Nhiều vướng mắc khi trùng tu nhà cổ Hội An
(Cadn.com.vn) - Dự án trùng tu khẩn cấp những ngôi nhà cổ ở Hội An đã được triển khai hơn 7 năm qua, thế nhưng đến nay vẫn còn nhiều nhà cổ đứng trước nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào mặc dù các cấp chính quyền TP Hội An đã hỗ trợ hết sức để thực hiện dự án. Câu chuyện trùng tu, tôn tạo nhà cổ ở đô thị cổ Hội An-Di sản VĂN hóa thế giới đến nay vẫn mang đậm tính thời sự.
Vào tháng 6 - 2010, chỉ sau một cơn mưa giông, mái hiên ngôi nhà cổ số 72-Trần Phú (Hội An) bị sập phần mái ngói rộng gần 20m. Chứng kiến cảnh ấy, nhiều người không khỏi xót xa, không chỉ vì đây là ngôi nhà cổ có giá trị văn hóa cao, mà từ lâu nó đã nằm trong danh sách dự án trùng tu khẩn cấp. Những tưởng sau những lần nhà cổ bị sập hoặc hư hỏng nghiêm trọng thì việc trung tu nhà cổ sẽ được tiến hành khẩn trương nhưng hiện nay mới chỉ có vài chục nhà cổ thoát khỏi nguy cơ sập đổ. Ông Nguyễn Chí Trung–Giám đốc Trung tâm quản lý-bảo tồn di tích Hội An cho biết, trong lần khảo sát trước đây, đô thị cổ Hội An có 82 ngôi nhà cổ xuống cấp nghiêm trọng cần được trùng tu khẩn cấp. Trong đó có 30 ngôi nhà thuộc sở hữu Nhà nước, 52 nhà thuộc sở hữu tư nhân và tập thể.
Qua hơn 7 năm thực hiện dự án, những nhà cổ thuộc sở hữu Nhà nước được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi, còn các nhà cổ thuộc sở hữu tư nhân và tập thể mới trùng tu được 21 ngôi nhà. “Ngoài lý do khó khăn về thủ tục, lập hồ sơ dự toán và giá cả vật liệu xây dựng tăng thì nguyên nhân chính vẫn là sự thiếu hợp tác của các chủ sở hữu tư nhân, tập thể. Để thực hiện dự án trùng tu khẩn cấp, thành phố đã hỗ trợ kinh phí rất lớn cho các chủ sở hữu. Nếu là nhà cổ thuộc loại đặc biệt, ở mặt tiền thì cấp 60% kinh phí, trong kiệt hẻm 75% kinh phí, nhà cổ thuộc loại 1 được cấp từ 45 đến 65% kinh phí. Ví dụ như nhà 126/2-Trần Phú là nhà cổ xếp hạng đặc biệt đang được trùng tu với tổng giá trị trùng tu tôn tạo là 389 triệu đồng thì thành phố đã hỗ trợ đến 295 triệu đồng, ngoài ra các chủ sở hữu còn được vay ưu đãi không tính lãi trong 3 năm.
Tuy được hỗ trợ miễn phí như vậy nhưng nhiều chủ sở hữu vẫn chưa chịu tiến hành trùng tu”-ông Nguyễn Chí Trung bày tỏ. Năm nay, TP Hội An đang tiến hành trùng tu 6 ngôi nhà cổ, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1,3 tỷ đồng. Theo tìm hiểu, lý do khiến các chủ sở hữu còn chần chừ không trùng tu những ngôi nhà có nguy cơ sập đổ là do vướng các vấn đề như họ tộc, sở hữu chung. Ngoài ra, một số chủ sở hữu cho rằng số tiền họ đóng góp vào trung tu căn nhà là quá nhiều và khi tiến hành trùng tu họ phải ngưng kinh doanh, mất thu nhập... Và hàng chục ngôi nhà cổ ở Hội An vẫn đang đứng trước nguy cơ sập đổ trong mùa mưa bão năm nay.
![]() |
Trùng tu một ngôi nhà cổ ở Hội An. |
Ngoài việc thiếu hợp tác của các chủ sở hữu tư nhân, tập thể thì việc trùng tu di tích ở Hội An gặp một số khó khăn khác. Đó là việc đảm bảo tính chân xác cho di tích-một nguyên tắc tối quan trọng trong tu bổ di tích. Với vật liệu xây dựng, kỹ thuật trùng tu nhà cổ hiện nay dễ dẫn đến việc làm “trẻ hóa di tích”. Về điều này, ông Trung bày tỏ: “Tôi nghĩ phải có quy trình riêng cho việc tu bổ các di tích, mà điều này thì phải có bộ chủ quản đứng ra giải quyết. Tôi ví dụ, vôi được dùng xây dựng nhà cổ ở Hội An trước đây được nung từ vỏ hến, vỏ ốc, gỗ dựng nhà toàn gỗ kiền kiền, ngói âm dương cũng được nung với kỹ thuật đặc biệt... còn bây giờ thì loại vôi đó không còn, gỗ kiền kiền nằm trong danh mục gỗ cấm của Nhà nước, vì vậy rất khó khăn khi muốn đảm bảo sự nguyên bản của nhà cổ khi trùng tu. Ở Hội An, việc trùng tu, tôn tạo di tích xuống cấp vẫn đảm bảo yêu cầu, được các chuyên gia Nhật Bản đánh giá là chuẩn xác”.
Việc thiếu hợp tác của các chủ sở hữu tư nhân, tập thể và cả những vấn đề nảy sinh trong việc trùng tu di tích ở Hội An là việc cần phải quan tâm giải quyết nhanh chóng để cứu lấy những ngôi nhà cổ, những bảo tàng sống về kiến trúc đô thị của DI sản VĂN hóa thế giới Hội An.
Bài, ảnh: Hoàng Anh-Như Thư