Người Quảng thuở đầu xây dựng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa
(Cadn.com.vn) - Ngày 16-8, Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng phối hợp với Ban Văn hóa-xã hội HĐND thành phố tổ chức tọa đàm "Đóng góp của người Quảng vào việc xây dựng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (NNVNDCCH) trong hai năm 1945-1946".
Ông Nguyễn Đình An phát biểu tại buổi tọa đàm. |
Tại Tọa đàm, ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng nhận định: "Sau Cách mạng Tháng 8, rất nhiều người xứ Quảng đã có những đóng góp không nhỏ vào công cuộc xây dựng Nhà nước NNVNDCCH". Theo đó, cùng với 3 tỉnh thành khác là Bắc Giang, Hải Dương và Hà Tĩnh, người xứ Quảng đã tiến hành thành công cuộc khởi nghĩa Tháng 8-1945 và tiếp đó là góp phần xây dựng NNVNDCCH. Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, gồm 15 thành viên, ra mắt quốc dân đồng bào ngày mồng 2-9-1945. Còn Chính phủ Liên hiệp Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập vào tháng 1-1946. Trong Chính phủ Lâm thời và Chính phủ Liên hiệp Lâm thời có một người Quảng đó là ông Lê Văn Hiến. Khi Đà Nẵng giành được chính quyền, ông Lê Văn Hiến được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời thành phố Đà Nẵng. Tại Quốc dân Đại hội - được xem là tiền thân của Quốc hội khóa I - họp ở Tân Trào ngày 16-8, ông Lê Văn Hiến được bầu vào Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam. Khi thành lập Chính phủ Lâm thời, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra Hà Nội đảm nhận chức Bộ trưởng Bộ Lao động và tiếp tục đảm đương nhiệm vụ này trong Chính phủ Liên hiệp Lâm thời trước khi chuyển sang nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến. "Khi giới thiệu Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Đó là một nhà cách mạng lẫm liệt nhiều năm mà cũng nhiều năm ở trong tù tội của đế quốc". Qua đó cho thấy Bác Hồ đánh giá rất cao ông Lê Văn Hiến. Ông đã nhận lãnh hơn 20 nhiệm vụ khác nhau trong bộ máy lãnh đạo cấp quốc gia, 5 lần giữ chức Bộ trưởng và hàm Bộ trưởng. Có thể nói ông Lê Văn Hiến là người Quảng đầu tiên tham gia xây dựng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, là một trong số 7 thành viên của Ủy ban Dự thảo Hiến pháp năm 1946" - ông Bùi Văn Tiếng nhấn mạnh.
Ngay sau ngày đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh NNVNDCCH, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách phải thực hiện ngay, trong đó có nhiệm cụ "tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu" để bầu ra Quốc hội khóa 1. Kết quả Quảng Nam bầu được 15 đại biểu vào cơ quan tối cao của NNVNDCCH. "Những đại biểu này đều có uy tín với nhân dân như ông Lê Văn Hiến, Lâm Quang Thự, Huỳnh Ngọc Huệ, Phan Bôi...
Sau Tổng tuyển cử, một số đại biểu Quốc hội khóa I là người xứ Quảng được chuyển về công tác chuyên trách ở Quốc hội, như bà Lê Thị Xuyến được bầu là ủy viên chính thức của Ban Thường trực Quốc hội, được phân công phụ trách Ủy ban Văn hóa-Xã hội của Quốc hội và đảm đương nhiệm vụ này cho đến khi giữ chức Chủ tịch đầu tiên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Lúc bấy giờ, có một người Quảng không phải là đại biểu Quốc hội khóa I nhưng được Hồ Chủ tịch mời tham gia Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đó cụ Huỳnh Thúc Kháng. Sau này cụ Huỳnh Thúc Kháng được cử làm quyền Chủ tịch nước khi Bác Hồ sang Pháp đàm phán.
Còn theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An, 2 nhân vật Cao Hồng Lãnh, Phan Bôi, hai người con xứ Quảng, trong đó Cao Hồng Lãnh là Đại biểu tham dự Quốc dân Đại hội Tân Trào, là thành viên trong nhóm cán bộ gần Bác nhất, xử lý những vấn đề nóng bỏng, phức tạp trong những ngày Cách mạng Tháng 8 và sau đó. Còn Phan Bôi khi từ Việt Bắc về Hà Nội ông đổi tên là Hoàng Hữu Nam giữ chức Chánh Văn phòng rồi Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Sau khi ta ký hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946, Phan Bôi được cử làm Chính ủy quân đội tiếp phòng, được lập ra để phối hợp với quân đội Pháp tiếp nhận sự đầu hàng và giải giáp quân Nhật.
Còn rất nhiều người con xứ Quảng khác đã có đóng góp to lớn trong việc xây dựng NNVNDCCH thuở đầu non trẻ. Họ luôn tự giác nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao, không đòi hỏi một chút danh lợi địa vị. Họ xông vào chỗ khó khăn nguy hiểm để lo việc Đảng, việc dân. Ngay cả lúc ở cảnh hiểm nghèo họ cũng không hề nao núng, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Đó là khí chất của những người xứ Quảng.
Minh Hà