Người mẹ Duy Sơn
(Cadn.com.vn) - Sau đợt công tác phục vụ chiến dịch Đông Xuân 1970, chúng tôi, các trinh sát Bảo vệ chính trị An ninh Quảng Đà đứng chân trên các địa bàn được lệnh về lại căn cứ Hòn Tàu để chỉnh huấn và chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới. Lúc này, địa bàn công tác của tôi là các xã Gò Nổi, H. Điện Bàn. Tôi theo giao liên đi qua Xuyên Thanh xuống Xuyên Trường để vào căn cứ. Đoàn hôm ấy cả thảy hơn 30 người, phần lớn là cán bộ binh vận của Đặc khu, hội trưởng phụ nữ của các huyện đồng bằng và những anh em an ninh H. Duy Xuyên.
Dọc đường đi, biệt kích đóng trên đồi Nống Đế dùng ống nhòm hồng ngoại phát hiện đội hình đang di chuyển, lập tức chúng triển khai đón sẵn. Tại Cụp Chiên Sơn đầu cầu Kỳ Lam, đoàn chúng tôi lọt vào ổ phục kích. Mặc dù lực lượng tương quan không cân sức và bị địch dùng hỏa lực mạnh đánh vào giữa đội hình, nhưng chúng tôi vẫn bình tĩnh chống trả quyết liệt, khi trên tay chỉ có tiểu liên AK và lựu đạn, khiến chúng bị thương vong rút lui.
Niềm vui CBCS An ninh Quảng Đà gặp lại sau ngày giải phóng. Ảnh: Vũ Xuân Bảo |
Ngay khi vừa ngớt tiếng súng, đoàn kiểm tra lại thì gần như hầu hết anh em đều bị thương, 12 đồng chí hy sinh, tôi bị thương hai chân. Đêm đó, du kích xã Xuyên Trường chuyển tôi vào hang Đèo Đá Mái. Vào hang, tôi thấy chị Mạc Thị Huyền, huyện ủy viên, Hội trưởng phụ nữ H. Đại Lộc đã ở đấy. Chị bị gãy xương bả vai trái, mất nhiều máu, ngất xỉu. Khi hai chị em tỉnh lại thì mặt trời đã lên khỏi rặng cây. Nhìn ra trước miệng hang, tôi thấy một bóng người tay ôm bó củi rừng. Tôi đoán đó là dân khu dồn Trà Kiệu lên đồi tìm chất đốt và dường như đang đến gần miệng hang đá, nơi chúng tôi tôi trú ẩn. Quả nhiên, tôi nhận ra đó là một phụ nữ đã luống tuổi, tôi chủ động gọi: “Chào mẹ”.
Bà nhìn tôi sững sờ từ đầu đến chân, rồi khom người hai tay nắm chặt chiếc thánh giá trên cổ . Tôi nói tiếp: “Con là quân giải phóng đánh nhau với quân Mỹ đã bị thương”. Sau giây phút trấn tĩnh, bà đặt hai tay trên đầu tôi khóc nức nở, nói: “Mẹ là giáo dân ở khu dồn Trà Kiệu, con trai mẹ bị bắt lính đưa ra Quảng Trị không biết còn sống hay chết”. Dừng một chút, mẹ thở dài nói “chiến tranh” rồi lặng lẽ thò tay vào túi xách lấy nắm cơm mà bà chuẩn bị cho bữa trưa đưa cho tôi và bảo: “Hai chị em ăn cơm đi. Cố ăn cho khỏe các con, để về lại đơn vị”. Ăn xong, tôi cởi chiếc đồng hồ Seiko trên tay nhờ mẹ xuống Trà Kiệu bán và mua thuốc kháng sinh.
Sáng hôm sau, bà mang cơm cho chị em chúng tôi, trong gói cơm có nhét thuốc Pénicilin và thuốc bổ. Cứ như vậy liên tục một tuần, bà mang cơm từ Trà Kiệu lên cho chúng tôi. Khi thấy sức khỏe đã ổn, ở lâu nơi này rất nguy hiểm vì quân Mỹ đóng dưới chân đồi, còn bên kia đèo quân Nam Triều Tiên án ngữ, tối đó tôi quyết vượt vòng vây địch. Rất may mắn, đồng đội ở An ninh Quảng Đà như các anh Phan Thanh Long, Trần Hiên, Hoàng Minh Thiện, Bùi Hồng qua ánh đèn pháo sáng tìm được tôi dưới hầm công sự do quân Mỹ đào hôm trước và chuyển tôi về hậu cứ. Còn chị Huyền vì còn quá yếu không đi được, mấy hôm sau bị địch bắt. Chị cương quyết không khai báo, chỉ bảo mình là dân thường bị bom rơi đạn lạc nên địch chuyển chị ra Đà Nẵng. Khi vết thương lành hẳn, chị được cơ sở cách mạng đưa trở lại vùng giải phóng tiếp tục hoạt động cách mạng.
Sau ngày giải phóng, không ít lần tôi cùng vợ- nguyên nữ điều dưỡng chiến trường Quảng Đà Lâm Thanh Phong và các con trở lại chiến trường xưa, nhờ bà con xã Xuyên Trường, cả CAH Duy Xuyên tìm giúp người mẹ năm nào nhưng đều biệt tin. Tôi cũng nhờ Linh mục Mai Văn Tôn, quản xứ nhà thờ Trà Kiệu, qua các buổi lễ nhà thờ, nhờ giáo dân tìm giúp, nhưng cũng không tìm được. Một thời gian sau, Linh mục Tôn cũng đã bạo bệnh qua đời.
Tôi thầm nghĩ, có thể do bom đạn chiến tranh hay tuổi tác già nua, mẹ không còn trên cõi đời này nữa. Nhưng tấm lòng và sự chở che của người mẹ Duy Sơn ấy luôn hiển hiện trước mắt, trong tâm trí, nhắc nhở tôi rằng, mẹ vẫn ở đâu đây... Để trả ơn người mẹ Duy Sơn không tên, trả ơn những người mẹ dọc những xóm làng từng chở che chúng tôi những năm tháng chiến đấu, gia đình tôi luôn tổ chức những chuyến thăm và tặng quà bà con những quê xưa, hy vọng đâu đó có giọt máu, có hình hài mà các mẹ đã để lại cho cuộc đời này...
Ngô Thanh Hải