Người thích làm chuyện... bao đồng!
Người dân ở thôn Phước Hưng và Phước Thuận, xã Hòa Nhơn (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) thường gọi chị Nguyễn Thị Lan (1971), trú Phước Thuận, Hòa Nhơn bằng cái biệt hiệu là Lan “khùng”. Lý giải về cái tên mà mọi người đặt cho mình, chị Lan mỉm cười, bảo: Vì tôi thường làm những chuyện... khùng... khùng ấy mà!.
Chị Lan đang chăm sóc cho bà Tường. |
Thật ra, biệt hiệu trước đây của chị là Lan lá chuối vì chị mưu sinh bằng nghề mua lá chuối của người dân địa phương mang ra nội đô bán cho những người chuyên gói bánh chưng, bánh tét. Với mặt hàng này, dù lợi nhuận không cao nhưng cũng đủ giúp chị cùng chồng nuôi dạy 4 đứa con ăn học. Cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đều đặn hàng tháng, chị Lan vẫn dành thời gian lên chùa cùng các Phật tử khác làm công tác thiện nguyện, giúp những mảnh đời bất hạnh. Đầu năm 2016, trong một lần từ nhà sang thôn Phước Hưng mua lá chuối về bán, trực tiếp chứng kiến cảnh bà Phan Thị Tường (1950) bị bệnh tai biến mạch máu não và một số chứng bệnh khác từ năm 1987 đến nay phải nằm một chỗ nhưng không tiền để chữa trị, không có cả người chăm sóc, chị Lan nghĩ cách giúp đỡ.
Hoàn cảnh gia đình bà Tường thật đáng thương. Dù 3 người con đã lớn, lập gia đình nhưng không có nghề nghiệp ổn định nên phải vào Nam mưu sinh. Dù chịu thương, chịu khó nhưng cuộc sống nơi xứ người vô vàn những khó khăn nên cả năm vẫn không đủ lộ phí về thăm quê và lại càng không có điều kiện chăm sóc, chu cấp người mẹ bệnh nặng nơi quê nhà. Riêng người chồng là ông Lê Tấn Lực (1953), không có công việc ổn định. Hàng tháng, họa hoằn lắm mới có người trong thôn nhờ làm công việc bửa củi dăm ba bữa và kiếm được vài trăm ngàn đồng vừa đủ tiền mua gạo. Cảm thông cho hoàn cảnh của bà Tường, hàng ngày chị Lan sắp xếp công việc sang chăm sóc. Đều đặn, mỗi sáng chị mua cháo, buổi trưa, buổi chiều lại mang cơm sang, bón từng thìa cho bà Tường và lo chuyện vệ sinh cá nhân cho bà. Ban đầu, biết vợ lo chuyện bao đồng, anh Phan Văn Anh (chồng chị Lan) tỏ ý kiến phản đối. Thế nhưng khi nghe vợ thuyết phục và trực tiếp chứng kiến hoàn cảnh đáng thương của bà Tường, từ chỗ không đồng ý chuyển sang cảm thông, anh chồng động viên và những lúc rỗi rảnh công việc lại phụ giúp vợ chăm sóc bà Tường một cách chu đáo. Nhờ được chăm sóc kỷ lưỡng, tận tình nên từ chỗ phải nằm liệt giường..., đến nay bà Phan Thị Tường có thể cử động, tự ngồi dậy. Ngoài việc lo cơm cháo, tắm giặt hàng ngày, mỗi tháng chị Lan hỗ trợ hơn 500.000 đồng mua thuốc cho bà Tường.
Ông Nguyễn Đăng Thời, trú Phước Hưng, xã Hòa Nhơn nhận xét: “Nghĩa cử của vợ chồng chị Lan thật đáng trân trọng và ghi nhận. Cũng từ những hành động đẹp của chị Lan, từ tháng 1-2018 đến nay chính quyền địa phương đã quyết định trợ cấp cho vợ chồng bà Tường 945.000 đồng/tháng”.
Ngoài việc nhận, thường xuyên chăm sóc bà Tường, hàng tháng chị Lan còn tiết kiệm tiền lãi từ việc bán lá chuối mua quà tặng cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Cụ thể, gia đình bà Trần Thị Thi (1926), trú Phước Thuận, xã Hòa Nhơn. Đã bước qua tuổi 90 nhưng hàng ngày bà Thi vẫn lo chăm sóc cho con trai tên Huỳnh Bá Cầu (1972) bị bại liệt vì tai nạn lao động. Bản thân anh Cầu khi sinh ra, lớn lên là một thanh niên khỏe mạnh, tháo vát nhưng không gặp may trên con đường tình cảm. Năm 2005, khi lập gia đình vừa tròn 1 năm thì vợ bỏ đi, một thân anh vất vả làm lụng lo phụng dưỡng mẹ già. Thế nhưng, năm 2012 khi đang làm công nhân tại mỏ đá Trường Bản (Hòa Nhơn), do bất cẩn anh bị gàu của xe múc đá va vào đầu gây chấn thương sọ não. Từ một thanh niên khỏe mạnh, anh Cầu trở thành kẻ tàn phế và mọi sinh hoạt đều phải nhờ bàn tay của người mẹ già. Thương cho hoàn cảnh của mẹ con bà Thi, chị Lan thường xuyên tặng quà, động viên...
Dù không phải là máu mủ, ruột rà nhưng hành động của chị Nguyễn Thị Lan và gia đình đối với những trường hợp không may là một nghĩa cử đẹp và đáng trân trọng. Hy vọng, mọi người sẽ chung tay, góp sức cùng chị Lan để những phận đời bất hạnh như bà Tường, bà Thi vơi đi những nỗi nhọc nhằn...
M.T