TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Người thử việc bị tai nạn lao động thì có được hướng các chế độ tai nạn lao động không?

Thứ năm, 02/05/2024 10:34
*Bạn đọc hỏi: chị Tr., trú Q.Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng), hỏi: Tôi được nhận vào thử việc thời hạn 2 tháng tại Công ty X. với công việc thao tác máy. Trong quá trình làm việc tại Công ty, tôi bị tai nạn lao động (TNLĐ) mất một ngón tay và được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, các chi phí phát sinh, thuốc men do BHYT và cá nhân của tôi tự chi trả, Công ty X. không có chính sách hỗ trợ, bồi thường gì cho tôi cả. Khi tôi thắc mắc thì công ty này trả lời rằng do tôi là người đang thử việc, chưa ký HĐLĐ chính thức, chưa đóng BHXH nên tôi sẽ không được hưởng tiền bồi thường TNLĐ cũng như các chế độ khác dành cho người lao động chính thức. Cho tôi hỏi Công ty X. trả lời như vậy có chính xác không, trường hợp của tôi có thể được hưởng những chế độ về TNLĐ hay không?
Luật sư Đặng Văn Vương
Luật sư Đặng Văn Vương

*Luật sư Đặng Văn Vương – Phó trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners kiêm Trưởng chi nhánh Cẩm Lệ (Đà Nẵng) trả lời:

Pháp luật Việt Nam hiện nay đã có những quy định rõ ràng về nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và chế độ cho người lao động khi xảy ra TNLĐ, bao gồm cả người thử việc, người học nghề, tập nghề... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như thiếu hiểu biết pháp luật, thủ tục rườm rà, hay thiếu bằng chứng chứng minh, dẫn đến người lao động (bao gồm cả người thử việc, người học nghề, tập nghề) thường gặp khó khăn trong việc hưởng đầy đủ các quyền lợi khi gặp TNLĐ.

1. Công ty X. trả lời “do chị Tr. là người thử việc nên không được hưởng các chế độ, quyền lợi khi bị TNLĐ” có chính xác không?

Luật An toàn vệ sinh lao động 2015

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; người thử việc; người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động.

2. Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.

3. Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

4. Người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng; người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

5. Người sử dụng lao động.

6. Cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Những người quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này sau đây gọi chung là người lao động.

Điều 70. An toàn, vệ sinh lao động đối với học sinh, sinh viên, người học nghề, tập nghề, thử việc

2. Người sử dụng lao động chịu trách nhiệm thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh lao động đối với người học nghề, tập nghề, thử việc như đối với người lao động tại luật này, kể cả trường hợp bị TNLĐ.

Tại Điều 2 và Điều 70 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 nêu trên, khi xảy ra TNLĐ đối với người thử việc thì người sử dụng lao động chịu trách nhiệm thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh lao động (bao gồm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ TNLĐ và các chế độ khác) như đối với lao động chính thức.

Đối chiếu với trường hợp của chị Tr., Công ty X. trả lời như vậy là chưa đúng quy định pháp luật. Bởi lẽ, dù là người thử việc nhưng khi xảy ra TNLĐ thì Công ty X. phải chịu trách nhiệm với chị Tr., phải giải quyết đầy đủ chế độ TNLĐ như một người lao động chính thức của Công ty X. Do đó, chị cần liên hệ Công ty X. và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để được hướng dẫn, hỗ trợ hưởng những chế độ này.

2. Các khoản tiền bồi thường, hỗ trợ và chế độ mà chị Tr. sẽ được hưởng khi bị TNLĐ ?

Luật An toàn vệ sinh lao động 2015

Điều 38. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp

Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp như sau:

1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị TNLĐ và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị TNLĐ hoặc bệnh nghề nghiệp;

2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị TNLĐ hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:

a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;

b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;

c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;

3. Trả đủ tiền lương cho người lao động bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;

4. Bồi thường cho người lao động bị TNLĐ mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

5. Trợ cấp cho người lao động bị TNLĐ mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;

6. Giới thiệu để người lao động bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;

7. Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra TNLĐ công bố biên bản điều tra TNLĐ đối với các vụ tai nạn lao động chết người;

8. Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;

9. Lập hồ sơ hưởng chế độ về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 3 Chương này;

10. Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương trả cho người lao động nghỉ việc do bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp được quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

11. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết các khoản 3, 4 và 5 Điều này.

Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Luật an toàn vệ sinh lao động về chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Điều 3. Bồi thường TNLĐ, bệnh nghề nghiệp

1. Các trường hợp được bồi thường:

a) Người lao động bị TNLĐ làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết do TNLĐ mà không hoàn toàn do lỗi của chính người lao động này gây ra; trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 4 của Thông tư này.

Điều 4. Trợ cấp TNLĐ

1. Người lao động bị TNLĐ làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc thân nhân người lao động bị chết do TNLĐ được hưởng chế độ trợ cấp TNLĐ, nếu nguyên nhân xảy ra TNLĐ hoàn toàn do lỗi của chính người lao động bị nạn gây ra (căn cứ theo kết luận của biên bản điều tra TNLĐ).

Như vậy, Công ty X. phải chịu trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ TNLĐ và giải quyết các chế độ khác về TNLĐ cho chị Tr. như dưới đây:

Thanh toán toàn bộ chi phí y tế hợp lý từ khi sơ cứu, cấp cứu, điều trị nội trú tại bệnh viện và ngoại trú đến khi sức khỏe chị Tr. ổn định, mà không nằm trong danh mục do BHYT chi trả (do chị Tr. là đối tượng tham gia BHYT);

Trả đủ tiền lương cho thời gian chị phải nghỉ việc điều trị, phục hồi chức năng do TNLĐ;

Bồi thường TNLĐ hoặc trợ cấp TNLĐ: nếu chị Tr. bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên và TNLĐ xảy ra không hoàn toàn do lỗi xuất phát từ chị thì chị sẽ được bồi thường TNLĐ. Ngược lại, nếu TNLĐ hoàn toàn do lỗi của chị Tr. (căn cứ theo kết luận của biên bản điều tra TNLĐ) thì lúc này chị sẽ được hưởng trợ cấp TNLĐ. Mức bồi thường, hỗ trợ cụ thể được quy định tại Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Luật An toàn, vệ sinh lao động về chế độ đối với người lao động bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp;

Giới thiệu để chị Tr. được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;

Được Công ty X. sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa nếu chị Tr. còn tiếp tục làm việc;

Lập hồ sơ hưởng chế độ về TNLĐ từ Quỹ bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp (nếu có tham gia BHXH).

3. Chị Tr. cần làm gì để bảo đảm quyền lợi của mình

Bộ luật Lao động 2019

Điều 187. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bao gồm:

1. Hòa giải viên lao động;

2. Hội đồng trọng tài lao động;

3. Tòa án nhân dân.

Điều 188. Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động

1. Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

e) Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.

Như chị Tr. trình bày, phía Công ty X. không đồng ý bồi thường, hỗ trợ và giải quyết các chế độ TNLĐ khác cho chị thì để bảo đảm quyền lợi của mình, chị Tr. cần:

Trước tiên, trao đổi, kiến nghị trực tiếp với lãnh đạo Công ty X. để yêu cầu chi trả bồi thường, hỗ trợ TNLĐ cũng như các chế độ khác cho chị theo quy định pháp luật.

Chị có quyền liên hệ (làm đơn kiến nghị) các tổ chức bảo vệ quyền lợi người lao động gồm Công đoàn của Công ty X., Liên đoàn Lao động Q.Cẩm Lệ, Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng để can thiệp giải quyết. Đồng thời, chị có quyền gửi đơn phản ánh đến Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng về vụ TNLĐ để Cơ quan thanh tra xác định nguyên nhân TNLĐ, kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc của Công ty X., xử lý vi phạm hành chính nếu có và bảo vệ quyền lợi cho chị.

Nếu chế độ của chị vẫn chưa được Công ty X. giải quyết một cách thoả đáng, thì chị gửi Đơn yêu cầu hòa giải đến Hòa giải viên lao động thuộc Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội Q.Cẩm Lệ để thực hiện thủ tục hoà giải cơ sở.

Nếu hòa giải cơ sở của Hòa giải viên lao động không mang lại kết quả thì chị có quyền lựa chọn Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết bảo vệ quyền lợi của chị.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425