Nguy cơ thất học vì... thoát nghèo!?

Thứ tư, 06/12/2017 11:16

Theo Quyết định 50 và 582 của Thủ tướng Chính phủ ngày 28-4-2017 phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn, các xã khu vực 3, 2, 1, vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 trên phạm vi nhiều tỉnh cả nước, Tây Giang, huyện biên giới tỉnh Quảng Nam có nhiều thôn, xã đảm bảo tiêu chí "thoát nghèo". Tuy nhiên, chiếu theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 18-7-2016, quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, thì cả huyện có tới hàng trăm em học sinh có nguy cơ phải nghỉ học, vì không có điều kiện tới trường...

Đường lên thôn Aunr, Tây Giang (Quảng Nam). 

Nỗi lo thoát nghèo

Ông Arất BLúi-Phó Chủ tịch H. Tây Giang đưa cho tôi xem danh sách hơn 250 học sinh bán trú trên toàn huyện, từ đầu năm học 2017-2018 này không còn được hưởng chế độ hỗ trợ theo NĐ116/2016,  do có hộ khẩu thường trú tại các thôn không đặc biệt khó khăn... Cụ thể, trường Phổ thông dân tộc bán trú  180 em; trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Bhalêê 33 em; trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Bá Ngọc 41 em... Trước đây theo quy định NĐ116/CP, các em được hỗ trợ 520 nghìn đồng và 15 kg gạo một tháng, bây giờ thì không còn gì nữa. Tại điều 4, NĐ116 quy định về điều kiện học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ, đối với học sinh tiểu học và THCS nêu rõ: "Là học sinh bán trú đang học ở các trường dân tộc bán trú... Có hộ khẩu thường trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn... Nhà ở xa trường 4km đối với học sinh tiểu học, 7km đối với học sinh THCS, địa hình cách trở, giao thông đi lại khó  khăn, phải qua sông, suối  không có cầu, qua đèo, núi cao, qua vùng sạt lở...". Như vậy, toàn bộ danh sách hơn 250 em học sinh kể trên đều nằm trong điều kiện này.

Tây Giang là huyện có 8/10 xã thuộc vùng núi cao biên giới,  gần 100% làng đồng bào dân tộc Cơ Tu, giao thông cách trở, thuộc nhóm huyện nghèo nhất nước. Trong những năm qua, chính quyền và nhân dân đã có nhiều nỗ lực trên các lĩnh vực, nhằm xóa đói, giảm nghèo, cải thiện, nâng cao đời sống cho nhân dân, nhưng thực sự tính ổn định chưa bền vững. Ông BLúi dẫn chứng, ví dụ như xã A Nông, một xã biên giới trọng điểm, xét về tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thì A Nông đạt từ năm 2015, là xã đầu tiên hoàn thành chương trình nông thôn mới tại các địa phương miền núi Quảng Nam. Thế nhưng, xã nằm cách trung tâm huyện tới gần 20km, đường giao thông hiểm trở, cứ đến mùa mưa bão tình trạng sạt lở lại xảy ra, hệ thống điện sinh hoạt đứt gãy, trường trạm tốc mái, đổ tường... đấy là một trong những tiêu chí mà năm nào cũng phải lo khắc phục, khó có thể ổn định được. Hay như thôn Aunr, của xã A Vương, một thôn nằm giữa đại ngàn Trường Sơn, mất hơn nửa ngày đi bộ mới tới nơi,  không đường, không điện, không trạm y tế, người dân không được hưởng bất cứ một điều kiện sinh hoạt nào. Chỉ mỗi cái, điều kiện thiên nhiên ở đây ưu đãi, người dân không bị đói, vậy là khi khảo sát, đánh giá Aunr được xếp vào diện không còn "đặc biệt khó khăn", vì đã có hơn 55% số hộ dân thoát nghèo. Mà đã không còn "đặc biệt khó khăn", thì con em người dân ở Aunr không còn được hưởng chế độ hỗ trợ khi tới trường học bán trú nữa. Thành ra, thoát được nghèo thì con em lại có nguy cơ thất học, đây là tình trạng chung ở Tây Giang...

Các cô giáo trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (Tây Giang) chế biến thức ăn cho học sinh bán trú. 

Chính quyền, nhà trường... nuôi học sinh

Cô giáo Hồ Thị Tâm-Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi cho biết, năm học này trường có tới 180 học sinh không còn được hưởng chế độ hỗ trợ bán trú. Hầu hết các em đều ở các thôn rất xa trường, có nơi phải đi bộ đến 4 tiếng, đầu năm học, có hơn 60 em không đi học. Không thể để các em thất học, Chính quyền huyện, ngành giáo dục và các Ban ngành, đoàn thể đã triển khai họp gấp, bàn biện pháp khắc phục... Trước mắt, huyện trích kinh phí hỗ trợ mỗi em 360 nghìn đồng và 10kg gạo một tháng đến hết năm 2017. Nhà trường cũng khẩn trương tổ chức tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi lợn nhằm có nguồn thực phẩm cho bếp ăn của học sinh... Phối hợp với các Ban, ngành đoàn thể, liên hệ với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí mua giấy bút, chăn màn, xà phòng... cho các em. Cô giáo Tâm băn khoăn, từ giờ đến hết năm 2017, mọi thứ tạm ổn, còn sang năm 2018 thì chưa biết tính thế nào...!?

Ông Bling Mia-Chủ tịch H. Tây Giang cho biết,   UBND huyện vừa có Tờ trình gửi UBND tỉnh Quảng Nam, nêu rõ: Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều Chương trình, chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, góp phần tạo sự phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, năm 2016 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 50/2016/QĐ-TTg ngày 03-11-2016 về tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2016-2020, thay thế Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg ngày 18/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, thay thế Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19-9-2013 của Ủy ban Dân tộc về công nhận thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2015; Quyết định số 601/QĐ-UBDT ngày 29-10-2015 về công nhận bổ sung, điều chỉnh thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III vùng dân tộc và miền núi; Quyết định số 73/QĐ-UBDT ngày 29-02-2016 của Ủy ban Dân tộc về điều chỉnh xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi.  

Các em học sinh bán trú trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (Tây Giang) trong giờ đọc sách, báo. Ảnh: H.T

Hiện nay, trên địa bàn H. Tây Giang có 39/70 thôn đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, thực trạng các thôn đã thoát khỏi thôn đặc biệt khó khăn vẫn còn thiếu thốn rất nhiều như: Điện, đường, trường và các công trình dân sinh bức xúc khác; đồng thời, điều kiện đi lại, học tập của học sinh nơi đây còn quá khó khăn. Thực tế, H. Tây Giang là một trong các huyện nghèo được thụ hưởng các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết 30a/CP, cơ sở hạ tầng chưa thật sự phát triển, đời sống nhân dân còn nghèo, thu nhập không mang tính bền vững.   UBND H. Tây Giang  đề nghị UBND tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam quan tâm xem xét đề nghị Trung ương bổ sung thêm 18 thôn đã thoát khỏi thôn đặc biệt khó khăn (theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 27-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ) vào danh sách thôn đặc biệt khó khăn. Đồng thời, nâng xã Bhalêê, xã Lăng từ xã khu vực II lên xã khu vực III và xã Anông từ xã khu vực I lên xã khu vực II.

Chúng tôi nói vui với ông Bling Mia, thế là mình lại xin các thôn, xã đã thoát nghèo thành thôn, xã nghèo, nhưng thực tế phải vậy thôi, chưa  có cách nào khác ?!

Hồng Thanh