Người dân Đà Nẵng chờ mua cá sạch
(Cadn.com.vn) - Theo chỉ đạo của TP, việc cung cấp hải sản sạch cho nhân dân dự kiến sẽ bao gồm 7 điểm: 1 - Chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Cồn, chợ đầu mối Hòa Cường (Q. Hải Châu), khối lượng 180kg/ngày; 2 - Chợ Hòa Khánh, chợ Nam Ô, chợ Hòa Mỹ (Q. Liên Chiểu, 200kg); 3 - Chợ Cẩm Lệ, chợ Hòa Cầm, chợ Hòa An, chợ Hòa Xuân (Q. Cẩm Lệ, 400kg); 4 - Chợ Mân Thái, chợ An Hải Bắc, chợ Mai, chợ Phước Mỹ, chợ Hà Thân, chợ Nại Hiên Đông, chợ An Hải Đông (Q. Sơn Trà, 450kg); 5 - Chợ Chính Gián, Tam Thuận, Tân Chính, Phú Lộc, Tân An, Thuận An, Lầu Đèn, Thanh Khê I, chợ Hải sản (Q. Thanh Khê, 480kg); 6 - Chợ Bắc Mỹ An, chợ Non Nước (Q. Ngũ Hành Sơn, 100kg); 7 - Chợ Miếu Bông, chợ Túy Loan (H. Hòa Vang, 60kg).
Theo chỉ đạo của TP, lẽ ra từ 5 giờ sáng 2-5, những điểm bán cá sạch sẽ được triển khai bán cho người dân tại các chợ. Tuy nhiên, nguồn hàng vẫn chưa đến tay người tiêu dùng dù nhu cầu sử dụng hải sản đã có dấu hiệu khởi sắc hơn hẳn so với những ngày trước.
Người tiêu dùng mua hải sản về ăn tại chợ Nại Hiên Đông ngày 2-5. |
Hàm lượng kim loại nặng trong hải sản ở mức cho phép Tại Hà Tĩnh, ngày 2-5, ông Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia vừa thông báo chính thức: Hàm lượng kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, cyanide trong hải sản biển, rau ở Hà Tĩnh đều nằm trong ngưỡng cho phép. Trước đó (ngày 28-4), Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế Hà Tĩnh lấy 12 mẫu để kiểm nghiệm phân tích. Trong đó có các mẫu: cá biển các loại, tôm, cua, mực tươi sống tại xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh. Kỳ Nam là một trong những địa phương thiệt hại rất lớn do sự việc cá chết hàng loạt từ tỉnh Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Ngày 1-5, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã đến biển Thiên Cầm H. Cẩm Xuyên tắm biển và thưởng thức các món ăn hải sản gồm cá, tôm, mực, ốc tại đây. C.T Cấp giấy chứng nhận thủy hải sản sạch cho 30 tàu đánh bắt xa bờ TT-HUẾ- Ngày 2-5, trong buổi đầu tiên TT-Huế tổ chức điểm cung ứng cá sạch tại siêu thị Co.opMart, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này cho biết, hiện Sở NN & PTNT đã cấp giấy chứng nhận thủy hải sản sạch cho 30 tàu đánh bắt xa bờ (ĐBXB) trên địa bàn tỉnh. Toàn bộ số thủy hải sản do các tàu này đánh bắt sẽ được các doanh nghiệp (DN) và tiểu thương thu mua để cung ứng cho người dân. “Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một bộ phận người tiêu dùng e ngại, vì vậy, để đảm bảo hoạt động mua bán các loại thủy hải sản biển diễn ra bình thường, UBND tỉnh yêu cầu ngành Công thương cũng như các DN tích cực thu mua cá biển sạch và tổ chức các điểm bán từ TP Huế đến các huyện, thị xã. Đồng thời, tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ thỏa đáng cho các DN thu mua nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngư dân và ổn định tâm lý cho người dân”- ông Phan Ngọc Thọ cho biết. Để khẳng định nguồn hải sản sạch, an toàn, ông Phan Ngọc Thọ cùng lãnh đạo các sở, ngành TT-Huế ăn cá biển chế biến ngay tại đây để bà con yên tâm ăn cá và các loại hải sản khác. H.L Chất lượng nước biển 4 tỉnh miền Trung đạt tiêu chuẩn Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) vừa công bố kết quả quan trắc môi trường chất lượng nước biển ven bờ tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và TT-Huế. Theo đó, các chỉ số đều nằm trong giới hạn cho phép. Tổng cục Môi trường đã phối hợp với các địa phương tiến hành lấy và phân tích các mẫu nước biển ven bờ. Kết quả quan trắc chất lượng nước biển ven bờ được tổng hợp từ các Trung tâm Quan trắc môi trường đã thực hiện ngày 29-4-2016 tại các bãi tắm trên địa bàn 4 tỉnh. So sánh kết quả này với Quy chuẩn Việt Nam QCVN 10-MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển để đánh giá cho thấy, nước biển ven bờ tại các khu vực được phân tích đều nằm trong giới hạn cho phép. