Nghịch lý phân luồng đào tạo nghề sau THCS
- Là như vầy NXD, một trong những mục tiêu được Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2018 đó là phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%. Tuy nhiên, tâm lý của bất kỳ cha mẹ nào cũng muốn cho con học xong hết lớp 12, nên công tác phân luồng sau THCS luôn là một thách thức lớn đối với ngành GD-ĐT.
- Theo NXD, không chỉ có cha mẹ, sở dĩ công tác phân luồng đào tạo nghề sau THCS luôn gặp nhiều khó khăn, thách thức còn phụ thuộc bởi quan niệm trọng bằng cấp của xã hội. Một khi xã hội không cởi bỏ được quan niệm trọng bằng cấp thì khó thay đổi được cái nhìn của cha mẹ về trường nghề, để tư vấn, định hướng khi biết sức học của con mình không theo nổi chương trình 3 năm THPT.
- Qua tìm hiểu, Hai Nhà giáo được biết, mô hình tiếp cận học nghề sớm sau khi học sinh kết thúc THCS được một số nước tiên tiến áp dụng và rất thành công. Ví dụ ở Đức, họ thực hiện mô hình đào tạo kép (gắn đào tạo tại cơ sở đào tạo và đào tạo tại doanh nghiệp) cho học sinh sau tốt nghiệp THCS. Ở Nhật Bản, mô hình “học nghề chương trình 9+” là mô hình đào tạo kỹ sư thực hành đã được thực hiện từ 1960 và đã rất thành công.
- Thì người xưa đã nói rằng: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, một xã hội không thể chỉ có thầy, không có thợ và ngược lại. Trong thời đại công nghiệp số, rất nhiều doanh nghiệp cần những người thợ lành nghề, chất lượng cao. Vì thế, theo NXD, để “gỡ” nút thắt nghịch lý trong công tác phân luồng đào tạo nghề sau THCS cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, trong đó, cần thay đổi tư duy chuộng bằng cấp của xã hội và nhận thức của một bộ phận cha mẹ học sinh đối với việc học nghề của con em mình.
N.X.D