Ngổn ngang Dự án cải tạo nghĩa trang Nỗng Tranh
Ngày 16-10-2018, xét đề nghị của UBND H. Quế Sơn, UBND tỉnh Quảng Nam có Công văn số 5849 thống nhất chủ trương cho Công ty TNHH MTV Xây dựng Quảng Phú (Công ty Quảng Phú, đóng tại xã Quế Xuân 1, Quế Sơn) là đơn vị trúng thầu xây dựng nghĩa trang nhân dân Nỗng Tranh. Công ty Quảng Phú có nhiệm vụ tiến hành lập các thủ tục liên quan về việc khai thác tận thu đất dư thừa tại dự án.
Trước đó, UBND huyện Quế Sơn có biên bản thống nhất mức hỗ trợ lại cho ngân sách xã Quế Cường hơn 10,6 tỷ đồng (quy số tiền 1.015.000m3 đất x 10.500 đồng/m3), từ việc khai thác tận thu đất dư thừa trong quá trình triển khai san lấp mặt bằng nghĩa trang. Điều đáng nói, trong khi UBND tỉnh Quảng Nam chưa cho phép tận thu đất dư thừa tại nghĩa trang thì UBND xã Quế Cường đã ứng tiền của Công ty Quảng Phú để đền bù giải tỏa cho dân vùng dự án bị ảnh hưởng.
Đến tháng 1-2020, UBND tỉnh Quảng Nam cho phép Công ty Quảng Phú khai thác tận thu khoáng sản san lấp, xây dựng công trình dư thừa trong quá trình thi công xây dựng nghĩa trang nhân dân Nỗng Tranh. Trữ lượng khai thác hơn 1,1 triệu m3; thời hạn 52 tháng kể từ ngày được cấp phép. Dự án này, Công ty Quảng Phú được phép lấy đi 1,015 triệu m3 đất, đá dư thừa nhưng không hề thông qua thủ tục đấu giá. Ngoài ra, địa phương còn ưu ái cho Cty Quảng Phú trong việc mở con đường bê-tông dài 1km với kinh phí gần 2 tỷ đồng cho phương tiện của công ty này vào ra khu vực dự án để vận chuyển đất, đá ra bên ngoài…
Thế nhưng qua nhiều năm triển khai, đến nay dự án này đã tạm dừng do bị thanh tra. Ghi nhận tại hiện trường cho thấy, đồi núi bị đào xới nham nhở, có nơi sâu hơn vị trí ban đầu 10m. Mặt bằng dự án lồi lõm, hàng ngàn tảng đá lớn nhỏ nằm văng vãi. Nhìn bằng mắt thường, nhiều vị trí đã bị Công ty Quảng Phú đào sâu hơn hiện trạng ban đầu cả chục mét để lấy khoáng sản…
Trước sự việc trên, ông Nguyễn Phước Sơn - Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho hay, xuất phát từ việc khoan địa chất, đánh giá không chính xác dẫn đến đơn vị thi công gặp khó, bị vướng nhiều đá trong quá trình làm mặt bằng. Đến nay, dự án đã triển khai khoảng 50% khối lượng, nhà thầu cũng đã tận thu khoảng 400.000 m3 đất, còn đá thì nằm ngổn ngang ở công trình. “Quá trình thi công, người dân phản ánh doanh nghiệp hạ cos nền sâu hơn với phê duyệt, xảy ra mâu thuẫn giữa người dân, công ty và chính quyền. Bên cạnh đó, mặt bằng quá nhiều đá, sau này rất khó thực hiện chôn cất người mất, tính khả thi của dự án không cao nên huyện yêu cầu tạm dừng thi công để báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến, cho thanh tra toàn diện đối với dự án này”, ông Sơn nói.
Về vấn đề dư luận đặt nghi vấn “vẽ” dự án này ra để khai thác lấy đất? Ông Nguyễn Phước Sơn cho rằng, bản thân ông thuộc thế hệ lãnh đạo kế thừa, nhưng vẫn thấy một số vấn đề của dự án không được hợp lý. Mới đây, Thanh tra tỉnh đã công bố quyết định thanh tra toàn diện dự án. Sau khi có kết luận thanh tra, huyện sẽ tiếp tục triển khai theo kết luận. “Sau khi có kết luận thanh tra, tỉnh chỉ đạo tiếp tục triển khai dự án thì tiếp tục; chỉ đạo dừng hoặc chuyển đổi công năng thì huyện sẽ thực hiện. Tôi bây giờ kế thừa, dự án đang làm lỡ dở, thấy tiến cũng không ổn, lùi cũng không xong. Phải chờ kết luận thanh tra!”, ông Sơn bày tỏ.
Bão Bình