Người sống sót trong vụ thảm sát tại Ngã Ba Đình

Thứ bảy, 30/06/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Ở tuổi tám mươi, cựu chiến binh Nguyễn Trình (Báo), trú thôn Túy Thạnh, xã Hoài Sơn, H. Hoài Nhơn, Bình Định vẫn nhớ rõ chuyện sống sót hy hữu trong vụ thảm sát tại Ngã Ba Đình 51 năm về trước...

Ngày  16-7-1961 ÂL- bộ đội ta tập kích vào trụ sở ngụy quân xã Hoài Sơn, diệt gọn bọn ác ôn xã và một tổng doàn dân vệ. Sau đó, tiếp tục phục kích  bao vây diệt gọn 1 đại đội bảo an từ quận Bồng Sơn ra chi viện. Địch bỏ trụ sở xã xuống chiếm nhà của một cán bộ tập kết tại Hy Văn làm trụ sở. Gần 1 tháng sau, vào đêm 13-8-1961, đội công tác Hoài Sơn diệt các tên gồm ấp trưởng, ấp phó an ninh Hy Tường, Cẩn Hậu, An Hội . Xã trưởng Hoài Sơn Lê Văn Luận điên cuồng cho dân vệ lùng sục bắt một số cán bộ cơ sở, những người có người thân đi tập kết, thoát ly đem về giam cầm, tra tấn hết sức dã man.

Cựu chiến binh Nguyễn Trình 

“Đêm 16-8 (ÂL) nhằm ngày 25-9-1961- địch bắt 12 người trói thành một xâu dẫn đi. Trong chúng tôi ai cũng nghĩ rằng chúng đưa đi bắn, nhưng tuyệt nhiên không ai van xin. Khi gần đến Ngã Ba Đình thì anh Sáng đã mở được dây trói, vụt chạy, bọn dân vệ bắn theo như vãi đạn nhưng anh đã thoát được. Sau đó, chúng tiếp tục đua những người còn lại tới Ngã Ba Đình thì bất ngờ những loạt đạn trung liên, tiểu liên xối xả bắn vào đoàn người. Tiếng súng, tiếng la, tiếng đả đảo bọn ác ôn vang lên, rồi người đổ sập, lặng dần, máu loang đỏ đường làng. Khi tỉnh lại tôi mới biết mình bị thương, nhưng tay bị trói quặt ra phía sau, tôi dùng chân đạp nhẹ vào người chú Tâm và hỏi: “Chú có nặng lắm không?”- chú Tâm thì thào “Nặng lắm, gãy xương, máu ra nhiều lắm, chú không sống được đâu- còn cháu?” - “Cháu bị thương nhẹ không sao”. Chú Tâm nói tiếp “Hãy đi theo cách mạng đi”. Và, may mắn quá, đạn đã làm đứt dây trói tay, nên chú Tâm đã mò mẫm cởi  trói cho tôi. Trăng sáng quá, bọn dân vệ đang ở đâu đó, tôi nằm im chờ cơ hội. Đến khoảng 3 giờ sáng thì bọn lính bảo an  đi càn từ An Đỗ, An Hội đi ngang qua thấy xác chết nằm la liệt giữa đường. Có thằng nói “Mẹ nó, hôm qua nghe nói nó bắn tưởng nói chơi, ngờ đâu nó đem con người ta bắn thiệt, đúng là ác ôn”. Thì ra, trong hàng ngũ địch  cũng còn có người không chấp nhận sự đê hèn, dã man của đồng bọn.

Đài tưởng niệm vụ thảm sát tại Ngã Ba Đình. 

Khoảng 4 giờ sáng thì chú Tâm chết, tôi bò qua xác anh em, toàn thân ê ẩm, đau nhức, men theo bờ ruộng đi lên thôn Túy Thạnh gặp được anh Tạng đưa về trốn trần nhà, thuốc thang điều trị vết thương... Sau hơn 1 tuần, anh Tạng đưa tôi đến gặp cơ sở  đi thoát ly tham gia cách mạng...”.

Sau giải phóng, ông Báo làm Chủ tịch UBND xã Hoài Sơn. 2 năm sau vì sức khỏe yếu nên ông xin nghỉ hưu xã và là thương binh 4/4, tỷ lệ thương tật  24%. Bị địch bắt tù đày, bị đem đi bắn rồi thoát chết trong gang tấc, ròng rã gần 14 năm trời lăn lộn trong kháng chiến, lại thêm những vết thương, hòa bình, ông lại về nơi mình sinh ra lớn lên. Những gian khó cuộc đời, khi trái gió trở trời vết thương lại hành hạ, nhưng ông  lại cố nén vượt qua, ngày tết, ngày 27-7, ngày 25-9 hằng năm ông lại đến nghĩa trang liệt sĩ, đến Ngã Ba Đình để thắp nén nhang tưởng nhớ hương hồn đồng chí, đồng đội đã vĩnh viễn ra đi...

Bài, ảnh: Minh Hoàng -  Hồng Thư