Có thể thế chấp quyền đòi nợ cho ngân hàng để vay vốn?
*Luật sư Phan Thụy Khanh, Phó trưởng Văn phòng luật sư Phong & Partners – Trưởng Chi nhánh Sơn Trà, trả lời:
1. Quyền đòi nợ có được phép thế chấp?
Mong muốn của Công ty anh Võ Văn Thiện tuy không thường gặp nhưng đã được pháp luật quy định khá rõ. Cụ thể, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về tài sản và việc thế chấp về tài sản như sau:
“Điều 105. Tài sản
1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”.
Điều 115. Quyền tài sản
Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”.
“Điều 317. Thế chấp tài sản
1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).
2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp”.
Ngoài ra, Điều 14 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định về thế chấp quyền đòi nợ như sau:
“Điều 14. Quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng
Bên có quyền trong hợp đồng được dùng quyền đòi nợ, các khoản phải thu, quyền yêu cầu thanh toán khác; quyền khai thác, quản lý dự án đầu tư; quyền cho thuê, cho thuê lại; quyền hưởng hoa lợi, lợi tức, lợi ích khác trị giá được bằng tiền hình thành từ hợp đồng; quyền được bồi thường thiệt hại; quyền khác trị giá được bằng tiền phát sinh từ hợp đồng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”.
Theo đó, Công ty H.T đang nợ Công ty anh Thiện số tiền là 2.500.000.000 đồng. Vì số tiền nợ trên phát sinh từ hợp đồng mua bán giữa các bên nhưng Công ty H.T chưa thực hiện xong nghĩa vụ nên số nợ trên trở thành quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng và Công ty anh Thiện trở thành người có quyền với quyền tài sản này. Đồng thời, đối chiếu những quy định trên, có thể thấy thế chấp là việc một bên dùng tài sản do mình sở hữu để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, các bên có thể thỏa thuận việc giao hoặc không giao tài sản khi thực hiện biện pháp bảo đảm. Do quyền đòi nợ là tài sản thuộc quyền sở hữu của Công ty anh Thiện nên anh Thiện được quyền thế chấp quyền đòi nợ cho tổ chức tín dụng (ngân hàng) theo quy định pháp luật.
2. Quy định về thông báo thế chấp và thủ tục thế chấp quyền đòi nợ
Tại Điều 33 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định việc thế chấp bằng quyền đòi nợ, khoản phải thu, quyền yêu cầu thanh toán khác như sau:
“Điều 33. Việc thế chấp bằng quyền đòi nợ, khoản phải thu, quyền yêu cầu thanh toán khác
Việc thế chấp bằng quyền đòi nợ, khoản phải thu, quyền yêu cầu thanh toán khác không cần có sự đồng ý của người có nghĩa vụ nhưng người này phải được bên nhận thế chấp thông báo để biết trước khi thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật”.
Theo quy định trên, Công ty anh Thiện có quyền thế chấp khoản công nợ trên cho ngân hàng mà không cần có sự đồng ý của Công ty H.T; nhưng bên nhận thế chấp (ngân hàng) phải thông báo cho Công ty H.T biết về việc Công ty anh Thiện sẽ thực hiện việc thế chấp khoản công nợ cho Ngân hàng.
Thủ tục đăng ký quyền đòi nợ tại Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản (Trung tâm Đăng ký) của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp được quy định tại Thông tư 08/2018/TT-BTP hướng dẫn một số vấn đề về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng và trao đổi thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm tại các Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 06/2020/TT-BTP như sau:
“Điều 6. Tài sản thuộc trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm, hợp đồng
7.Các quyền tài sản gồm:
c) Quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng bao gồm quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán, quyền thụ hưởng lợi ích hình thành từ hợp đồng, quyền khai thác, quản lý dự án, quyền được bồi thường thiệt hại theo hợp đồng hoặc quyền tài sản khác trị giá được bằng tiền phát sinh từ hợp đồng (trừ quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, quyền sở hữu hoặc quyền khác phải đăng ký đối với tàu bay, tàu biển theo quy định của pháp luật về hàng không, hàng hải); quyền thụ hưởng bảo hiểm; quyền được bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”.
“Điều 9. Kê khai thông tin trên Phiếu yêu cầu đăng ký và trên Biểu mẫu điện tử tương tác của hệ thống đăng ký trực tuyến
1.Thông tin về bên bảo đảm, bên mua tài sản có bảo lưu quyền sở hữu, bên thuê tài sản, bên thuê tài chính, bên chuyển giao quyền đòi nợ, bên nhận ký gửi hàng hóa (sau đây gọi là bên bảo đảm) được kê khai như sau:
g) Đối với pháp nhân được thành lập theo pháp luật Việt Nam thì kê khai tên và mã số thuế do cơ quan thuế cấp; trường hợp pháp nhân không có mã số thuế thì kê khai theo hướng dẫn tại điểm k khoản này;
l) Địa chỉ của bên bảo đảm.
2.Thông tin về bên nhận bảo đảm, bên bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu, bên cho thuê tài sản, bên cho thuê tài chính, bên nhận chuyển giao quyền đòi nợ, bên ký gửi hàng hóa (sau đây gọi là bên nhận bảo đảm) được kê khai như sau:
a) Tên của bên nhận bảo đảm;
b) Địa chỉ của bên nhận bảo đảm.
3. Thông tin về bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm là cá nhân, pháp nhân Việt Nam và tài sản bảo đảm phải kê khai bằng tiếng Việt có dấu, trừ trường hợp tài sản bảo đảm có tên riêng bằng tiếng nước ngoài.
4. Người yêu cầu đăng ký chỉ kê khai một số hợp đồng và một thời điểm ký kết của hợp đồng đó tại mục “Số hợp đồng” trên Phiếu yêu cầu đăng ký hoặc trên Biểu mẫu điện tử tương tác của hệ thống đăng ký trực tuyến…”
Mặc dù pháp luật có quy định khá rõ về vấn đề này, nhưng anh Thiện cần lưu ý thêm rằng, các tổ chức tín dụng cần phải đánh giá rủi ro khi cho vay và nhận thế chấp đối với các khoản nợ. Do đó, về mặt thực tiễn, đối với khoản nợ như vậy khó có tổ chức tín dụng nào nhận thế chấp để cho vay.
Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425