Nhật - một năm "bận rộn" với ASEAN
(Cadn.com.vn) - Nhật Bản có một năm bận rộn trong việc tiếp cận với các nước ASEAN. Những nỗ lực của Tokyo sẽ tiếp tục trong năm 2014?
Trong tháng 12-2013, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hoàn thành một năm bận rộn với các hoạt động ngoại giao ở Châu Á khi tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản tại Tokyo. Hội nghị dường như là một nỗ lực nhằm củng cố các mối quan hệ vốn được hình thành thông qua chuyến thăm của ông Abe đến tất cả 10 nước ASEAN trong năm nay. Tại hội nghị, ông Abe cam kết chi thêm 1,65 tỷ USD hỗ trợ phát triển và các khoản vay đầu tư cho khu vực.
Tokyo cũng bảo đảm một tuyên bố chung với ASEAN, vốn đánh giá cao vai trò của Nhật Bản và "những nỗ lực của nước này trong việc đóng góp xây dựng nền hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực". Những nỗ lực của Nhật Bản trong việc thu hút ASEAN đem lại những lợi ích đáng kể cho Tokyo. Trong năm 2013, Tokyo giành được những chiến thắng nhỏ trong việc phục hồi năng lực hiện diện và ảnh hưởng ở Đông Nam Á.
Hai trong số các "chiến thắng" quan trọng mà Tokyo đạt được là do những tính toán sai lầm của Trung Quốc và chủ nghĩa cơ hội của Nhật Bản. Ví dụ đầu tiên là cơn bão Haiyan tàn phá Philippines vào đầu tháng 11. Trong khi Bắc Kinh keo kiệt Tokyo phản ứng mạnh mẽ, hỗ trợ hơn 50 triệu USD và triển khai 1.000 binh sĩ đến khu vực.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và lãnh đạo các nước ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN- Nhật Bản. Ảnh: AFP |
Chiến thắng thứ hai của Nhật là do chính Bắc Kinh gây ra khi tuyên bố lập ADIZ ở biển Hoa Đông. Dù ASEAN phản ứng khá thận trọng nhưng không có nghĩa là ASEAN đồng tình với động thái của Trung Quốc. Thật vậy, một số nước trong ASEAN vẫn lo ngại ADIZ ở biển Hoa Đông sẽ là tiền thân của việc áp dụng ADIZ ở biển Đông. Và ASEAN đang cẩn trọng theo dõi các tính toán và phản ứng từ Trung Quốc.
Tuy chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Bắc Kinh không thể "dọa" được Trung Quốc, trên sân khấu địa chính trị, hai sự kiện này vào tháng trước giúp thể hiện rõ hình ảnh của Nhật Bản trong khu vực. Ông Abe đã đặt trọng tâm vào mục tiêu ASEAN nhằm tăng cường sự tiếp cận của Nhật Bản với các thị trường mới.
Tất nhiên, qua đó đồng thời cũng làm giảm bớt ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh. Một ví dụ điển hình là quan hệ đối tác mới nổi lớn giữa Nhật Bản và Myanmar. Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ở Tokyo, ông Abe cam kết tăng thêm 600 triệu USD trong các khoản vay cho Myanmar, đưa tổng các khoản cho vay của Nhật Bản cho Naypyidaw trong năm nay lên gần 1,5 tỷ USD. Nhật Bản cũng giúp Myanmar xây dựng cơ sở hạ tầng và mạng lưới đường sắt nối thành phố lớn nhất nước này, Yangon, với các khu vực trong nước.
Myanmar là mục tiêu quan trọng trong mối quan hệ với ASEAN của Nhật Bản bởi Naypyidaw là Chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2014. Naypyidaw cũng rất quan trọng vì nước này vốn phụ thuộc vào Bắc Kinh từ xưa tới nay. Nhật Bản, cùng với Mỹ, Australia và Liên minh Châu Âu (EU) muốn điền vào vị trí này sau nhiều thập kỷ bá chủ của Trung Quốc. Tokyo cũng nhắm mục tiêu hai đối tác truyền thống khác của Bắc Kinh - Lào và Campuchia. Quan hệ giữa Tokyo với Vientiane và Phnom Penh đã bị tụt lại trong những năm gần đây. Và giờ đây, ông Abe dường như muốn thay đổi.
Điều này được chứng minh bởi chuyến thăm 3 ngày của ông đến Mê-Kông vào tháng 11, đồng thời cam kết tăng cường hợp tác an ninh hàng hải với Campuchia và phối hợp toàn diện với Lào về một loạt các vấn đề phát triển, quốc phòng và an ninh.
Tokyo hy vọng rằng mối quan hệ non trẻ với Naypyidaw, Vientiane và Phnom Penh có thể mở đường cho việc tiếp cận thị trường và cuối cùng là các thỏa thuận thương mại tự do mới. Nhật Bản đã ký Hiệp định đối tác kinh tế với ASEAN và các thỏa thuận song phương với Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Brunei và Philippines.
Không có gì phải bàn cãi về mối quan hệ nồng ấm Nhật Bản - ASEAN, nhưng cả hai bên cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để ngày càng tiến lại gần nhau hơn.
An Bình
(Theo Diplomat)