Nhớ bếp củi ngày đông

Thứ sáu, 21/11/2014 09:35

(Cadn.com.vn) - Mùa đông mưa gió cứ nhìn thấy làn khói bếp, tiếng củi lửa tí tách, ấm cúng trong không gian căn bếp nhà ai đó tôi lại nhớ về bếp củi ngày đông của mẹ và tuổi thơ tôi những năm tháng quê nhà. Bây giờ nhiều nhà đã dùng bếp gas, bếp điện nhưng ngày ấy quê tôi hầu như nhà nào cũng chỉ mỗi bếp củi. Bếp củi thường đắp bằng đất, xây bằng gạch để nấu củi có khi nấu bằng trấu hoặc rơm, có ống dẫn khói ra ngoài. Bếp củi của mẹ tôi chỉ là ba “ông táo” bằng đất  kê với nhau. Để tiện cho việc nấu những nồi nhỏ như ấm nước, chảo rim cá đồng... mẹ tôi mua thêm cái kiềng ba chân đặt bên cạnh. Khi cần chỉ mỗi việc đặt kiềng vào ba “ông táo”.

Điều nhớ nhất, khắc sâu tâm trí tôi là những buổi đi học sớm, gà gáy canh ba mẹ đã dậy lúi húi nhen bếp, bắt ấm nước chè xanh cho ba rồi mới nấu cơm. Mùa đông mưa dầm củi ướt để nhen được bếp lửa mẹ chuẩn bị sẵn nhắm rơm, những tàu lá chuối, lá dừa khô... Nằm trên giường nhưng tôi đã lắng nghe tất cả âm thanh tiếng bước chân rón rén của mẹ, rồi tiếng lá chuối rột rẹt, tiếng lửa cháy bén vào thân củi ẩm rì, xì xèo sủi tăm... Khoái nhất là khi lửa đã cháy phừng phừng, tôi vùng dậy chạy ào xuống bếp ngồi sát vào ngọn lửa, xoa xoa hai bàn tay, nhìn bóng mẹ in vào bức tường phên lặng im như nét vẽ mà suy nghĩ miên man.

 

Trong ký ức tuổi thơ, mùa đông mưa gió, trên đường đi học về bụng đói cồn cào cứ trông thật nhanh đến nhà, bao giờ bếp lửa của mẹ cũng là hình ảnh đầu tiên tôi nghĩ đến. Nhớ mãi những bữa cơm gia đình sum vầy bên bếp lửa, mẹ là người đầu tiên kể cho tôi nghe sự tích “ông đầu rau” trước khi tôi tìm đọc câu chuyện cổ tích này. Nhớ những hôm đi nhũi cá, bắt cá đường bừa ở đồng xa do dầm mưa suốt buổi nên khi về đến nhà thì chân tay tê cóng. Cứ để yên chân tay, tóc tai đầy bùn đất như thế tôi lăn ngay vào bếp. Mẹ quáng quàng đốt vội cả bó lá dừa để dành nhen lửa, kéo tràn cả ra ngoài lồng bếp cho tôi sưởi ấm trong lời mắng mỏ, yêu thương: “Cứ ham con cá, con niềng niễng mà dầm mưa thế này thì chết cóng mất thôi con ạ!”.

Tuổi thơ tôi còn là màu khói ám mái tranh, tiếng o o của ống tre thổi vào lồng bếp và cả những vệt lọ nghẹ vô tình làm nổ vang cả tràng cười trong bữa cơm chiều đông vui chị em tôi chí chóe chọc nhau sau khi tranh phần ai người giỏi nhen lửa nhất. Những ngày mùa đông, mẹ và những người dân quê tôi thường có tục giữ lửa bằng những thanh củi to hay phần gốc rễ cây. Than giữ lửa cứ âm ỉ  cả ngày có khi qua đêm đến sáng hôm sau. Ban ngày cả nhà ra đồng, than củi được vùi tro, trưa về chỉ cần đưa que mồi vào là có thể thổi bùng lên ngọn lửa. Ngọn lửa của bếp củi ngày đông mưa gió lại xui tôi nhắc nhớ một thời.

Tạp bút của Võ Văn Trường