Nhiều người sập bẫy “xuất ngoại”
Giới thiệu là Giám đốc của công ty chuyên đưa người đi làm việc, học tập tại các nước châu Âu và châu Á, Lê Như Phúc (1992, trú khối Hải Thanh, P. Nghi Hải, TX. Cửa Lò, Nghệ An) nhận tiền của hàng chục người có nhu cầu xuất ngoại... Tuy nhiên, khi cầm được một khoản tiền lớn trong tay Phúc liền “cao chạy xa bay” khiến hàng chục người dân khốn đốn. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 11 nạn nhân làm đơn tố cáo Phúc lên cơ quan chức năng, tổng số tiền y ôm bỏ trốn hơn 2,3 tỷ đồng.
Ngôi nhà bố mẹ cũng là nơi trước đây Phúc treo biển trụ sở văn phòng cửa đóng then cài. |
Hàng chục nạn nhân khốn đốn
Đã hơn 3 tháng trôi qua kể từ ngày biết được thông tin Phúc lừa đảo, hơn chục nạn nhân đến từ nhiều địa phương khác nhau như “ngồi trên đống lửa”. Họ đã phải bỏ cả công việc gia đình, chạy vạy ngược xuôi để đòi lại số tiền đã mất nhưng đành “lực bất tòng tâm”. Trong số 11 nạn nhân gửi đơn tố cáo Phúc lên cơ quan chức năng, người ít nhất bị mất số tiền 60 triệu đồng là chị Lê Thị Hà (1993, trú xã Phúc Thọ, H. Nghi Lộc) và nhiều nhất 430 triệu đồng là anh Võ Xuân Hoàng (1984, trú TP Vinh).
Theo đơn trình bày của anh Hoàng, thông qua quen biết, anh tìm gặp Phúc thì được người này giới thiệu là Giám đốc của công ty CP Kết nối nhân lực quốc tế Happy có trụ sở tại TP Vinh, chuyên đưa người đi làm việc, học tập tại các nước châu Âu và châu Á. Sau khi 2 bên thỏa thuận đưa anh Hoàng đi làm việc tại Hàn Quốc theo con đường du lịch, Phúc đã yêu cầu anh Hoàng nộp tổng cộng chi phí là 18.800 USD. “Từ tháng 6 đến 9-2018, tôi đã 5 lần nộp tiền cho anh Phúc với tổng cộng hơn 430 triệu đồng. Tại mỗi cuộc gặp gỡ, Phúc đều viết giấy nhận tiền và cam kết nếu không đi được sẽ hoàn trả lại số tiền đã nhận. Hơn nữa, lần nào đến nộp tiền tôi đều được Phúc cho ký vào một số giấy tờ như chi phí làm visa, hợp đồng với công ty” – anh Hoàng kể lại.
Thế nhưng, khi quá thời gian cam kết đã lâu nhưng anh Hoàng vẫn không xuất ngoại được, nạn nhân đã liên lạc với Phúc đòi lại số tiền đã đặt cọc. Ban đầu, Phúc hứa đến ngày 23-5 sẽ trả lại nhưng đến ngày hẹn vẫn không thấy Phúc đâu, anh Hoàng gọi điện và tìm đến địa chỉ công ty thì thấy các biển hiệu đã được tháo dỡ, nhiều nạn nhân cùng cảnh ngộ với mình cũng đang “dở khóc dở cười”.
Hầu hết những nạn nhân của Phúc đều được giới thiệu qua các mối quan hệ quen biết, trong đó có cả các mối quan hệ thông qua vợ, mẹ của Phúc. Lúc nhận tiền của các nạn nhân Phúc đều viết giấy ghi tay như Giấy cọc tiền và cam kết, Phiếu thu, Giấy cam kết trả nợ, Giấy nhận tiền..., tất cả những loại giấy tờ này đều không có đóng dấu, xác nhận của chính quyền. Theo nội dung của các loại giấy tờ trên thì Phúc nhận tiền để làm các thủ tục chi phí xuất cảnh, cấp visa, thủ tục chống trốn... và cam kết sau một khoảng thời gian nhất định sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nhận nếu như những yêu cầu trên không được thực hiện.
