “hòn đá tảng” trong chiến lược lãnh đạo kinh tế của Mỹ ở Châu Á.

Thanh Văn