Người dân cùng chính quyền quản lý đô thị trên điện thoại

Thứ tư, 14/08/2019 12:09

Không cần đến trụ sở cơ quan Nhà nước,cũng chẳng cần các thủ tục hành chính tốn thời gian, người dân Q. Hải Châu (TP Đà Nẵng) vẫn có thể tương tác với cơ quan chức năng để cùng giải quyết các vấn đề bức xúc trong quản lý trật tự đô thị. Ứng dụng mới được UBND Q. Hải Châu triển khai trong 3 tháng qua được người dân hưởng ứng và mang lại những kết quả đột phá.

Các phản ánh theo từng lĩnh vực sẽ được chuyển đến bộ phận phụ trách, hình ảnh phản ánh và kết quả xử lý được báo cáo đến điện thoại cán bộ quản lý.  

Không cần "kính gửi", chỉ cần bấm nút

Với ứng dụng "Đô thị thông minh Hải Châu" được cài đặt đơn giản, thời gian gần đây, người dân quận trung tâm Đà Nẵng đã dần quen với việc dùng điện thoại để gửi những đề xuất, kiến nghị mang tính cộng đồng. Đáp lại những đóng góp ý kiến, kiến nghị của nhân dân, cơ quan chức năng sẽ nhanh chóng kiểm tra thực tế, xử lý theo thẩm quyền và "báo cáo" lại cho dân kết quả bằng hình ảnh được gửi qua điện thoại. Cách tương tác nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm thời gian, thủ tục... này tự tăng thêm "áp lực" cho những người thực thi công vụ, tỷ lệ thuận với hiệu quả trong quản lý đô thị và mức độ hài lòng của nhân dân.

Mở chiếc điện thoại trong "ba nốt nhạc", anh Nguyễn Hữu Đồng (trú trên đường Núi Thành) đưa ra 2 hình ảnh so sánh ngay trên màn hình về hiện trường trước và sau khi anh phản ánh với chính quyền. Trong khu vực anh ở, xưa nay có một cửa hàng kinh doanh trái cây chuyên lấn chiếm vỉa hè mặt tiền, án ngữ lối đi và thu hẹp đường ra vào của người dân trong con hẻm, nhưng nhiều người ngại đụng chạm, không phản ánh. Cách đây 4 ngày, sau khi cài ứng dụng  "Đô thị thông minh Hải Châu", anh Đồng chụp ảnh và gửi đi. Chỉ vài ngày sau, lối đi đã được giải tỏa, cửa hàng ngăn nắp, vỉa hè thông thoáng. Theo anh Đồng, trước giờ muốn phản ánh việc gì toàn phải chờ các cuộc họp dân phố, tiếp xúc cử tri hoặc làm đơn kiến nghị lên phường. Nhiều người có tâm lý ngại đụng chạm nên hiệu quả xử lý cũng không cao. "Thực tình tôi gửi đi nhưng chẳng biết bao giờ chấm dứt được hình ảnh đó. Tôi đang đi làm thì nhận được hình ảnh "báo cáo" kết quả xử lý. Tối về thấy mọi thứ rất dễ thương. Lực lượng chức năng mất thời gian bao lâu thì tôi không biết, nhưng tổng thời gian mà tôi phản ánh thì chưa đến 3 phút", anh Đồng cho hay.

Cũng giống anh Đồng, cách đây hơn một tuần, chị Trần Thị Thu, trú đường Phan Đăng Lưu phát hiện một chiếc nắp cống gần khu vực giao với đường Trần Đức Thảo bị vỡ, lộ hố sâu nguy hiểm cho người đi đường nhưng người dân không thể tự khắc phục nên chị chụp ảnh gửi phản ánh. Chỉ mấy ngày sau, lực lượng chức năng đã cho người xuống khắc phục. Khi thực hiện xong, tài khoản mà chị gửi hình ảnh kèm phản ánh ngắn gọn đã phản hồi bằng hình ảnh so sánh trước và sau khi xử lý. "Tôi không quen với các biểu mẫu, quy trình phản ánh với chính quyền lắm nên thú thật là trong trường hợp đó tôi không biết nói với ai. Nếu lên phường thì phải có văn bản, thời gian chờ... Nhưng với ứng dụng này, chỉ cần gửi hình ảnh, nêu chính xác địa điểm, hiện trạng, chọn mục phản ánh rồi bấm nút gửi đi. Hệ thống sẽ báo là đã tiếp nhận thông tin và phản hồi ngay sau khi xử lý xong, rất tiện lợi và rất hiệu quả", chị Thu đánh giá.

