Người đưa đặc sản lươn xứ Nghệ ra thế giới

Thứ năm, 04/01/2024 15:58
Với mong muốn đưa đặc sản quê hương đến với nhiều quốc gia trên thế giới, chị Trần Thị Hà Nhung, TP Vinh (Nghệ An) đã nghiên cứu ra sản phẩm lươn sấy khô dưới dạng súp lươn, miến lươn, cháo lươn ăn liền, xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như: CH Czech, Australia, Nhật Bản, Mỹ... mang lại hiệu ứng tích cực trên thị trường.
Chị Trần Thị Hà Nhung chia sẻ về quá trình cho ra đời sản phẩm lươn ăn liền.
Chị Trần Thị Hà Nhung chia sẻ về quá trình cho ra đời sản phẩm lươn ăn liền.

Nặng lòng với thương hiệu “lươn xứ Nghệ”

Sinh ra, lớn lên ở vùng quê sản sinh ra những món ăn từ lươn đồng- món ăn đặc sản của người dân xứ Nghệ, chị Trần Thị Hà Nhung (1986, trú tại TP Vinh)- Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển ẩm thực NAP Food luôn trăn trở làm sao để có thể đưa món ăn này đến với những người con xứ Nghệ xa quê cũng như đông đảo khách hàng thập phương. “Dù là món ăn ngon, hương vị đặc trưng của xứ Nghệ nhưng từ xưa đến nay những sản phẩm từ lươn chỉ đáp ứng, tiêu thụ tại chỗ, trong tỉnh, không mở rộng được thị trường ra các tỉnh bạn và nước ngoài. Điều này khiến tôi trăn trở” – chị Nhung chia sẻ.

Sau thời gian ấp ủ kế hoạch, năm 2015, chị Hà Nhung bắt đầu chế biến lươn đồng đông lạnh cung cấp cho người dân xứ Nghệ xa quê và các nhà hàng trong nước. Đơn hàng ngày càng nhiều nhưng cũng qua đấy, chị Nhung nhận ra điểm yếu: món lươn đông lạnh khó bảo quản và vận chuyển. Khi đến tay người tiêu dùng chất lượng thịt lươn cũng không còn tươi ngon, lại còn mất không ít thời gian để chế biến nó... Từ đó, chị ấp ủ dự định chế biến sản phẩm lươn đóng gói, ăn liền…

Sau nhiều lần thử nghiệm, cuối cùng sản phẩm miến lươn đã ra đời. Sản phẩm được đóng gói dưới dạng mì ăn liền không chỉ sử dụng tiện lợi mà còn có thể vận chuyển xa hơn.Theo chị Nhung, các món ăn truyền thống của người xứ Nghệ thường có vị đậm đà, nhiều gia vị nên khi chế biến món ăn cũng phải mang những đặc trưng này vào. Quá trình chế biến, đơn vị chủ yếu sử dụng các loại gia vị như: Hành tăm, nghệ, ớt…, đều là nông sản của các địa phương trong tỉnh.

Không chỉ góp phần tiêu thụ nông sản cho nông dân, cơ sở của chị Nhung còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 20 lao động tại chỗ, chưa kể nhân viên văn phòng. Nhìn cơ ngơi của chị ít ai biết rằng, để có được thành công như ngày hôm nay, Hà Nhung phải trải qua giai đoạn “khủng hoảng” trong khởi nghiệp. Chị Nhung nhớ lại, tháng 5-2021, khi cơ sở mới đầu tư một số máy móc, hàng hóa để sản xuất thì gặp phải sự cố bị cháy. Toàn bộ vốn liếng gây dựng ban đầu khoảng 10 tỷ đồng gần như “đổ sông đổ bể”. “Đó là cú sốc lớn khiến tôi rơi vào tình trạng trầm cảm. Nhưng rồi, được sự động viên của gia đình, bạn bè, tôi quyết định vay mượn tiền làm lại từ đầu. Nếu từ bỏ thì công sức của mình quay về con số 0, thương hiệu gây dựng suốt mấy năm qua cũng trở thành dĩ vãng”- chị tâm sự.

Đưa lươn xứ Nghệ vươn ra thế giới

Từ trăn trở muốn giới thiệu món ăn này đến người dân trong cả nước và nước ngoài cũng như người xứ Nghệ xa quê ở khắp mọi nơi trên thế giới, chị Hà Nhung mày mò, học hỏi, tìm cách đưa “lươn xứ Nghệ” xuất khẩu. Năm 2020, sau 3 năm tìm tòi, thử nghiệm, Hà Nhung cho ra đời các sản phẩm súp lươn, miến lươn và cháo lươn ăn liền, đóng gói.

Sau khi hoàn thiện các thủ tục pháp lý, chị Nhung đầu tư lại cơ sở vật chất, thuê nhân công sản xuất theo dây chuyền. Để thị trường đón nhận, các sản phẩm được chị định hướng theo tiêu chí “3 không”: không chất bảo quản, không chất tạo màu, không chất tạo cay và bảo quản được 12 tháng.

Cùng kinh nghiệm được đúc kết, đảm bảo theo tiêu chí của Cục an toàn thực phẩm chị đã cho ra công thức không chất bảo quản theo tiêu chuẩn của Nhật Bản. Hiện nay, nhiều sản phẩm như súp lươn tươi, cháo lươn đậu xanh, lươn om chuối đậu, súp lươn bánh mướt… được người tiêu dùng đón nhận.

“Vấn đề áp lực nhất khi triển khai mình lấy thương hiệu đặc sản của Nghệ An nên mọi tiêu chí phải đảm bảo, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi nếu xảy ra bất trắc sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu “lươn xứ Nghệ”. Hiện sản phẩm đã được xuất khẩu theo con đường đông lạnh và hàng khô đến nhiều nước như Australia, CH Czech, Mỹ… Riêng tại thị trường Nhật Bản, từ đầu năm nay, công ty đã cung ứng 4 container trị giá khoảng 20 tỷ đồng” - chị Nhung cho hay.

Hiện tại, mỗi tháng, xưởng của chị Nhung nhập 6-15 tấn lươn để chế biến. Lươn đồng được nhập từ các vựa lớn trong tỉnh, sau khi về xưởng được loại bỏ ruột, xương, khử tanh bằng nghệ và bảo quản bằng các nguyên liệu tự nhiên như muối,dầu ăn.

Không dừng lại ở những sản phẩm đã có, chị Nhung đang có ý định sẽ sớm cho ra các sản phẩm mới như lươn nướng ống tre và súp lươn bánh mì.

Thời gian qua, trên địa bàn Nghệ An đã có nhiều cá nhân, doanh nghiệp nghiên cứu, chế biến để vừa đa dạng hóa các sản phẩm nông sản vừa nâng cao hiệu quả kinh tế. Qua đó, không chỉ tiếp cận thị trường trong nước mà còn mạnh dạn xuất khẩu sang nước ngoài. Nông sản của bà con nông dân được tiêu thụ, cải thiện tình trạng “được mùa mất giá”. Đây là thành công bước đầu của các cá nhân, doanh nghiệp khi đưa nông sản của người nông dân xứ Nghệ vươn ra thế giới.

Dương Hóa