Nhiều nước “đứng ngồi không yên” với biến thể AY4.2

Thứ sáu, 22/10/2021 09:00

Nga ngày 21-10 thông báo một số ca nhiễm AY4.2 - biến thể mới của virus SARS-CoV-2 - được cho là dễ lây nhiễm hơn cả biến thể Delta. Thủ tướng Israel Naftali Bennett cũng đã họp khẩn với giới chức y tế nước này ngay trong đêm 20-10 để thảo luận biến thể phụ AY4.2 từ chủng Delta gây bệnh COVID-19.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho trẻ nhỏ tại Tel Aviv, Israel. Ảnh: AFP

Melbourne kết thúc đợt phong tỏa dài nhất thế giới

Từ hôm nay (22-10), Melbourne, thành phố lớn thứ hai tại Australia, sẽ kết thúc 262 ngày phong tỏa, quãng thời gian phong tỏa lâu nhất trên thế giới, khi tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ của bang Victoria đạt mục tiêu 70%.

Hàng triệu người dân thành phố Melbourne đang chờ đợi đến thời điểm thành phố dỡ phong tỏa sau 24 giờ ngày 21-10, trong khi đó các nhà hàng, quán rượu, tiệm cà-phê cũng đang gấp rút chuẩn bị để mở cửa trở lại tiếp đón những khách hàng đã tiêm chủng đầy đủ. Theo quy định mới, kể từ 0 giờ ngày 22-10, các cơ sở kinh doanh đồ uống nói trên sẽ được phép phục vụ trong nhà tối đa 20 khách đã tiêm đủ liều và 50 khách ở ngoài trời, trong khi các hiệu làm tóc được phép đón tiếp tối đa 5 người.

Hãng thông tấn Nga RIA dẫn lời nhà nghiên cứu cấp cao của Cơ quan giám sát tiêu dùng quốc gia, Kamil Khafizov cho biết có khả năng biến thể AY4.2 này sẽ lây lan rộng, có thể khiến số ca mắc mới COVID-19 ở Nga - hiện đã ở mức cao kỷ lục - tăng hơn nữa. Biến thể AY 4.2 là biến thể phụ của Delta. Ông Khafizov cho rằng AY4.2 cuối cùng có thể thay thế biến thể Delta, mặc dù tiến trình này có thể sẽ diễn ra chậm.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần này đã chấp thuận một đề xuất của chính phủ nước này về nghỉ làm việc 1 tuần (từ ngày 30-10 đến 7-11), trong bối cảnh số ca tử vong do COVID-19 trong ngày 20-10 ở Nga là 1.028 ca - mức kỷ lục kể từ đầu đại dịch và cao hơn con số 1.015 người tử vong một ngày trước đó, đưa tổng số người tử vong lên thành 226.353 người. Phát biểu tại cuộc họp với các thành viên chính phủ ngày 20-10, Tổng thống Putin cho biết: “Hiện nay, điều đặc biệt quan trọng là phải hạ thấp đỉnh của làn sóng dịch bệnh mới. Với tình hình hiện tại, tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất một tuần không làm việc mà được giữ nguyên lương trên cả nước kể từ ngày 30-10 đến 7-11”.

Trước đó, hôm 19-10, Bộ Y tế Israel xác nhận nước này đã phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể phụ AY4.2. Ca nhiễm là một bé trai 11 tuổi, được phát hiện khi xét nghiệm COVID-19 tại sân bay quốc tế Ben Gurion, ngoại ô Tel Aviv, khi vừa về nước từ Moldova. Trước tình hình đó, Chính phủ Israel thông báo sẽ tiến hành mọi biện pháp nhằm bảo vệ thành quả trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Thủ tướng Bennett yêu cầu tăng cường điều tra dịch tễ đối với biến thể phụ, yêu cầu liên lạc chặt chẽ với các nước đã phát hiện biến thể phụ này. Theo ông Bennett, Israel sẽ cân nhắc thay đổi các yêu cầu nhập cảnh đối với du khách.

Dịch nóng trở lại ở châu Âu

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 21-10 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 242.738.214 ca, trong đó có 4.936.304 người tử vong.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục xu thế chững lại trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “nóng nhất” ở Châu Á đều chứng kiến số ca tử vong và mắc mới có xu thế giảm. Tuy nhiên, dịch bệnh đang nóng trở lại ở Châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này. Các nước Nga, CH Czech và Ba Lan đều ghi nhận những số liệu đáng báo động về số ca mắc mới và số ca tử vong.

WHO: COVID-19 sẽ hoành hành hơn 1 năm nữa

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể “tiếp diễn hơn 1 năm” bởi các nước nghèo chưa thể tiếp cận được nguồn vaccine họ cần. BBC ngày 21-10 dẫn lời tiến sĩ Bruce Aylward, một lãnh đạo cấp cao tại WHO, đánh giá dịch COVID-19 có thể “dai dẳng đến năm 2022”. Chưa đầy 5% dân số châu Phi được tiêm vaccine COVID-19 trong khi hầu hết châu lục khác tỷ lệ này là 40%. Ông Aylward đã kêu gọi các quốc gia giàu tạm lùi về phía sau để công ty dược có thể ưu tiên những nước thu nhập thấp.

Liên minh các quỹ từ thiện The People’s Vaccine cho biết mới chỉ có tỷ lệ 1/7 vaccine COVID-19 mà các công ty dược và quốc gia giàu có cam kết chuyển giao đã “cập bến” điểm đến là những nước nghèo hơn. WHO đặt mục tiêu đến cuối năm 2021, 40% dân số thế giới sẽ tiêm đủ vaccine COVID-19. Nhưng gần đây COVAX thậm chí còn giảm số liều vaccine dự kiến chuyển đến châu Phi, từ 620 triệu liều xuống chỉ còn 470 triệu liều. Số vaccine này chỉ có thể tiêm đủ 2 mũi cho 17% dân số châu Phi. “Lục địa Đen” cần thêm 500 triệu liều vaccine COVID-19 để đạt mục tiêu 40% vào cuối tháng 12. Do vậy, giám đốc WHO tại châu Phi Matshidiso Moeti cảnh báo: “Với tỷ lệ này, châu Phi chỉ có thể đạt mục tiêu tiêm đủ vaccine COVID-19 cho 40% dân số vào cuối tháng 3-2022”.

AN BÌNH