Người giữ hồn cung đình xưa
Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng hàng ngày bà Công Tôn Nữ Trí Huệ vẫn miệt mài từng đường kim mũi chỉ để tạo ra chiếc gối mang đậm cốt cách cung đình xưa. Với bà, mỗi chiếc gối được làm ra là một lần hoài niệm về quá khứ, là cách để bà lưu giữ hồn cung đình và truyền nghề cho hậu thế.
Dù tuổi đã cao nhưng hàng ngày bà Trí Huệ vẫn miệt mài từng đường kim mũi chỉ. |
Người may gối chốn cung đình
Bà Công Tôn Nữ Trí Huệ năm nay 96 tuổi ở xóm 8 (thôn Giáp Đông, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, TT-Huế) là cháu nội của hoàng tử Miên Lâm, chắt nội vua Minh Mạng. Thuở nhỏ, bà Trí Huệ phụ giúp gia đình làm thuốc bắc, buôn bán, chằm nón lá. Năm 15 tuổi bà được vào Đại Nội-Huế học may, thêu thùa như các Công tôn Nữ khác. Nhờ tư chất thông minh, chịu khó học hỏi, không ngừng tìm tòi để có nhiều sáng kiến trong từng sản phẩm, tay nghề của bà Trí Huệ ngày càng điêu luyện, có thể may được tất cả các loại trang phục cho vua, hoàng hậu và các quan lại trong hoàng cung.
Năm 21 tuổi (1943) bà Trí Huệ được biệt phái về làm phụng trực ở phủ Kiên Thái Vương, chăm lo hương khói phụng thờ, may gối cung đình phục vụ nhà vua, hoàng hậu và các quan lại trong triều. Hiện nay 9 áng thờ ở Đại Nội Huế đều có gối thờ do chính tay bà Trí Huệ may. Đặc điểm của loại gối cung đình là hoàn toàn được làm bằng tay, sử dụng vải gấm dày, họa tiết hoa văn cầu kỳ, bắt mắt; thêu hình long-lân-quy-phụng, từng đường kim mũi chỉ tỉ mỉ và công phu. Sự cân nhắc kỹ lưỡng qua từng công đoạn: từ khâu chọn bông, nhồi bông, lựa vải, thêu thùa, may, khâu cho đến dập lá, tạo góc… nên chiếc gối cung đình xưa ít nhiều còn thể hiện tính cách, tâm hồn của chính người làm ra nó.
Bà Trí Huệ cho biết, gối cung đình xưa chỉ có duy nhất một màu vàng, được thiết kế 5 lá dùng cho vua và hoàng hậu, 4 lá dùng cho các quan, các cụ hoặc các hoàng tử, công chúa trong triều. Chiếc gối cung đình có thể trải ra hoặc gập, xếp lại gọn gàng, dùng để gối đầu, tựa lưng, vai hoặc để tỳ cánh tay cho đỡ mỏi. Gối còn để trang trí, tạo tính thẩm mỹ, thể hiện sự sang trọng, đài các của lối sống vương triều xưa. Bà Trí Huệ tâm sự, thuở xưa sống trong triều đình, một hôm vua biết được những bộ trang phục vua mặc trên người là do bà may, vua tỏ ý thích thú và yêu cầu bà may thêm gối tựa. Từ đó bà đảm trách luôn việc may áo cho Đức Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại).
Đau đáu nỗi lo thất truyền nghề
Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, bà Trí Huệ trở về sinh sống cùng chồng và 2 con ở quê nhà. Hàng ngày, ngoài công việc ruộng đồng, vườn tược, nội trợ, bà Trí Huệ vẫn miệt mài may gối cung đình xưa. Trong suy nghĩ của bà lúc đó, làm không phải để bán, bởi nếu muốn bán cũng chẳng biết bán cho ai, mà làm là vì đam mê, vì sở thích khó cưỡng, để sống lại ký ức một thời ở chốn cung đình. Tuy khó khăn nhưng bà Trí Huệ vẫn quyết tâm bám nghề, giữ nghề, vừa xem như thú vui tao nhã tuổi già, vừa để trổ tài “nữ công gia chánh” của người con gái mang dòng dõi hoàng tộc.
Năm 2001, được biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp đại thượng thọ 90 tuổi, bà Trí Huệ đã tự mình thêu một bộ gối tựa theo kiểu cổ của hoàng cung rồi ra Hà Nội nhờ người dẫn đến trao tận tay cho Đại tướng và phu nhân tại nhà riêng của Đại tướng. Tháng 10-2013, nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp về cõi vĩnh hằng, mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng bà Trí Huệ cứ nằng nặc bảo con cháu dẫn bà ra Quảng Bình cho bằng được để thắp nén hương vĩnh biệt Đại tướng. Khi đi bà không quên mang theo tấm hình bà tặng gối cung đình cho Đại tướng năm trước. Nay tuổi đã “gần đất, xa trời”, bà Trí Huệ luôn canh cánh nỗi niềm là sợ nghề may gối cung đình sẽ mai một, thất truyền. Bà luôn mong muốn truyền “nghề độc” này cho hậu thế nhưng mãi chẳng mấy ai tìm đến học, vì nếu học xong thì cũng khó mà hành nghề. Sợ không có người tiếp quản nghề xưa, bà dạy nghề làm gối cung đình cho con dâu (chị Lê Thị Liền, 64 tuổi) và cháu dâu Trần Thị Thủy (28 tuổi).
Hiện hai người con dâu, cháu dâu của bà về cơ bản đã nắm vững kỹ thuật chế tác gối cung đình xưa. Thế rồi, niềm vui đến bất ngờ với bà Trí Huệ khi (tháng 8-2017) tình cờ có 2 sinh viên ở Huế và Hà Nội tìm đến nhà bà xin được “thụ giáo”. Sau khóa học gần 1 tháng, bà đã trao trọn tất cả bí kíp nghề nghiệp, dạy học trò bằng cả tấm lòng, tình thương, trách nhiệm. Từ ngày có học trò để truyền dạy, bà như vui hơn, khỏe hơn vì đã thực hiện được tâm nguyện của mình. Được biết, hiện hai người học trò của bà đã tổ chức hành nghề chế tác gối cung đình xưa ở Hà Nội và thường xuyên liên lạc, trao đổi hàng hóa, và cũng chính họ trở thành “đối tác” làm ăn với bà, góp phần giúp bà Trí Huệ giới thiệu sản phẩm độc đáo này ra với công chúng gần xa. Hiện nay, sản phẩm “trái dựa” do bà may thêu đã có mặt ở một số khách sạn, nhà hàng, quán bar ở Huế, Hà Nội, Quảng Nam…Tuy số lượng tiêu thụ còn khá khiêm tốn nhưng bà cảm thấy vui mừng vì đã được “sống” lại với nghề đã gắn bó máu thịt với mình hàng chục năm qua.
VÕ VĂN DẦN