Nhọc nhằn cõng chữ lên non
(Cadn.com.vn) - Cung đường Nam Giang (Quảng Nam) ngút ngàn đồi núi và lau sậy, mùa này thời tiết thất thường với những cơn mưa đổ ập xuống rất nhanh và sương mù dày đặc. Thấp thoáng trên triền dốc, những bóng người đang lom khom bên rẫy dứa, khuôn mặt thân thiện mỉm cười khi tôi dừng lại hỏi đường đến xã Tà Bhing...
Từ thị trấn Thạnh Mỹ đi thêm khoảng 25km nữa tôi có mặt tại trường tiểu học xã Tà Bhing. Ngoài điểm trường chính, mỗi thôn còn có thêm điểm trường phụ dạy mẫu giáo và lớp 1. Từ lớp 2 các em chuyển sang học tập trung tại trường xã. Gặp và trò chuyện với tôi, cô giáo Lê Thị Hồng, quê Hà Tĩnh, tâm sự về cuộc đời làm nghề giáo không ít thăng trầm của mình. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, cô cùng một người bạn xung phong lên miền núi dạy học.
Hồng được phân công dạy học ở xã La Dee, phải đi bộ cả ngày trời mới vào đến lớp với vài ba học sinh đi học nên vừa lên tới nơi đã nản chí muốn quay về. “Kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần tôi mới lên đây dạy được 1 tháng. Lạ nước lạ cái, lại chẳng hiểu được tiếng địa phương nên giao tiếp khó khăn lắm. Lên lớp trò biết phần trò, cô biết phần cô, tôi bế tắc không biết làm thế nào mà dạy dỗ. Hôm đó, tôi hỏi bài học sinh nam thì em cứ nói bằng tiếng địa phương. Tôi tức quá bảo là đến trường phải nói chuyện với cô giáo bằng tiếng Kinh, thế là em đó trèo lên cây xà nhà ngồi vắt vẻo nói vọng xuống. Tôi uất quá ngồi thụp xuống đất ôm mặt khóc. Lúc ấy tôi thấy mình tuyệt vọng hơn lúc nào hết”.
Đường đến trường của học sinh vùng cao. |
Nhưng rồi cứ mỗi ngày sống ở đây, tiếp xúc với những người dân chân chất, thật thà cô lại thấy yêu mảnh đất này. Vài năm sau cô nên duyên với một thanh niên địa phương. Chồng chí thú nương rẫy, vợ chăm chỉ, cần mẫn bên đàn học trò miền núi, hạnh phúc nhỏ nhoi mà đầm ấm. Khi gặp khó khăn trong việc giao tiếp thì cô lại nhờ chồng làm “phiên dịch”. Con gái lớn của họ đã học lớp 11, cô gửi về nhà ngoại ở Hà Tĩnh để cháu được học tập đầy đủ hơn. Hỏi vì sao không cùng chồng về đồng bằng với con mà quyết ở lại, cô chỉ cười: “Quen dạy học trò ở đây rồi, về không nỡ”.
Còn cô giáo Dương Thị Diệp là giáo viên trẻ chỉ vừa “cắm bản” gần 1 năm. Diệp tốt nghiệp trường Đại học Quảng Nam rồi tình nguyện lên đây dạy học. Lớp học tiếng Anh của cô chỉ có mười mấy em học sinh chủ yếu là người dân tộc Cơ Tu. Cô tâm sự: “Lúc đầu lên đây em không mường tượng được hết khó khăn của người dân địa phương. Nhớ nhà, nhớ bạn bè bọn em chỉ biết ngồi nhìn nhau khóc. Nhưng giờ quen cảnh quen người em thấy ở đây cũng rất tốt vì được sống trong tình cảm chan hòa của mọi người”.
Giờ tập nghi thức đội của các em học sinh. |
Nói về những khó khăn cuộc sống nơi đây, thầy Nguyễn Văn Thắng, Trường THCS liên xã Cà Dy–Tà Bhing cho biết: “Hiện nay, sau rất nhiều nỗ lực của chính quyền cũng như các thầy cô thì số lượng các em học sinh bỏ học đã giảm. Tuy nhiên, các thầy cô giáo trẻ mới lên vùng cao cuộc sống còn nhiều bỡ ngỡ sẽ khó thích nghi. Các thầy cô giáo ở đây hầu hết là người dưới xuôi lên nhận công tác. Khi có em nghỉ học phụ cha mẹ làm rẫy, giữ em, các thầy cô phải có mặt kịp thời động viên các em tiếp tục đến lớp”.
Bên cạnh những thiếu thốn về vật chất thì khó khăn nhất vẫn là bất đồng ngôn ngữ. Các em học sinh vẫn hiểu tiếng Kinh nhưng hầu hết lại thích nói tiếng của địa phương mình. Những giờ ra chơi hay lúc trao đổi với bạn bè các em vẫn nói tiếng Cơ Tu vì thế rất khó dạy cho các em phát âm và viết đúng chính tả. Cô Diệp cho biết thêm: “Vì phải học đến 2 ngôn ngữ nên các em rất khó khăn trong việc tiếp thu môn tiếng Anh. Có những từ khó cần phải dùng từ bản địa để giải thích cho các em hiểu thì em phải nhờ những thầy cô có kinh nghiệm chỉ giúp”.
Khó khăn gian khổ là vậy nhưng mỗi ngày các thầy cô giáo trẻ vẫn hăng say trên bục giảng. Họ động viên giúp đỡ lẫn nhau trong từng sinh hoạt hằng ngày và trong giảng dạy. Mỗi ngày, nhìn thấy những khuôn mặt các em vượt đường rừng tới lớp các thầy cô lại vững tin vào con đường mình đã chọn. Thời gian qua đi, bao lớp giáo viên trẻ vẫn thầm lặng với công việc gieo chữ nơi vùng cao này.
Hà Dung