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có công văn yêu cầu, các cơ quan chức năng của Bộ phải cung cấp thông tin quan trắc về chất lượng môi trường nước biển từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng hàng ngày. P.V |
Sức mua có khởi sắc
Tại chợ Cồn sáng 2-5, bà Loan - tiểu thương bán cá cho hay, rất vui vì không còn cảnh đìu hiu chợ chiều. Từ 6 rưỡi sáng, đã có nhiều người đến chọn mua cá của bà về chuẩn bị cho bữa ăn. Ai cũng bảo, TP đã có kết quả công bố nước biển sạch, cá an toàn nên không có lý do gì dân phải nhịn. Theo bà Loan, cách đây 3 ngày trở về trước, có hôm bà ế đến 70% sản lượng. Nhưng ngày 2-5 mới 9 giờ đã bán hơn phân nửa hàng bà nhập về (khoảng 20 kg). Bà hy vọng thời gian còn lại trong ngày, toàn bộ số lượng cá sẽ hết. Các mặt hàng hải sản khác như mực, tôm, hàu... lượng khách mua cũng tăng lên nhiều hơn.
Nhiều bà nội trợ có ý kiến rằng, TP đã cho biết 5 giờ sáng cùng ngày các chợ sẽ có quầy bán hải sản sạch nên đi chợ tìm mua, nhưng không có hàng. “Gia đình toàn người thích ăn tôm cá, nên khi biết chợ có quầy bán hải sản sạch quyết định dậy sớm mua về ăn cho thỏa sau cả tuần nhịn vì tâm lý, nhưng không thấy sạp hàng nào cung cấp. Đành mua của những tiểu thương kinh doanh bình thường trong chợ vậy. TP đã khẳng định cá không có vấn đề gì chắc chẳng sao. Chỉ mong TP sớm có mặt hàng hải sản sạch bán tại chợ để người dân yên tâm hơn” – bà Hường, một người dân đi chợ nói.
Đáp lại thắc mắc của người dân, Ban quan lý chợ Cồn phải cắt cử nhân viên đến khu vực hàng hải sản giải thích cho người tiêu dùng, rằng do chậm trễ trong khâu kiểm nghiệm nên sản phẩm chưa về tới. Ông Nguyễn Đình Sáu, Trưởng BQL chợ Cồn cho hay, không chỉ người dân, thậm chí cả cán bộ UBND P. Hải Châu 2 cũng tìm đến chợ để mua hải sản về dùng, nhưng hải sản bán theo chủ trương của TP chưa có nên cũng mua hải sản tiểu thương mua từ cảng về dùng vì tin rằng chẳng có vấn đề gì xấu. Ông Sáu thống kê: Toàn chợ có tổng cộng 139 hộ bán hải sản, nhưng những ngày qua số hộ buôn bán tại chợ đã nghỉ tới 2/3. Từ khi biết thông tin TP công bố nước biển an toàn, hải sản sạch, ngày 2-5, số hộ bán hải sản trở lại chợ kinh doanh đã tăng lên 60-70%. Vì đó, sức mua cũng tăng theo.
Ở nhiều chợ khác, nhu cầu sử dụng hải sản cũng đã tăng lên, nhưng người dân vẫn muốn sẽ có nguồn cá sạch đã được kiểm nghiệm chất lượng đưa về bán tại chợ. Tổ trưởng tổ quản lý chợ Nại Hiên Đông (Q. Sơn Trà), ông Đỗ Văn Bé cho biết: Chợ đã chuẩn bị một số sạp hàng để cho tiểu thương bán cá sạch theo chủ trương trong ngày 2-5, song 4 giờ sáng cùng ngày nhận được thông báo công tác kiểm nghiệm cá chưa xong nên chợ phải sử dụng loa phát thanh thông báo cho người đi chợ nhiều lần. Ngay cả đội xe quy tắc phường, chiều 1-5 cũng đưa xe đi quanh các tuyến đường, khu dân cư để thông báo sáng 2-5 sẽ có cá sạch bán tại chợ, nhưng do khâu chuẩn bị nguồn hàng chậm, sáng sớm cùng ngày phải cho xe đi thông báo lại.