Phản ánh ban đầu và kết quả xử lý được cập nhật để "báo cáo" cho dân, chính xác tới địa chỉ trên google map.

Bộ máy ảo, công việc thật, hiệu quả thật

Theo ông Nguyễn Minh Huy- Phó Chủ tịch UBND Q. Hải Châu, ứng dụng "Đô thị thông minh Hải Châu" là một sản phẩm do quận thuê đơn vị tư vấn thực hiện hướng tới mục tiêu tăng cường hiệu quả của công tác quản lý đô thị. Từ trước tới nay, ngoài quản lý, điều hành bình thường, chính quyền vẫn thường tiếp nhận, xử lý các vấn đề nóng qua mạng xã hội, Trang "Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp, Tổng đài 1022. Tuy nhiên, một trong những hạn chế của mạng xã hội là phải có bộ phận tiếp nhận, sàng lọc, báo cáo đề xuất. Có nhiều vấn đề sau khi đăng tải thì tiếp nhận quá nhiều ý kiến, thậm chí là tranh luận đi quá giới hạn, không tập trung, quy trình lâu hơn. Ứng dụng "Đô thị thông minh Hải Châu" ra đời trên cơ sở tinh gọn, đơn giản, đề cao rút ngắn thao tác tiếp nhận, xử lý và báo cáo kết quả. Người dân chỉ cần tải ứng dụng về điện thoại, khi có vấn đề cần phản ánh thì chỉ cần chụp ảnh, nêu thông tin và chọn vào mục gửi phù hợp với lĩnh vực. 

Với ứng dụng này, người dân trực tiếp phản ánh các vấn đề trật tự đô thị đến quận, phường và được trả lời trực tiếp kết quả thông tin mà họ phản ánh từ chính đơn vị, địa phương liên quan đến nội dung phản ánh. Cách làm này khác hẳn với quy trình truyền thống là phải qua khâu trung gian, tiếp nhận và chuyển đơn vị chuyên môn mất nhiều thời gian. Một ưu điểm khiến người dân hưởng ứng là ngoài nội dung phản ánh phải cụ thể thì thông tin về người phản ánh được đảm bảo bí mật. Thông thường một vụ việc có thể xử lý trong khoảng thời gian tối đa 4 ngày làm việc, phản ánh về trật tự xây dựng thì tối đa là 7 ngày làm việc. Tuy nhiên, đối với những vấn đề có tính cấp bách, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân thì phải xử lý ngay, nhiều nhất là sau 5 giờ đồng hồ kể từ khi nhận phản ánh. "Không chỉ rút ngắn thời gian, việc đi lại và các thủ tục khác, ứng dụng này còn cập nhật kết quả liên tục. Kể cả việc đã xử lý và chưa xử lý. Khi báo cáo bằng hình ảnh thì rất trung thực, không có chuyện du di, lu lấp. Thậm chí nếu thấy xử lý chưa đạt thì lãnh đạo trực tiếp kiểm tra hiện trường và yêu cầu thực  hiện cho đạt mới thôi. Không qua loa, chiếu lệ được", ông Huy nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND Q. Hải Châu, với ứng dụng tiện lợi này, hoạt động điều hành, quản lý, xử lý vẫn tương tự như một bộ máy "ảo", quy trình, nhân sự  trung gian được tinh giản tối đa, người làm việc trực tiếp ở hiện trường tăng lên, thời gian rút ngắn lại. Sau 3 tháng triển khai, ứng dụng đã được gần 2.500 người dân tải về, 1.173 phản ánh được giải quyết, 61 việc đang xử lý và chỉ có 1 trường hợp trễ hẹn. Với những hiệu quả ban đầu, trong tháng 8-2019 quận sẽ sơ kết, điều chỉnh và nhân rộng để có thể áp dụng thêm một số lĩnh vực khác. Không chỉ là các vấn đề trong phạm vi quản lý của quận, ứng dụng sẽ liên thông với các sở ngành và thành phố, góp phần giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề nóng phát sinh trong quá trình đô thị hóa, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm. "Ứng dụng ra đời từ chủ trương của Hải Châu nhưng sẽ cần sự cộng hưởng rộng rãi của người dân, du khách và các cơ quan cấp thành phố. Chính quyền quyết tâm, nhân dân ủng hộ thì  mọi thứ sẽ tốt hơn lên", ông Nguyễn Minh Huy khẳng định.

Công Khanh