“Ngư ông đắc lợi”
(Cadn.com.vn) - P5+1 và Tehran không đạt được thỏa thuận hạt nhân cuối cùng theo đúng thời hạn. Nhưng phần mở rộng ngắn hạn của các cuộc đàm phán (nối lại vào ngày 10-12 tới) sẽ giúp đảm bảo bước tiến triển hơn, cả trong hai vấn đề là ngăn chặn Iran làm giàu hạt nhân và giảm nguy cơ về cuộc chiến tranh ở Trung Đông.
Đúng, những khoảng trống đáng kể giữa Mỹ và Iran đã được bồi đắp dần dần, và rõ ràng hơn bao giờ hết khi ngoại giao hạt nhân không phải là bước chạy nước rút mà là bước chạy marathon. Các bên tham gia đàm phán vẫn đang kiên trì với những gì họ đã xây đắp bấy lâu nay, không chỉ bởi vì mọi người đang trên bờ vực một giải pháp ngoại giao cho các bế tắc về chương trình hạt nhân của Iran, mà vì những tác động có khả năng ảnh hưởng sâu rộng cho ổn định Trung Đông.
Việc tuyển dụng thành viên của Tổ chức Hồi giáo cực đoan IS ở Iraq và Syria phụ thuộc một phần vào cuộc nội chiến kéo dài ở Syria. Hãy nhớ rằng, Iran có đủ sức mạnh để làm giảm đổ máu ở Syria - hoặc mồi thêm ngọn lửa chiến tranh. Ảnh hưởng chưa từng có của Iran đối với chính quyền của Tổng thống Assad khiến quốc gia Hồi giáo trở thành quốc gia quan trọng trong đàm phán về giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến Syria. Đặc phái viên LHQ tại Syria, ông Staffan de Mistura khẳng định: “Iran đóng vai trò quan trọng ở Syria và tôi hy vọng họ sẽ là đối tác trong tiến trình chính trị”. Cả hai người tiền nhiệm của ông Mistura, Lakhdar Brahimi và Kofi Annan cũng như Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon gây áp lực để Iran ngồi vào bàn đàm phán chấm dứt cuộc nội chiến Syria.
Nhưng Mỹ vẫn khẳng định, Iran trước tiên phải ký Thông cáo Genève trước khi được phép ngồi vào bàn đàm phán về vấn đề Syria. Về sơ bộ, Thông cáo Genève là tài liệu thống nhất của LHQ và các cường quốc về “chính quyền chuyển tiếp” lãnh đạo Syria, được ký kết tại các cuộc đàm phán quốc tế đầu tiên về tương lai của quốc gia Trung Đông này. Trong khi Tehran bác bỏ điều kiện tiên quyết này, vai trò của Iran trong các cuộc đàm phán có thể là cách duy nhất để đảm bảo ngay cả những thỏa thuận ngừng bắn hạn chế nhất. Lời kêu gọi về “chính quyền chuyển tiếp” ở Syria có thể không bao giờ trở thành hiện thực nếu không có sự đồng ý của Iran. Quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Iran khiến khả năng Tehran gật đầu nhất trí là gần như không thể. Tuy nhiên, sự tan băng gần đây trong quan hệ song phương mở ra nhiều hy vọng.
Các thỏa thuận hạt nhân có thể giúp mở khóa cho giải pháp chính trị cho nội chiến Syria. Điều này có thể đúng. Bởi một khi Iran tham gia, động thái này sẽ làm tăng khả năng thành công và làm dịu cuộc khủng hoảng nhân đạo trước mắt, tạo đà phát triển giải pháp chính trị lâu dài cho tương lai Syria. Và chắc chắn, một hội nghị quốc tế sẽ không hiệu quả nếu không có mặt Iran cũng như chính phủ Syria.
Ngoài ra, một hiệp ước hạt nhân cũng có thể giúp cân bằng cán cân chính trị nội bộ Iran, với bước đột phá có khả năng chống đỡ nền tảng ủng hộ Tổng thống theo đường lối ôn hòa Hassan Rouhani, cung cấp động lực cho nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei từ bỏ một số quyền kiểm soát chính sách đối ngoại của Iran.
Thanh Văn