Nhen nhóm hy vọng về các cuộc đàm phán Mỹ - Triều?

Thứ năm, 22/08/2019 10:54

Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun ngày 21-8 tuyên bố, Washington sẵn sàng bắt đầu lại các cuộc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên, một ngày sau khi quân đội Mỹ và Hàn Quốc kết thúc cuộc tập trận thường xuyên mà Bình Nhưỡng cho là cuộc diễn tập xâm lược.

Ảnh chụp vụ thử tên lửa của Triều Tiên hôm 16-8.    Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây cho biết ông đã nhận được một bức thư dài 3 trang “đẹp” từ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un. Ông Trump cho biết ông Kim muốn bắt đầu lại cuộc đàm phán sau khi cuộc tập trận của Mỹ - Hàn kết thúc, đồng thời nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng đề nghị “một lời xin lỗi nhỏ” về các cuộc thử nghiệm vũ khí của Bình Nhưỡng gần đây.

Phát biểu sau cuộc gặp đặc phái viên Hàn Quốc về hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên Lee Do-hoon tại Hàn Quốc, ông Biegun cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng tham gia cuộc đối thoại cấp chuyên viên với Triều Tiên ngay sau khi chúng tôi nhận được thông tin từ các đối tác ở Triều Tiên”. Ông Biegun cho biết, Tổng thống Trump đã giao cho ông nhiệm vụ nối lại cuộc đàm phán cấp chuyên viên với Triều Tiên theo những gì ông Trump và ông Kim đã nhất trí trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều hồi cuối tháng 6 vừa qua. “Tôi cam kết thực hiện nhiệm vụ quan trọng này và chúng tôi sẽ hoàn thành nó”, ông Beigun tuyên bố.

“Mong Triều Tiên không thử thêm tên lửa”

Trước đó, hôm 201-8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bày tỏ sự không hài lòng với 6 vụ thử tên lửa của Triều Tiên, song vẫn muốn nối lại đàm phán phi hạt nhân hóa. “Tôi mong họ sẽ không làm điều đó”, ông Pompeo trả lời phỏng vấn, đề cập tới các vụ thử tên lửa tầm ngắn mà Triều Tiên thực hiện trong những tuần gần đây. Ngoại trưởng Mỹ nói thêm ông hy vọng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ đồng ý nối lại đàm phán phi hạt nhân hóa sau ba cuộc gặp mặt trực tiếp với Tổng thống Trump. “Chúng tôi đã không trở lại bàn đàm phán nhanh như mong đợi, nhưng chúng tôi đã nói rõ ngay từ đầu rằng sẽ có những trắc trở trên đường”, ông Pompeo nói. “Chúng tôi hy vọng Chủ tịch Kim sẽ đến bàn đàm phán để có được kết quả tích cực hơn. Điều này sẽ tốt đẹp cho người dân Triều Tiên và cho cả thế giới”, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định.

Tuyên bố của Pompeo được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán Mỹ - Triều đang bị đình trệ sau khi Bình Nhưỡng cáo buộc Washington vi phạm cam kết bằng việc tiếp tục tổ chức cuộc tập trận chung với Hàn Quốc trong tháng 8. Để phản đối cuộc tập trận chung, Triều Tiên mới đây liên tục tiến hành 6 vụ thử tên lửa tầm ngắn và khẳng định “không bao giờ đối thoại” với Hàn Quốc.

Triều Tiên dọa phát triển vũ khí mới

Dù Mỹ tỏ rõ thái độ “chìa cành ô liu”, mong muốn đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên, Bình Nhưỡng vẫn cứng rắn. Triều Tiên ngày 21-8 đã bày tỏ sẵn sàng tiếp tục phát triển và thử nghiệm các vũ khí mới trong khi cáo buộc Mỹ tìm cách đối đầu thông qua các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc. Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền, nêu rõ: “Có khả năng không có cuộc đối thoại mang tính xây dựng nào khi đối đầu gia tăng. Chúng tôi phải phát triển, thử nghiệm và triển khai các phương tiện có sức mạnh cần thiết cho quốc phòng”.

Tờ báo cũng chỉ trích Mỹ làm căng thẳng gia tăng. Bài bình luận có đoạn viết: “Chính sách thù địch không thay đổi của Mỹ đang thúc đẩy đất nước chúng ta tiến hành các biện pháp tự vệ để loại bỏ các mối đe dọa trực tiếp và tiềm tàng”. Trong khi nêu cuộc tập trận chung kết thúc ngày 20-8 và việc Hàn Quốc triển khai vũ khí công nghệ cao của Mỹ, bài báo đổ lỗi cho Washington làm căng thẳng gia tăng có thể cản trở nỗ lực đối thoại mang tính xây dựng. Tác giả bài báo nhận định: “Nếu căng thẳng bùng lên, các mối quan hệ không thể được cải thiện, sự đối đầu nảy sinh và sẽ không có đối thoại mang tính xây dựng và hòa bình thực sự”.

Trong khi đó, tờ Yomiuri hôm 21-8 cho biết Nhật Bản sẽ nâng cấp đánh giá về năng lực vũ khí hạt nhân của Triều Tiên trong báo cáo quốc phòng thường niên sắp tới. Cụ thể, Tokyo xác nhận Bình nhưỡng đã đạt công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân. Trong báo cáo năm ngoái, Nhật Bản đánh giá Triều Tiên có thể đã đạt được thành tựu này.

T.NGỌC

Đặc phái viên Mỹ từ chối nhận chức vụ Đại sứ tại Nga

Đại diện đặc biệt của Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun ngày 21-7 cho biết ông sẽ không nhận vị trí Đại sứ Mỹ tại Nga để tập trung thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.

Ông Biegun, đang có mặt tại Seoul để hội đàm với giới chức Hàn Quốc, cho hay Mỹ đã sẵn sàng tái khởi động đàm phán với Triều Tiên ngay khi Bình Nhưỡng ở trạng thái tương tự. Tuyên bố này củng cố cho thông tin mà truyền thông hôm 20-8 đăng tải, cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến đề cử Thứ trưởng Ngoại giao nước này John Sullivan làm Đại sứ mới của Mỹ tại Nga. Trước đó, truyền thông Mỹ nhận định tân Đại sứ Mỹ tại Nga có thể là ông Biegun.

B.N