Nhiều hệ lụy xã hội do hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả
Mới đây, trung tuần tháng 4-2023, TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế xét xử bị cáo Phạm Tấn Huy (1984, trú Q. Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) cùng 6 đồng phạm về tội: "Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức". Theo cáo trạng, tháng 6-2020, Huy tìm hiểu trên mạng Internet cách làm giả các loại giấy tờ và đặt mua trên mạng các loại máy móc, thiết bị và các vật liệu phục vụ cho việc làm giả. Huy thuê nhà tại P. Bình Hưng Hòa (Q. Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) để bố trí lắp đặt máy móc phục vụ vào việc phạm tội.
Sau đó, Huy cùng với các đồng phạm đăng thông tin lên mạng xã hội với nội dung nhận làm giả các loại giấy tờ, con dấu của các cơ quan, tổ chức kèm theo báo giá từng loại giấy tờ và số điện thoại để các cá nhân có nhu cầu thì liên hệ. Các giấy tờ giả khi làm xong sẽ được gửi tới khách hàng thông qua công ty chuyển phát... Với phương thức thủ đoạn như trên, từ tháng 6-2020 đến 12-2021, Huy cùng các đồng phạm đã thực hiện hành vi làm giả 665 giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo đơn đặt hàng của các cá nhân trên địa bàn toàn quốc. Ngoài ra, Huy tự mình làm giả 1.214 loại giấy tờ, tài liệu của các cơ quan tổ chức, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.
Đáng chú ý, qua vụ án này, cơ quan điều tra đã xác định nhiều đối tượng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có hành vi mua bán giấy tờ, tài liệu giả. Tuy nhiên, qua đấu tranh, điều tra các đối tượng này chưa sử dụng nên đã chuyển hồ sơ cho Công an các địa phương xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.
Hay như vụ việc Phạm Tấn Quang (1974, trú xã Vinh An, H. Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) nhận tiền đặt cọc bán lô đất cho một người trú tại TP Huế với số tiền 70 triệu đồng. Theo thỏa thuận, sau 1 tháng sẽ ra văn phòng công chứng để sang tên nhưng đến ngày hẹn, Quang nảy sinh ý định nhờ người khác làm chứng nhận quyền sử dụng đất giả để đưa cho nạn nhân rồi tiếp tục nhận thêm tiền bán đất là 115 triệu đồng. Sau đó, Quang và người mua đến UBND huyện Phú Vang để ký công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Quang cung cấp có dấu hiệu làm giả nên văn phòng đăng ký đất đai đã gửi Cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Vang trưng cầu giám định và xác nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giả. Quang đã bị truy tố về tội: “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Hiện nay, trên các nền tảng mạng xã hội có khá nhiều tài khoản quảng cáo nhận làm các loại giấy tờ giả, văn bằng giả với cam kết "uy tín, bảo mật và giống thật 100%". Qua tìm hiểu, để làm các loại giấy tờ giả, văn bằng giả đều có mức giá khác nhau, ví dụ: giấy khám sức khỏe có giá 600 nghìn đồng; căn cước công dân 900 nghìn đồng; giấy phép lái xe (kèm hồ sơ) 1,4 triệu đồng; sổ đỏ có giá từ 1,5 đến 4 triệu đồng; các loại văn bằng đại học có giá từ 3 triệu đến 7 triệu đồng (tùy theo trường và kèm bảng điểm)...
Theo cơ quan chức năng, thực tế cho thấy, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, làm giả văn bằng, tài liệu với độ chính xác cao gây khó khăn cho cơ quan chức năng, gây bức xúc trong dư luận và làm phức tạp trong việc tuyển dụng lao động. Việc sử dụng tài liệu, con dấu giả là hành vi vi phạm pháp luật, không những ảnh hưởng đến uy tín, lợi ích của cơ quan, tổ chức khi bị làm giả mà còn ảnh hưởng đến tình hình ANTT, công bằng xã hội. Để ngăn chặn tình trạng giấy tờ giả, bằng giả, chứng chỉ giả; các đơn vị tuyển dụng khi tiếp nhận các loại giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ cần thẩm tra văn bằng, chứng chỉ, truy xuất nguồn gốc thông qua các cơ quan chức năng, lực lượng Công an hay bộ phận tổ chức hoặc các đơn vị đào tạo.
T.S- T.T.H