Riêng số tiểu thương đang kinh doanh hải sản tại chợ, ông Bé cho hay, 2 ngày qua hàng đã bán chạy hơn, nhưng do nguồn cá ít (lý do ông Bé đưa ra là ngư dân đánh bắt gần bờ về rớt giá mỗi loại hải sản từ 10-15.000 đồng/kg, lỗ vốn nên nhiều người không đi biển nữa - PV). Cũng vì lẽ đó mà tiểu thương bán hải sản trong chợ tạm dọn sạp nghỉ nhiều. “Tổ quản lý chợ chúng tôi đã chuẩn bị dụng cụ nấu ăn hết rồi. Khi TP đưa cá về chợ bán, đích thân tôi cùng anh em sẽ mang ra giữa chợ mua hải sản chế biến ăn và mời bà con đi chợ ăn cùng. Trong văn bản gửi các chợ của các cấp chính quyền TP nói rõ rồi, mua hải sản sạch ăn mà có chuyện gì TP sẽ chịu trách nhiệm. Chúng tôi cũng vậy. Biển Đà Nẵng không ảnh hưởng, chẳng có lý do gì chúng ta không mua hải sản ăn” – ông Bé nói.
Tiểu thương Lê Thị Ngọt, kinh doanh hải sản trong chợ Nại Hiên Đông hồ hởi, rất mừng vì TP có những chính sách, giải pháp kịp thời để hỗ trợ các hộ kinh doanh. Là người được chọn đảm nhiệm sạp bán cá sạch theo chủ trương của TP ở chợ, chị rất vui nên chuẩn bị tất cả nhưng ngày 2-5 chưa có cá về. “Hôm nay khách hàng hỏi mua cá nhiều lắm nhưng chưa có. Mong rằng TP sớm hoàn thành các thủ tục cần thiết để người tiêu dùng sớm có cá sạch để mua về dùng” – chị Ngọt nói...
Kiểm nghiệm kỹ để người dân yên tâm hơn
Giải thích về việc hải sản sạch chưa về các chợ để phục vụ người tiêu dùng trong sáng 2-5 như chủ trương của TP đã ấn định, ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, hiện nguồn cá đã có sẵn ở chợ đầu mối Thọ Quang, song vì công tác kiểm định chất lượng chưa được hoàn thành nên chưa thể đưa cá về các điểm chợ để bán. Theo ông Ban, công tác kiểm tra cần nhiều thời gian và đây là công đoạn quan trọng nên phải làm thật kỹ, trước khi đưa đến tay người tiêu dùng. Có như vậy nhân dân mới yên tâm. “Ngay sau khi có các kết quả kiểm tra, cá sẽ được chuyển về các quận huyện để phục vụ người dân. Chúng tôi sẽ cố gắng đưa cá ra chợ một cách sớm nhất để ngư dân không chịu tồn đọng cá, ảnh hưởng đến đời sống” – ông Ban nói.
Liên quan đến khâu tiêu thụ hải sản sạch, Chủ tịch UBNDTP Huỳnh Đức Thơ vừa ký văn bản hỏa tốc gửi các ban ngành và địa phương liên quan đến việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm khai thác của ngư dân TP. Trong đó, giao Sở NN&PTNT lập các thủ tục cần thiết để xác nhận sản phẩm an toàn cho các cơ sở khai thác, thu mua, chế biến hải sản trên địa bàn TP bắt đầu từ ngày 4-5. Trên cơ sở đó, giao sở Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, xã phường và các đơn vị có liên quan quản lý bán hải sản tại các chợ và các điểm tiêu thụ khác để người dân an tâm sử dụng.
Giao Văn phòng UBNDTP chỉ đạo bộ phận căng tin tại Trung tâm hành chính sử dụng hải sản để chế biến các món ăn, phục vụ cán bộ công chức ăn trưa. UBND TP khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện trong thời gian ít nhất 1 tuần (từ ngày 5-5) hoặc kéo dài đến khi tình hình tiêu thụ hải sản của ngư dân trở lại bình thường. Giao Sở TN&MT tiếp tục quan trắc lấy mẫu nguồn nước biển và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng; các quận ven biển phối hợp với thành đoàn, Cty môi trường đô thị ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường biển, hoàn thành trước ngày 10-5.
Theo ghi nhận của chúng tôi, ngư dân và người tiêu dùng cơ bản đã an lòng khi thành phố có giải pháp kịp thời đính chính lại những đồn thổi về mặt hàng hải sản và nước biển Đà Nẵng không an toàn. Càng an tâm hơn, chính lãnh đạo TP đã tiên phong ăn cá, xuống biển tắm.
Công Hạnh