Nhọc nhằn nghề bán nước biển

Thứ hai, 16/03/2015 12:04

(Cadn.com.vn) - “Sáng sớm, khi nhà nhà còn chìm trong giấc ngủ, trên bãi biển mênh mông, vợ chồng ông Hùng lặng lẽ bày lỉnh kỉnh dụng cụ đựng nước biển. Bước từng bước nặng nhọc trên cát, ông Hùng dùng xô múc nước biển đổ vào bình lớn. Ông bảo lấy nước lúc mặt trời chưa tỏ để nước trong và bán được giá nhất...”.

Biển Thuận An, mảnh đất du lịch nổi tiếng tại Huế thu hút nhiều khách tham quan, nghỉ dưỡng. Dọc các bãi cát vàng là sự ồn ào, náo nhiệt của từng đoàn người đến rồi đi. Nhưng đằng sau ánh hào quang đó là những ngôi nhà lụp xụp  của người dân nghèo làng biển. Nước biển tưởng chừng như của trời đất, thiên nhiên vô tận. Ấy thế mà tại thôn Tân Cương, TT Thuận An, TP Huế lại là nghề mưu sinh của nhiều gia đình. Ông Nguyễn Quốc Hùng (45 tuổi,) có hơn 10 năm trong nghề bán nước biển, chia sẻ: “Thực ra người dân ở đây mua nước biển làm gì. Nơi tiêu thụ chính là các nhà hàng, khách sạn nuôi hải sản trên thành phố Huế. Du lịch phát triển, rồi hàng loạt nhà hàng lớn nhỏ mọc lên. Đi cùng với đó, nghề bán nước biển cũng phát triển theo. Để những loại hải sản còn sống, tươi rói đến với khách hàng, những chủ nhà hàng phải liên tục sử dụng nước biển. Nhiều nhà hàng có yêu cầu khá khắt khe, bắt buộc đúng giờ, nếu giao chậm khiến các loại hải sản có giá trị cao chết là mình bị mất mối ngay, còn số lượng nước biển lấy của ngày hôm đó đem đổ hết. Nghề này chẳng cần đầu tư gì lắm, chỉ đơn giản vài dụng cụ đựng và múc nước biển nhưng bắt buộc người lấy nước phải có sức khỏe dẻo dai. Trung bình 10 lít nước biển đem lên thành phố bán được 10 ngàn đồng, mỗi ngày thu nhập được khoảng 150 ngàn đồng. Đôi lúc may mắn tôi còn được chủ nhà hàng cho thêm coi như khoản xăng xe”.

Các thùng nước buộc dây thừng cẩn thận trước khi giao cho các nhà hàng.

Có nhiều người dân tại thị trấn Thuận An cũng mưu sinh bằng nghề bán nước biển. Ông Hồ Văn Tiến ( 52 tuổi, thôn Hải Thành, thị trấn Thuận An) cho biết, trước đây ông cùng anh em trong thôn làm kinh doanh dịch vụ du lịch nhưng thất bại. Không bỏ cuộc, ông tìm một công việc phù hợp với bản thân, rồi ông nhận chở nước biển thuê cho một người quen.

Tuy nói làm việc tự do, chẳng gò bó nhưng cũng mất lắm  sức lực. Sau khi soạn dụng cụ thùng, xô, chậu, ông Tiến bảo chỉ lấy nước ở những vùng nước sâu, không lấy gần bờ vì nước đục, chủ nhà hàng không dùng. Nhiều hôm còn lặn xuống biển để lấy... nước. Nước đem lên, ông Tiến lại gồng sức gánh từng thùng 20 lít chất lên xe đẩy về nhà. Công việc hoàn tất lúc trời vừa sáng. Đợi nhà hàng trên thành phố điện thoại xuống là ông lại tất tả vận chuyển theo đúng thời gian nhà hàng cần.

Chiếc xe máy đã cùng ông Hùng chở nước từ những ngày đầu đến nay.

Nghề bán nước biển tưởng chừng chỉ phù hợp với những người lớn tuổi, không việc làm ổn định. Tuy nhiên tại thôn Hải Thành vẫn có nhiều lớp thanh niên sống nhờ “lộc” biển. Anh Lê Ninh (26 tuổi) gần 4 năm trong nghề cho biết: “Không đủ tiền mua xe máy, với chiếc xích lô cũ kỹ này, hằng ngày tôi chở được từ 10 đến 15 can nước, mỗi can 20 lít. Thu nhập cũng đủ trang trải cho bản thân. Một năm chỉ vài ngày nghỉ ngơi để lấy lại sức. Mình cần họ, cần công việc, còn chủ nhà hàng không có người này là họ gọi người khác ngay”. Lam lũ đạp xe chở nước mấy năm nay, khách đặt bao nhiêu anh Ninh đều “đáp ứng” được. Anh chỉ ngán nhất là những đoạn đường xa, chưa trải nhựa, đường đất đá lởm chởm hay trời mưa lầy lội, việc vận chuyển nước biển cực nhọc vô cùng. Sau khi giao xong nước cho khách, anh Ninh lại tất tả đạp xe đến các chợ gần nhà để chở thuê hàng hóa: “Nếu dựa vào nghề bán nước biển rất khó mà sống nổi. Tôi còn trẻ nên có sức khỏe, ai thuê gì tôi đều nhận, phải lao vào kiếm tiền để chuẩn bị cho cuộc sống gia đình sau này”.

Một ngày làm của làng quê nghèo kết thúc khi mặt trời khuất bóng. Nơi đây nhiều người hằng ngày đều sinh sống nhờ nghề bán nước biển. Vẫn biết còn vô vàn khó khăn phía trước, nhưng những người chúng tôi gặp đều chấp nhận sự bấp bênh, thiếu ổn định, làm theo thời vụ, chỉ cần mưu sinh chính đáng từ những giọt mồ hôi xứ biển.

Long Hữu