Nhận quà ảo, mất tiền thật

Thứ năm, 19/10/2017 15:03

Lừa đảo qua mạng Internet, nhất là các mạng xã hội như facebook, zalo đang diễn ra rất nhiều. Các cơ quan chức năng, truyền thông cảnh báo nhưng vẫn có nhiều người rơi vào bẫy của các đối tượng. Hơn thế, việc lừa đảo qua mạng hiện nay không chỉ do những người trong nước gây ra mà còn có cả người nước ngoài. Những câu chuyện chúng tôi tiếp tục kể cũng chỉ với mong muốn mọi người hãy cảnh giác.

 

Tây lừa ta

Tháng 7-2017, biết tiếng Anh, qua facebook, chị T.H (1965, trú Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng) quen một người đàn ông nước ngoài. Sau vài câu xã giao, người đàn ông này giới thiệu là Amanda Dikeh. Vài ngày sau, khi câu chuyện giữa hai người bắt đầu thân mật hơn thì Amanda Dikeh tỏ ý muốn gửi cho chị T.H một thùng quà và 20.000USD. Amanda Dikeh còn quay video việc bỏ quà, tiền vào một cái hộp để gửi về Việt Nam. Tin tưởng, chị T.H cho địa chỉ, số điện thoại liên lạc để Amanda Dikeh gửi quà về. Tuy nhiên, trước khi gửi quà, Amanda Dikeh không quên dặn chị T.H rằng: khi nhận quà thì phải trả 800USD cho Cty chuyển phát nhanh, đồng thời giới thiệu luôn tên nhân viên chuyển phát nhanh là Thảo.

Món quà và USD bạn trai từ phương Tây gửi vài ngày thì đã đến Việt Nam. Chị T.H nhận được điện thoại của một cô gái, xưng là Thảo, nhân viên của Cty chuyển phát nhanh, nhận chuyển món quà của anh Amanda Dikeh về Việt Nam cho chị T.H. Sau khi trao đổi, chị T.H được Thảo hướng dẫn nộp 900USD (tương đương với 18,2 triệu đồng) vào tài khoản có tên Nguyễn Thị Thanh Thảo. Tin lời, chị T.H đến một ngân hàng tại Q. Hải Châu để chuyển tiền và đợi quà về. Về phía nhân viên tên Thảo, sau khi xác nhận đã nhận được tiền của chị T.H chuyển thì lại thông báo: hiện món quà Amanda Dikeh gửi đang bị hải quan tạm giữ, nếu muốn lấy nhanh thì phải đóng phạt 3.000USD. Đến lúc này, chị T.H nhận ra rằng chuyện lừa đảo kiểu này hình như đã từng nghe đâu đó nên nhẹ nhàng nói không còn tiền và yêu cầu Thảo chuyển lại 18,2 triệu đồng nhưng phía bên kia tắt máy.

Tương tự, tháng 5-2017, qua hội facebook, chị N.T (trú Q. Hải Châu, Đà Nẵng) cũng nhận được lời đề nghị của một người đàn ông ngoại quốc xưng tên là Geo Will gửi một hộp quà, bên trong có tiền, vàng nhưng hiện đang bị cảnh sát tại Sân bay Tân Sơn Nhất giữ, chị N.T muốn lấy số quà nói trên thì chuyển 3.850USD vào tài khoản của Lê Minh Tiến để lấy quà. Tin đó là sự thật, cuối tháng 5-2017, chị N.T chuyển hơn 87 triệu đồng (tương đương 3.850USD) nhưng sau đó không tài nào liên lạc được với những người liên quan. Lúc này, chị N.T mới biết mình bị lừa và đến trình báo cơ quan CA.