Sau khi biết bị lừa đảo, các nạn nhân đã tìm gặp vợ, nhà bố mẹ của Phúc tại thị xã Cửa Lò để đòi trả lại tiền mà Phúc đã chiếm đoạt. Thời gian đầu, khi mới chỉ có một vài người tìm đến, bố mẹ Phúc đã nhận nợ, viết giấy cam kết sẽ thay con trai hoàn trả tiền. Tuy nhiên, càng về sau thêm nhiều người tìm đến, bố mẹ Phúc biết không có khả năng trả nợ thay con nên khóa cửa im lìm. Còn vợ Phúc thì cũng chối bỏ trách nhiệm bằng cách nói hai người đã ly hôn, không liên quan đến nhau nữa. Cực chẳng đã, 11 nạn nhân này đã làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng.
Hàng loạt đơn tố cáo được gửi đến cơ quan chức năng. |
Cắm bìa đất để được “đi nước ngoài”
Trong số các nạn nhân gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng, có gia đình đã phải cắm đến hai bìa đất để có tiền đưa cho Phúc “lo lót” thủ tục đi nước ngoài. Người bố vì lo lắng trước một khoản nợ lớn nên đã phải nhập viện đó là ông Lê Văn Chất (1966, trú xã Nghi Trung, H. Nghi Lộc, Nghệ An). Anh Lê Văn Công (1995, con trai ông Chất) cho biết: Do chị Vân (vợ anh Phúc) là bạn của chị gái mình nên khi biết thông tin anh Phúc có thể đưa người đi làm việc ở nước ngoài thì gia đình anh cũng rất tin tưởng. “Bố đã đăng ký cho tôi đi làm việc tại Hàn Quốc còn em trai Lê Văn Du (1998) đi làm việc tại Anh. Để xoay đủ số tiền hơn 330 triệu đồng đưa cho Phúc làm các thủ tục đi nước ngoài, gia đình tôi phải cắm hai bìa đỏ, trong đó một bìa của gia đình và 1 bìa đi mượn. Bây giờ một tháng phải trả tiền lãi ngân hàng 4 triệu đồng, bố tôi do suy nghĩ nhiều cũng sinh bệnh, giờ đang điều trị ở bệnh viện” - anh Công than thở.
Cùng cảnh ngộ với ông Lê Văn Chất là bà Mạnh Thị Hoa (1970, trú P. Nghi Hương, TX Cửa Lò). Do con gái bà Hoa cùng học với Phúc nên bà Hoa cũng “chọn mặt gửi vàng” với mong muốn chạy cho con suất đi du học tại Canada. “Ngày 4-12-2018, Phúc có đến nhà và thỏa thuận với tôi về việc làm thủ tục cho con trai tôi đi du học tại Canada. Phúc yêu cầu tôi đưa trước số tiền 117 triệu đồng. Đến ngày 2-1-2019, Phúc yêu cầu đưa tiếp số tiền 264 triệu đồng để làm chi phí xuất cảnh và hứa ngày 10-4 con tôi sẽ nhập học tại Canada. Biết tôi không có tiền phải cắm bìa đất, Phúc cũng hướng dẫn thủ tục, thậm chí còn trực tiếp chở tôi đi làm thủ tục đi cắm bìa để vay tiền cho con đi du học nhưng giờ thì Phúc đã “bặt vô âm tín”, bà Hoa ngậm ngùi.
Đại úy Nguyễn Hữu Cường - Phó trưởng CAP Nghi Hải cho biết, Phúc là người có hộ khẩu thường trú tại địa phương, từ trước đến nay chưa từng có tiền án, tiền sự. Từ khoảng tháng 4-2019 đến nay, thi thoảng tại nhà riêng của bố mẹ Phúc ở khối Hải Thanh xuất hiện một số người tập trung trước nhà để đòi nợ. Vụ việc thuộc thẩm quyền của CA tỉnh Nghệ An, phía cơ quan CSĐT cũng đã nhiều lần về địa phương để xác minh vụ việc. Hiện Cơ quan CSĐT CA tỉnh Nghệ An đã tiếp nhận, thụ lý đơn của các nạn nhân và đang điều tra, xử lý vụ việc theo thẩm quyền. Tuy nhiên, do Phúc không có mặt tại địa phương nên công tác điều tra đang gặp khó khăn. Trong khi đó, theo nguồn tin từ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Phúc đã làm thủ tục xuất cảnh ra nước ngoài.
Dương Hóa