Nhà báo Jamal bị giết tại Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Thổ Nhĩ Kỳ?
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên ngày 7-10 cho biết, nhà báo phê bình nổi tiếng người Saudi Arabia Jamal Khashoggi đã bị sát hại tại Lãnh sự quán Saudi Arabia ở thành phố Istanbul trong tuần này. Một quan chức giấu tên của Lãnh sự quán Saudi Arabia đã bác bỏ cáo buộc.
Nhà báo Jamal Khashoggi. Ảnh: Reuters |
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay không cung cấp bằng chứng hay chi tiết về cách họ đi đến kết luận này. Trong khi đó, một quan chức giấu tên của Lãnh sự quán Saudi Arabia bác bỏ các cáo buộc trong cuộc phỏng vấn với cơ quan thông tấn Saudi Arabia SPA. "Vị quan chức này mạnh mẽ tố cáo những cáo buộc này là vô căn cứ và bày tỏ nghi ngờ đối với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ thông báo về việc điều tra hoặc được ủy quyền để bình luận về vấn đề này", SPA đưa tin. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, cơ quan này đang theo dõi tình hình nhưng không thể xác nhận các báo cáo về cái chết của Khashoggi vào lúc này.
Nhà báo Khashoggi mất tích kể từ khi ông bước vào Lãnh sự quán ở thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ hôm 2-10, vị hôn thê của ông và hai nguồn tin khác cho biết. Saudi Arabia bác bỏ bất kỳ liên quan đối với sự biến mất của ông Khashoggi, cho rằng những cáo buộc này là "sai". Một quan chức Saudi Arabia cho biết, ông Khashoggi rời khỏi Lãnh sự quán ngay sau khi ông đến thăm. Tuy nhiên, Riyadh không cung cấp bất kỳ cảnh quay giám sát nào hoặc bằng chứng chứng tỏ ông Khashoggi đã rời đi. Vị hôn thê của ông Khashoggi, hôm 6-10 viết trên Twitter: "Jamal không bị giết và tôi không tin rằng anh ấy đã bị giết". Cô đã đi cùng Khashoggi đến Lãnh sự quán hôm 2-10 nhưng đứng chờ ở bên ngoài và không bao giờ thấy anh xuất hiện lần nữa.
Điều tra của Thổ Nhĩ Kỳ
Hôm 6-10, Kênh truyền hình NTV của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, các công tố viên nước này bắt đầu điều tra vụ mất tích của nhà phê bình người Saudi Arabia Jamal Khashoggi, người đã mất tích 4 ngày sau khi vào Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul.
Sự biến mất của ông Khashoggi xảy ra giữa một làn sóng bắt giữ các nhà phê bình chính quyền Saudi Arabia về sự lãnh đạo của vương quốc này. Cuộc đàn áp nhắm mục tiêu các giáo sĩ, nhà báo, các nhà nghiên cứu và các nhà hoạt động, một số người đã bị giam giữ bên ngoài Saudi Arabia. Tuần trước, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng, ông Khashoggi vẫn ở trong Lãnh sự quán Saudi Arabia. Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ kiểm tra các máy quay giám sát trong khu vực và nói rằng, không có dấu hiệu nào cho thấy Khashoggi đã rời khỏi Lãnh sự quán.
Hôm 5-10, Thái tử Mohammed bin Salman cho biết, giới chức Saudi Arabia sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ khám xét Lãnh sự quán của vương quốc này tại Istanbul, sau khi giới chức hai nước đưa ra những lời giải thích mâu thuẫn với nhau về vụ mất tích của nhà báo trên. "Lãnh sự quán là lãnh thổ có chủ quyền, nhưng chúng tôi sẽ cho phép họ tiếp cận, tìm kiếm và làm bất cứ điều gì họ muốn làm. Chúng tôi không có gì phải che giấu", ông bin Salman nói với Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn ở Riyadh.
Ủy ban bảo vệ các nhà báo kêu gọi các quan chức Saudi Arabia nói những gì đã xảy ra với Khashoggi. "Các nhà chức trách Saudi Arabia phải ngay lập tức đưa ra một kết luận đầy đủ và đáng tin cậy về những gì đã xảy ra với Khashoggi bên trong cơ sở ngoại giao của mình", Phó Giám đốc điều hành Robert Mahoney nói. "Nước này đã đẩy mạnh việc đàn áp các nhà báo bất đồng chính kiến trong năm qua. Chúng tôi hy vọng điều này hiện chưa lan rộng ra nước ngoài", ông Mahoney nói thêm.
Chỉ trích Saudi Arabia
Nhà báo Khashoggi, người nổi tiếng với cuộc phỏng vấn với ông trùm khủng bố Osama bin Laden, là một thành viên trong hoàng gia Saudi Arabia trước khi ông rời khỏi nước này vào năm 2017 để đến Washington. Ông Khashoggi là người thường xuyên chỉ trích chính quyền Saudi Arabia về chính sách đối ngoại và việc đàn áp những người bất đồng chính kiến. Nhà báo này đã rời Saudi Arabia do lo sợ bị trả thù do quan điểm bất đồng của mình.
Sau khi đến Mỹ, ông bắt đầu đóng góp ý kiến cho tờ Washington Post, vốn chỉ trích các chính sách của Thái tử bin Salman, bao gồm cả việc củng cố quyền lực. Ông Khashoggi cho biết, Riyadh ra lệnh cho ông ngừng sử dụng Twitter sau khi ông viết bài cảnh báo sự nhiệt tình của các lãnh đạo saudi Arabia đối với ông Donald Trump, người sau đó đắc cử Tổng thống Mỹ. "Vì vậy, tôi dành 6 tháng im lặng. Vài năm trước, điều này gây đau đớn cho tôi khi một số đồng nghiệp của tôi bị bắt. Tôi không nói gì. Tôi không muốn mất việc và tôi lo cho gia đình của mình", ông viết trong một bản tin tháng 9-2017 trên tờ Washington Post có tựa đề "Saudi Arabia không phải lúc nào cũng áp bức. Bây giờ đã không thể chịu nổi".
Đồng nghiệp Jason Rezaian cho biết, ông đã "bị sốc và tức giận" khi nghe tin về cái chết của ông Khashoggi.
AN BÌNH