Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân & Hồi ký "40 năm Đi, Yêu và Viết"
Món quà kỷ niệm từ trái tim
Tại lễ ra mắt cuốn hồi ký với sự giao lưu của diễn giả - Nhà nghiên cứu lý luận phê bình Phạm Xuân Nguyên và MC Hạnh Anan cùng các nhà báo, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng là đồng nghiệp, bạn hữu, học trò và đông đảo bạn trẻ đam mê nghề báo, những sinh viên báo chí…, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ, "40 năm Đi, Yêu và Viết" được ông coi như là một cuốn hồi ký để đời, là "món quà kỷ niệm từ trái tim".
Viết lời dẫn cuốn sách, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ: "40 năm làm báo có rất nhiều câu chuyện vui buồn, đau đớn, xót xa, vinh quang có mà tủi nhục cũng có... Cả đời tôi gắn liền với cây bút, không văn thì thơ, rồi có tý múa may, vẽ vời, nói chung luôn làm cái gì đó để nói lên cảm xúc của mình chứ không chịu ngồi yên". Với độ dài 600 trang, cuốn sách gồm 4 phần: Chương I - Ký ức, con đường vào nghề (thời niên thiếu, thời học hành, thời sơ tán, thời tập viết văn thơ); Chương II - Một số phóng sự nổi bật của tác giả; Chương III - Những bài viết lý luận báo chí đang được bạn đọc quan tâm; Chương IV - Bài của các nhà báo, nhà văn, giảng viên báo chí nổi tiếng viết về nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. Thông qua dòng ký ức chân thực của tác giả, những ai yêu thích nghề báo, đam mê phóng sự, sinh viên báo chí, nhất là những người làm báo có thể dễ dàng tiếp cận kỹ năng tác nghiệp cần thiết, những bài học nghiệp vụ cũng như kinh nghiệm để viết một bài phóng sự hay, giàu ý nghĩa và hút mắt người đọc. Hơn tất cả, khác với những cuốn sách thông thường, "40 năm Đi, Yêu và Viết" được trình bày dưới dạng hồi ký, không thiên về lý thuyết mà tập trung khai thác sâu thực tế, tái hiện những gì chân thực, đời thường nhất trong ký ức, trí nhớ của tác giả.
Trái tim kết nối trái tim
Là bạn học phổ thông thời sơ tán chống Mỹ (1966 - 1969) Trường Nội trú số 1 Hà Nội của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, có mặt tại buổi ra mắt và giao lưu, ông Nguyễn Hữu Vụ bộc lộ cảm xúc tự hào xen lẫn bồi hồi. Ông cho biết, đặc biệt ấn tượng và xúc động bởi ba từ "đi", "yêu" và "viết" mà nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã đặt cho cuốn hồi ký, nó đã giúp ông nhớ lại về một thời tuổi trẻ, tuổi thơ - có những lúc dữ dội, có lúc êm đềm để rồi giờ đây, khi gặp lại nhau, cả hai cũng đã gần 70 tuổi. Ông kể: "Sau 50 năm, ký ức của tôi cũng mờ nhạt về hình ảnh thực rồi, nhưng trong tâm trí thì lúc nào cũng nhớ đến bạn. Trong trí nhớ của tôi, Nhân là người bạn có thân hình nhỏ bé, rất hiền hòa và vui vẻ. Nhân là học sinh của trường năng khiếu Hà Nội lớp vẽ. Trong hồi tưởng của tôi hiện lên hình dung người bạn đang ngồi trước cái giá vẽ, có một bức tranh về làng quê, về thiếu nhi được các thầy cô vừa đi theo dạy hội họa, vừa dạy chữ, đạo lý cuộc sống". Trong tâm trạng xúc động, ông mong muốn người bạn của mình - nhà báo Huỳnh Dũng Nhân có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho việc viết sách, truyền kinh nghiệm của mình cho thế hệ trẻ.
Là học trò của nhà báo, nhà giáo Huỳnh Dũng Nhân cách đây 20 năm, chị Hoài Nam - học trò K43 Báo chí, cựu sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (TP Hồ Chí Minh) cho biết, chị vô cùng xúc động khi thầy ra mắt cuốn sách mới. "Cuộc gặp gỡ của thầy với tôi đã cách đây hơn 20 năm rồi. Đây không phải cuốn sách đầu tiên nhưng là cuốn sách cô đọng nhất trong suốt cuộc đời làm báo của thầy. Tôi cảm thấy rất vui mừng, hãnh diện vì ở độ tuổi này rồi mà thầy vẫn ra được những cuốn sách vô cùng giá trị cho ngành. Trước đây, thầy có rất nhiều cuốn sách và đều được đón đọc tích cực. Có thể nói, "40 năm Đi, Yêu và Viết" là một dấu ấn tuyệt vời và tôi vinh dự khi được trở thành học trò của thầy để hôm nay lại được thấy ở tuổi này thầy có những cuốn sách giá trị, nhân văn đến vậy!"- chị Hoài Nam chia sẻ thêm.
Dự và lắng nghe những chia sẻ về chuyện nghề, chuyện đời của nhà báo lão thành kỳ cựu Huỳnh Dũng Nhân, em Đoàn Thu Thủy - sinh viên lớp K66 Báo chí Chất lượng cao, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Hà Nội) xúc động thổ lộ: "Được tham gia buổi ra mắt sách của bác - nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, được nghe bác chia sẻ rất nhiều câu chuyện về hành trình tác nghiệp làm báo, về những câu chuyện đời, chuyện nghề cũng như giao lưu, đặt câu hỏi đã giúp em - một sinh viên ngành báo cảm thấy yêu nghề hơn. Bài học mà em rút ra được là làm báo phải "liều", phải dấn thân, chịu khổ cực đắng cay thì mới có chất liệu để tạo nên được những bài báo hay. Và điều quan trọng nhất là phải đặt yếu tố con người, yếu tố nhân văn lên hàng đầu, phải tìm ra những điều, những thứ tốt đẹp nhất bên trong con người để khai thác".
Minh Hằng
Quê nội Bến Tre, quê ngoại Kiên Giang, nhưng Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (1955) lại sinh ra tại Thanh Hóa khi ba mẹ từ Nam tập kết ra Bắc. Lớn lên tại Hà Nội, đến năm 1975, ông vào TP Hồ Chí Minh sinh sống và làm việc cho đến nay. Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã làm việc tại các báo Tuổi Trẻ, báo Lao Động. Ông đã từng là Phó ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam hai khóa, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh, Tổng biên tập Tạp chí Nghề báo. Ông cũng là giảng viên của Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam và giảng viên của khoa Báo chí Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh. Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân được định vị là một trong những cây bút phóng sự lừng lẫy, hàng đầu của Việt Nam, được bạn đọc ví là "con sói phóng sự" hay "vua phóng sự thời kỳ đổi mới". |