Nhìn lại 2 màn trình diễn của U22 Việt Nam: Trong cơm còn sạn

Thứ sáu, 05/05/2023 08:21
Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận thắng U22 Singapore, HLV Philippe Troussier tiếc nuối: “Đáng ra U22 Việt Nam phải ghi thêm hai bàn thắng”. Có thể nhà cầm quân người Pháp tránh nói đến những cơ hội mười mươi bị đối phương bỏ lỡ, nhưng rõ ràng đây sẽ là 2 trong những bài toán mà ông cần sớm có lời giải trước khi chạm trán với 2 đối thủ còn lại ở vòng bảng, khó chịu hơn nhiều. 

Ghi 5 bàn, chỉ để lọt lưới 1 bàn, trận sau khá hơn trận trước… là thành công không thể phủ nhận của thầy trò HLV Troussier, nhất là với một đội bóng mới, HLV mới, triết lý bóng đá mới như U22 Việt Nam. Những tín hiệu tốt tiếp theo là chiến thuật kiểm soát bóng từng bước tiến bộ, được duy trì ở cường độ cao trong thời tiết khắc nghiệt, lực lượng chưa sứt mẻ vì chấn thương hay thẻ phạt… Đáng kể nhất là áp lực “phải thắng” từ cầu thủ đến HLV được giải tỏa, mang đến trạng thái tâm lý tương đối phấn chấn trước khi bước vào các trận chiến mới…

Mọi thứ đến thời điểm này có vẻ diễn ra như tính toán của HLV Troussier, từ điểm rơi phong độ, biện pháp xoay tua đến thái độ kiên định của vị HLV 71 tuổi trong cách dùng người. Tuy nhiên, kết quả thắng thua của mỗi đội bóng luôn được xem xét, phân tích không chỉ từ phía “ta” mà còn phụ thuộc vào phía “địch”. Đối thủ của U22 Việt Nam của 2 trận vừa qua chỉ là các gương mặt “chiếu dưới”, vậy nên ý nghĩa của 2 chiến thắng đơn thuần chỉ là các bước giải bài toán đã có sẵn đáp án.

Trở lại với 2 trận 6 điểm của thầy trò HLV Troussier, cách thắng trước U22 Lào và U22 Singapore chưa làm người hâm mộ thật sự “sướng” như mong đợi. Cảm giác lo âu vẫn hiện về sau những đợt phản công của đối phương hay những pha chuyền hỏng. Thắng U22 Lào 2-0 trong thế trận khó khăn là một chuyện, nhưng nhìn cách U22 Malaysia hạ chính đối thủ này 5-1 lại là chuyện khác. Dù phải thừa nhận U22 Lào gần như đã kiệt sức sau trận “quyết chiến” với U22 Việt Nam, nhưng buộc phải thừa nhận rằng “những chú hổ Mã Lai” tận dụng quá tốt các cơ hội. Cũng thắng U22 Singapore với tỷ số 3-1, nhưng có vẻ như U22 Thái Lan vẫn tỏ vẻ an nhàn hơn U22 Việt Nam, trong tư thế kẻ cả và “tận dụng” hầu hết những cơ hội được trao.

"Trong hai trận đấu vừa qua, các cầu thủ của tôi vẫn mắc những lỗi trong việc kiểm soát bóng hoặc đưa ra những quyết định quá vội vàng, không đúng thời điểm nhưng cả đội đang trong quá trình tiếp nhận lối chơi và làm quen với hệ thống mới”, lý giải của HLV Troussier phần nào lột tả những tồn tại của U22 Việt Nam sau khi trải qua 1/2 chặng đường của vòng bảng. Đó là chưa nói đến việc vị HLV này “phá lệ”, để các học trò thường xuyên sử dụng những đường chuyền dài, điều luôn bị “cấm” trong các bài đấu tập. Nếu đây thật sự là một “chiêu” nhằm tạo bất ngờ cho đối thủ thì rõ ràng đòn thế này chưa mang lại hiệu quả, với những pha tạt theo quán tính, điểm rơi vô định!. Nếu nói đây là tình thế bắt buộc khi hàng tiền vệ bị vô hiệu, lại càng đáng lo hơn vì xu thế kiểm soát bóng lại phụ thuộc vào sự hoạt động hiệu quả của hàng tiền vệ. Ngược lại, khi đối thủ phát động những đường chuyền vượt tuyến, lập tức hàng phòng ngự U22 Việt Nam rơi vào thế bị động, khung thành của thủ môn Quan Văn Chuẩn đặt trong tình huống báo động.

Nhìn chung, bài vở tấn công của U22 Việt Nam không nhiều cho dù các thông số về kiểm soát bóng hay những đường chuyền phối hợp chính xác hoàn toàn vượt trội so với 2 đối thủ vừa qua. Nhưng nên nhớ, đây chỉ là 2 đối thủ dạng “lót đường”, với U22 Malaysia hay U22 Thái Lan mọi chuyện khó đạt kết quả tương tự. Chưa kể, ý tưởng kiểm soát bóng là tốt, nhưng cách thực hiện thì gần như rối rắm.

Hơn ai hết, HLV Troussier hiểu rõ mâm cơm dọn ra còn có sạn và cả những trở ngại ban đầu với triết lý bóng đá mà mình áp dụng cho U22 Việt Nam. “Các cầu thủ của tôi cần phải đi từng bước một, họ cần tin tưởng vào năng lực bản thân rằng có thể chơi được theo cách này. Các cầu thủ đã có sự nỗ lực, thể hiện vai trò cá nhân rõ hơn, tuân thủ chiến thuật và cách vận hành trận đấu trong các trận đấu tiếp theo, trước các đối thủ mạnh hơn", chiến lược gia người Pháp thẳng thắn thừa nhận.

Một ngày nghỉ trọn vẹn (4-5) và sau đó là chuỗi 3 ngày tập luyện tiếp theo dành cho U22 Việt Nam là cơ hội quý báu để thầy trò HLV Troussier hồi phục, hoàn thiện thêm cách vận hành lẫn khắc phục những sai số bộc lộ qua 2 trận đã đá. Trong khi đó, được “điều nghiên” khi 2 đối thủ cạnh tranh U22 Malaysia và U22 Thái Lan “quyết đấu” vào ngày 6-5 cũng là lợi thế để HLV Troussier nắm bắt thực lực của 2 đội này để chọn đối sách phù hợp cho 2 trận mang tính then chốt sắp tới.

Tâm lý, số ngày nghỉ, lịch thi đấu… tất cả như đang ủng hộ thầy trò HLV Troussier. Phần còn lại, U22 Việt Nam phải biến thuận lợi này thành ưu thế, mang về những kết quả có thể làm hài lòng người hâm mộ.

T.S