Người “chuyện trò” cùng vũ nữ APSARA

Thứ bảy, 29/11/2008 00:00

Anh Phạm Ngọc Xuân đang tạc
những bức tượng yêu thích của mình. 

(Cadn.com.vn) - Men theo tỉnh lộ ĐT 610 để tìm về Thánh địa Mỹ Sơn (Duy Xuyên, Quảng Nam), mọi người sẽ bất ngờ bối rối khi bắt gặp ven đường những bức tượng vũ nữ Apsara mềm mại, say sưa  trong dáng đá trên chiếc kệ tạm bợ tại một quán tranh nhỏ. Ít ai biết rằng người tạc ra những bức tượng kia lại là một thanh niên câm điếc bẩm sinh...

Tên anh là Phạm Ngọc Xuân trú thôn Mỹ Sơn, Duy Phú, Duy Xuyên. Tuổi thơ của Xuân là những chuỗi tháng ngày lặng lẽ, chỉ vì tạo hóa trớ trêu ban cho anh hình hài nhưng lại “vô tình” lấy đi khả năng nghe và nói của một con người. Mỗi lần nhìn đám bạn hò hét, vui đùa với những trò trẻ nít, Xuân lại lặng lẽ khóc thầm, rồi lùa trâu vào sâu trong khu tháp cổ Mỹ Sơn chăn thả (ngày ấy khu đền tháp còn hoang sơ, chưa được quy hoạch để bảo tồn, tôn tạo như bây giờ). Xuân ngồi lặng lẽ hàng giờ liền, ngắm nhìn cổ tháp, ngắm các vũ nữ Apsara với những nét cong mềm mại, uyển chuyển trong điệu múa ngàn năm. Nhiều khi Xuân có cảm giác các vũ nữ như hiểu được tâm trạng của mình và muốn chia sẻ với Xuân qua những điệu múa đẹp mê hồn... Có lẽ vì vậy mà bao nỗi buồn tủi không thể nói thành lời, Xuân đều thì thầm “tâm sự” với các nàng vũ nữ Chăm, với cả các vị thần của đền tháp. Và rồi không biết tự bao giờ, Xuân lặng lẽ vẽ, khắc tượng vũ nữ Chăm. Cha mẹ thấy Xuân cứ suốt ngày lẩn thẩn, cặm cụi dùng những thanh sắt, mũi đục để khắc trên những viên đá thành những bức tượng mang dáng dấp vũ nữ Apsara. Gặng hỏi mãi, anh mới chỉ vào tim mình...

Cha anh biết rằng đứa con trai tật nguyền của mình đang say mê với nghệ thuật điêu khắc, mặc dù chưa từng được ai bày dạy... Để động viên, khuyến khích con, người cha già đã một mình vào núi gánh đá, dựng một quán tranh nhỏ để cho con trai được thỏa chí. Không ai nghĩ rằng anh Xuân câm điếc ngày ấy có thể tạo nên bức tượng vũ nữ Apsara đẹp đến mê hồn từ những viên đá cuội nhặt từ bờ suối... Bà Văn Thị Mùi, mẹ anh sụt sịt kể: “Ông trời bắt nó tật nguyền nhưng cũng may ban cho nó chút tài. Từ ngày biết con ham thích tạc tượng, vợ chồng tui rất vui, dựng cho con một cái quán nhỏ, vừa để cho con thỏa chí đục đẽo, vừa để cho con trưng bày, bán những sản phẩm do công sức lao động, sáng tạo của con. Ngày đầu tiên bán được một bức tượng cho ông khách nước ngoài, nó đã khóc nghẹn. Tôi biết, từ đấy con tui đã tìm thấy được ý nghĩa của cuộc đời”. Những đồng tiền bán tượng được anh dành dụm nhờ cha mua cho chiếc máy mài trị giá 400.000 đồng, còn cái đục thì cha đi mót sắt 6 về cải tiến lại cho con. Thương con không thể giao tiếp được, cha anh lại hì hục đóng một tấm bảng bằng tôn, trên đó có ghi rõ lý lịch, hoàn cảnh, năng khiếu của anh bằng tiếng Anh lẫn tiếng Việt để du khách trên đường vào Mỹ Sơn có thể biết khi ghé thăm quán. Khi có khách, người mẹ già trở thành người thông ngôn cho anh. Anh chàng Xuân rụt rè, lặng lẽ ngày nào nay bỗng trở nên sôi nổi, vui vẻ hơn. Cứ 8 giờ sáng, người ta lại thấy anh loay hoay dọn đồ nghề ra rồi chăm chỉ làm việc đến tận trưa. Thấy khách đi ngang qua anh đều vẫy tay chào vui vẻ.

Nhiều nhân viên trong khu du lịch Thánh địa Mỹ Sơn biết chuyện và hoàn cảnh của anh đã đến mua những bức tượng đó về bán cho du khách. Mẹ anh tâm sự, có nhiều lúc căn bệnh viêm gan siêu vi B hành hạ anh suốt cả tháng, nhưng anh vẫn cố gắng ra quán để khắc đá. Chiếc máy mài và những chiếc đục giờ đây đã trở thành người bạn thân thiết, nó đã giúp anh nói lên tình yêu đối với nghệ thuật điêu khắc Chăm. Những bức tượng của anh từ đó đi khắp mọi nơi trên đất nước và còn ra cả thế giới khi nhiều du khách nước ngoài thích thú chọn cho mình những bức tượng như một món quà lưu niệm đặc biệt. Thán phục tài nghệ của anh, nhiều người làm nghề điêu khắc đã tìm đến để mời anh về làm cùng nhưng anh từ chối. Mẹ anh nói hộ nỗi lòng của con trai: “Nó không đi đâu cả vì nó yêu nơi này lắm! Tình yêu đối với đền tháp Chăm-pa đã ngấm vào máu thịt nó rồi. Tôi biết rất rõ điều đó...”. Và cứ vài hôm, người ta lại thấy anh lặng lẽ vào Thánh địa Mỹ Sơn để ngắm nhìn, để “chuyện trò” cùng những bức tượng, rồi lội suối tìm những tảng đá đem về đục khắc. Những bức tượng cứ như vậy đã đi vào lòng người dân nơi đây cùng những du khách, nó trở thành cái “hồn” rất riêng của Mỹ Sơn.

Thu Thủy