Cũng được người từ phương Tây cho tiền, quà nhưng lần này là một phụ nữ có nhã ý gửi cho anh L.T (1993, trú Q. Sơn Trà, Đà Nẵng). Chuyện là anh L.T thường sử dụng email điện tử vì mục đích công việc. Một ngày cuối năm 2016, anh nhận được email có tên Harris Rohayati. Harris giới thiệu hiện mình sống ở Anh, đang bị bệnh nặng nên muốn làm chút việc thiện lúc cuối đời. Qua trò chuyện, Harris muốn chuyển cho anh L.T 2 triệu USD để lập quỹ từ thiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc chuyển tiền sẽ không phải qua tài khoản mà gửi bằng đường hàng không. Vài hôm sau, có một số người liên hệ với anh L.T, nói là trong quá trình chuyển 2 triệu USD từ Anh về Việt Nam thì bị hải quan sân bay giữ lại vì nghi ngờ. Nếu muốn nhận được số USD nói trên thì phải “làm luật”. Tin lời, anh L.T đã thực hiện theo chỉ dẫn của những người liên hệ với mình và 4 lần đi nộp tổng số tiền 132 triệu đồng vào các tài khoản do phía bà Harris cung cấp.

 

Cảnh giác mới an toàn

Thủ đoạn lừa đảo bằng công nghệ cao đã được cơ quan chức năng, các cơ quan báo chí tuyên truyền khá nhiều nhưng vẫn có nhiều người dân bị rơi vào bẫy. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có những người dân rất cảnh giác và đã không rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười. Ông N.B (1966, trú Q. Hải Châu) cho biết, tháng 9-2017, ông nhận được điện thoại thông báo về việc nợ cước điện thoại, sau đó những người này cho biết hiện ông đang liên quan đến một vụ việc mà CATPHCM đang điều tra. Những người này yêu cầu ông N.B nộp tiền vào tài khoản để “kiểm tra”. Tuy nhiên, do biết đây là thủ đoạn lừa đảo nên ông nhanh chóng trình báo với cơ quan CA.

Chị T.T.Đ (trú P. Hòa Cường Nam, Q. Hải Châu) bị một tài khoản nước ngoài gửi link ảo. Sau khi click vào thì tài khoản facebook của chị Đ. không đăng nhập được. Sau đó, chị Đ. được một số người thân thông báo là có người sử dụng nick của chị để mua hàng online, yêu cầu người thân gửi card điện thoại…

Để ngăn chặn nạn lừa đảo này, thời gian qua, CATP Đà Nẵng, CAQ Hải Châu và CA các đơn vị, địa phương đã tích cực vào cuộc. Trong đó, tại Q. Hải Châu đã làm rõ nhiều vụ, đưa các đối tượng ra xét xử trước pháp luật. Nhưng trên thực tế, nhiều người dân vì cả tin, vì lòng tham nên đã rơi vào tròng của các đối tượng lừa đảo. Theo Trung tá Trần Văn Khá - Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế CAQ Hải Châu, hiện đơn vị đang tiếp nhận và điều tra một số vụ việc liên quan đến lừa đảo qua các mạng xã hội, điện thoại... “Qua xác minh, chúng tôi xác định được, đối với các vụ lừa đảo có yếu tố nước ngoài, số tiền bị hại chuyển đều vào các tài khoản trong nước, nhưng sau đó bọn lừa đảo lại rút ở nước ngoài nên gây khó khăn cho công tác điều tra” - Trung tá Khá cho biết thêm.

Đại úy Đào Thị Hoàng Giang - Đội phó Đội CSKT CAQ Hải Châu cho biết, qua điều tra cho thấy, phần lớn trong các vụ lừa đảo do người nước ngoài gây ra mà đơn vị tiếp nhận là rơi vào những phụ nữ độc thân. Theo Đại úy Giang, hiện tượng lừa đảo với các hình thức như đã nói ở trên diễn ra khá nhiều, vì vậy người dân phải hết sức cảnh giác, tìm hiểu kỹ các nguồn thông tin và kịp thời trình báo cơ quan CA nếu có nghi vấn để tránh rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo.

NGUYỄN TUẤN

Tiền, phương tiện của nhóm đối tượng lừa đảo qua mạng được CAQ Hải Châu thu giữ. Cơ quan CA thu giữ một số thiết bị dùng để lừa đảo qua mạng.