Người ta bán buôn hồn văn hóa
(Cadn.com.vn) - Đối với bà con dân tộc Cơ Tu, chum, ché là những vật dụng vô cùng quý, nó như “thước đo” sự giàu nghèo, là của hồi môn để dành khi con cái đi lấy chồng. Vì thế, người Cơ Tu gìn giữ chum, ché rất cẩn thận, có cái đến nay đã hơn 100 năm. Vậy nhưng gần đây, nhiều gia đình Cơ Tu ở các huyện Đông Giang và Tây Giang (Quảng Nam) có nguy cơ mất đi những chum, ché cổ xưa ấy, khi có nhiều người tìm đến mua với giá rất cao.
Cơn sốt chum, ché cổ
Thông tin gia đình Bling Khâm, ở thôn Azung (trú xã Arooi, H. Đông Giang) mới đây đã bán một cái ché với giá 60 triệu đồng đã làm cho người dân của xã Arooi như lên cơn sốt. Đi đến đâu cũng nghe người dân bàn tán xôn xao về việc bán, mua chum ché. Cho dù đó là ở TT Prao hay là bản làng nằm lọt thỏm giữa núi cao, nơi đâu cũng thấy người dưới xuôi lên lùng sục tìm mua. Tôi theo anh Hôih Bảy, cán bộ văn hóa xã Arooi vượt dốc đến với thôn TuNgung, nơi còn lưu giữ nhiều chum ché cổ.
Con đường dẫn đến thôn này rất khó đi, phải mất hơn nửa tiếng đồng hồ cho quãng đường vài cây số, ấy vậy mà khi tôi đến đã thấy có người lân la hỏi mua chum ché. “Mình nói không bán rồi mà cứ đến hỏi miết. Về đi, không bán!” - già Bling Clức tỏ ra bực mình khi thấy người đàn ông lạ đến nài nỉ mua ché cổ. Quay qua tôi, già Blức giải thích: “Nó đến nhà mình nhiều lần rồi, lúc nào cũng đòi mua cái ché mà mình quý nhất với giá 60 triệu đồng. Mình không biết nó mua về làm chi?”.
Ở thôn TuNgung, nhà của già Blức là có nhiều chum ché nhất, tất cả lớn nhỏ gần trăm chiếc. Già Blức kể rằng, số chum, ché này đã được gia đình truyền giữ qua nhiều đời, có cái đã gấp đôi tuổi của già. Và già cương quyết không bán vì đó là vật quý của ông cha để lại. Thế nhưng giờ đây, già Blức cũng đang phân vân: “Mỗi lần đến mua là nó (người mua ché – P.V) trả giá cao hơn lần trước. Thằng con trai của mình đang đòi mua chiếc xe máy, chắc phải bán một cái mới có tiền mua xe cho nó” - già trầm ngâm.
![]() |
Cơn sốt lùng mua chum, ché đã rộ lên ở các bản làng H. Đông Giang từ vài năm nay. Người đến lùng mua chỉ “ngắm nghía” những chiếc chum, ché có tuổi đời hơn trăm năm, hoa văn đẹp. Ban đầu, người dân ở đây thấy có ai đến hỏi mua chum, ché thì chẳng thèm tiếp, nhưng khi các thương lái đẩy giá lên cao thì mọi chuyện đã khác.
Anh Hôih Bảy cho biết, riêng trên địa bản xã Arooi đã có gần chục chiếc chum, ché cổ đã bán đi và nhiều chum, ché cổ khác có nguy cơ biến mất khỏi không gian núi rừng: “Chỉ cần bán một cái thôi sẽ giàu hơn gia đình có nhiều trâu bò và sắm sửa được mọi thứ. Giờ người dân đang chờ giá cao hơn nữa” - anh Bảy nói. Nhà chị Arất Thị Dai (trú thôn Abung) có đến 3 chiếc ché cổ, được các thương lái đến định giá gần 200 triệu đồng nhưng chị chưa bán. Chị nói: “Nhà mình chỉ có 3 cái này là người ta đòi mua thôi, mình chờ đến lúc nào giá lên nữa rồi mới bán”.
![]() |
Già Alăng Thị Chông bên những ché cổ của mình. |
Mai này chum, ché có còn?
Đối với đồng bào dân tộc Cơ Tu, họ xem chum, ché như là một báu vật, là vật trang trí không thể thiếu, gắn liền với phong tục tập quán, đời sống văn hóa, tinh thần, đặc biệt nó còn thể hiện sự giàu có và quyền lực. Khi con gái đi lấy chồng thì người nhà gái cũng chỉ thách cưới bằng chum, ché nếu không có thì rất khó cưới được vợ. Và lúc cho con ra ở riêng thì cha mẹ cũng chia chum ché cho, xem đó là của hồi môn không thể thiếu.
Chính vì vậy nên chum, ché có ý nghĩa rất lớn đối với văn hóa của người Cơ Tu. Già Alăng Thị Chông (thôn TuNgung) kể: “Lúc vợ chồng ra ở riêng thì được chia cho 2 cái ché, cha mẹ dặn không được bán vì nó đã được truyền qua mấy đời. Hôm trước, có mấy người đến hỏi mua, nhưng mình không bán vì đây là của hồi môn mà”.
![]() |
Người Cơ Tu có rất nhiều chum ché, nhưng thương lái chỉ nhắm đến chum ché cổ. |
Trước đây, ché được đồng bào Cơ Tu trao đổi bằng rất nhiều thứ, có khi là trâu bò, có khi chỉ là một gùi sắn. Nhưng bây giờ, giá của chum ché cổ trở thành gia tài lớn cho bất cứ ai sở hữu nó. Và một điều hiển nhiên, bỏ ra số tiền lớn để đi mua ché thì chắc chắn các thương lái đều có mục đích kiếm lời, chứ không phải để về “ngắm” như họ vẫn thường gạ gẫm người dân. Các thương lái mua chum, ché về để bán lại cho các đại gia thích chơi đồ cổ và cái giá khi đã chuyển được về xuôi thì lúc nào cũng cao ngất ngưởng.
Điều đáng nói là họ chỉ chọn mua những ché có hoa văn tinh sảo, được làm ra cách đây hàng trăm năm. Vì thế mà nguy cơ mất đi vĩnh viễn những chum, ché cổ mang hồn của văn hóa Cơ Tu là điều rất dễ xảy ra. Trao đổi với tôi về cơn sốt mua bán chum, ché trên địa bàn H. Đông Giang, ông Nguyễn Quang Khởi - Phó phòng Văn Hóa - Thông tin huyện cho biết: huyện vẫn chưa có cuộc khảo sát nào về số chum, ché cổ có trên địa bàn và cũng không thể cấm người dân bán, chỉ khuyến khích giữ lại các cổ vật đó.
Khi chuẩn bị rời thôn TuNgung, già Alăng Thị Chông mang cho tôi xem cái ché cổ, giọng trầm ngâm: “Bây giờ phong tục ở đây đã thay đổi nhiều nên người dân không dùng chum, ché thách cưới nữa nên mới có người đem bán đi. Nhìn thấy cảnh ấy, già buồn lắm”. Tôi hiểu cảm giác của già Chông, bởi nếu lỡ sau này chum ché cổ bán hết đi thì chắc hẳn cái hồn văn hóa ấy sẽ mất đi ít nhiều.
Bài, ảnh: Lưu Hoàng Anh