Người di cư “chạy đua” đến Tây Âu

Thứ ba, 08/09/2015 09:41

(Cadn.com.vn) - Hàng ngàn người di cư đang tìm đủ mọi cách vượt qua biên giới Hungary đến Áo và Đức trước khi chính quyền Budapest quyết định đóng cửa khu vực biên giới đang rất hỗn loạn này. 

Dòng người di cư khổng lồ vẫn đang đổ vào Hungary mỗi ngày, với hy vọng sẽ được phép tiếp tục cuộc hành trình đến các nước Tây Âu như Áo, Đức trước khi Budapest thắt chặt việc đi lại.

Theo Time, tại nhà ga Keleti chính ở thủ đô Budapest, người di cư tranh giành nhau để được lên tàu đến biên giới với Áo, để từ đó đi tiếp đến Đức. Người di cư Syria, Iraq, Afghanistan và những quốc gia Trung Đông hay Châu Phi khác cố gắng đọc để hiểu lịch trình tàu chạy. Tại biên giới, hàng dài người di cư, rất nhiều người quấn trong chăn hoặc túi ngủ, bồng bế trẻ em, vội vã bước xuống tàu và đi qua biên giới nước Áo.

Cùng thời điểm này, khoảng 10.000 người tị nạn vẫn mắc kẹt trên một hòn đảo của Hy Lạp và có thêm hàng ngàn người tới bờ biển phía nam Châu Âu mỗi ngày.

Một chiếc xe chất đầy người di cư trên đường từ Hungary đến biên giới Áo. Ảnh: Reuters

Đức chi thêm 6 tỷ EUR giúp người di cư

Khoảng 18.000 người di cư đến Đức trong 3 ngày qua sau một thỏa thuận giữa Berlin với Áo và Hungary.

Hôm 7-9, chính phủ liên minh của Đức nhất trí chi 6 tỷ EUR trong năm tới để chăm sóc số người di cư kỷ lục cũng như triển khai các biện pháp khác để đối phó cuộc khủng hoảng đang nhấn chìm Châu Âu này. Tuyên bố lập quỹ phụ này được đưa ra sau các cuộc đàm phán vào đêm 6-9 giữa hai đảng liên minh trong chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel. Theo đó, Berlin đồng ý chi 3 tỷ EUR cho các tiểu bang của liên bang và hội đồng địa phương để thực hiện các bước quan trọng như dạy ngôn ngữ, tăng thêm quân cho lực lượng cảnh sát... 3 tỷ EUR còn lại là dành cho các chương trình khác của liên bang như tiền trợ cấp.

Ước tính, Đức sẽ tiếp nhận khoảng 800.000 người tị nạn và di cư trong năm nay, và mong muốn phần còn lại của Châu Âu làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ Berlin. Nhưng trong khi bà Merkel trở thành “người hùng” đối với nhiều người di cư và người ủng hộ, nhiều nhà lãnh đạo khác vẫn “án binh bất động”.

Châu Âu có thể làm gì?

Ở trong nước, nhiều nghị sĩ lên tiếng chỉ trích Thủ tướng Merkel vì đã tạo tiền lệ nguy hiểm. Ở ngoài nước, Hungary và nhiều nước Đông Âu khác cáo buộc Đức khuyến khích dòng người di cư đến Châu Âu và thúc giục Berlin thắt chặt kiểm soát biên giới.

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ Đức cho biết, quyết định này là “một ngoại lệ” giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo và rằng, Berlin có thể sẽ sớm đóng cửa biên giới. Thủ tướng Áo Werner Faymann ngày 7-9 cũng tuyên bố, đây chỉ là các biện pháp khẩn cấp và cần nhanh chóng chấm dứt. Nhà lãnh đạo Áo cũng ám chỉ sẽ sớm đóng cửa khu vực biên giới. “Chúng tôi luôn nói rằng đây chỉ là tình huống khẩn cấp, ở đó chúng ta phải hành động nhanh chóng và nhân đạo”, Thủ tướng Faymann nói đồng thời nhấn mạnh, “bây giờ là lúc chúng ta phải dừng lại để thực hiện từng bước đi phù hợp với luật pháp và nhân quyền”.

Giới quan sát cũng nhận định, chính sách mở cửa của Áo và Đức sẽ không kéo dài lâu. “Khi Đức nói “dừng lại”, Áo sẽ đóng cửa”, một chuyên gia cho biết. Người ta lo ngại: “Nếu điều đó xảy ra, nó có khả năng tạo ra nút cổ chai mới ở Hungary”. Chính phủ Hungary cánh hữu của Thủ tướng Viktor Orban - người kêu gọi Áo đóng cửa biên giới - muốn truyền đi thông điệp: “những người tị nạn, đặc biệt là người Hồi giáo, không được chào đón ở đây”. Thủ tướng Hungary thậm chí còn muốn bỏ tù những người tị nạn vượt biên giới trái phép. Nếu Hungary “niêm phong” hơn 160km đường biên giới dài với Serbia, người tị nạn sẽ bị mắc kẹt ở đó. Nhưng đây dường như là “nhiệm vụ bất khả thi” đối với Budapest.

Nói thế để thấy rằng, Châu Âu thật sự đang bị nhấn chìm trong những ngọn sóng khổng lồ của cuộc khủng hoảng di cư.

Khả Anh