Nhu cầu dầu mỏ Trung Quốc giảm do dịch Corona, OPEC báo động

Thứ bảy, 08/02/2020 17:16

Nguy cơ giảm tốc độ tăng trưởng của toàn cầu, do dịch bệnh virus Corona làm giảm sản lượng của nền kinh tế Trung Quốc, đã khiến Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) lo ngại.

OPEC lo ngại trước tình hình Trung Quốc giảm nhập khẩu dầu thô.   Ảnh: AFP

Nhu cầu giảm

Tờ Bloomberg (Mỹ) cho biết, Trung Quốc giảm nhập khẩu 3 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, tương đương 20% mức tiêu thụ. Đây là mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008. Bên cạnh đó, Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc (Sinopec) đã giảm lượng lọc dầu thô 12% - tương đương 600.000 thùng/ngày – mức cắt giảm lớn nhất trong một thập niên. Cty tư vấn thị trường Kayrros cũng ghi nhận Trung Quốc đã giảm mua dầu thô hai tuần liên tiếp với mức bình quân 8,5 triệu thùng/ngày.

Điều này được giải thích là do quyết định phong tỏa một số thành phố để ngăn chặn virus Corona lây lan tại Trung Quốc cũng như việc chính phủ nước này quyết định kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khiến nhiều nhà máy, cơ quan và cửa hàng tiếp tục dừng hoạt động. Điều này đồng nghĩa với việc quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới sẽ giảm nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ dành cho sản xuất, xe cộ. Dịch bệnh Corona còn gây ảnh hưởng tới ngành hàng không do nhiều hãng hàng không quyết định tạm dừng khai thác các tuyến bay tới vùng dịch ở Trung Quốc. Do vậy nhu cầu nhiên liệu dành cho các hãng hàng không cũng giảm. Nhà phân tích người Mỹ Phil Flynn cho biết, nhu cầu dầu thô giảm là dấu hiệu rõ ràng cho thấy hoạt động kinh doanh giảm tại Trung Quốc và kéo theo rủi ro là tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ chậm lại.

Tiêu thụ dầu của Trung Quốc đạt trung bình khoảng 14,5 triệu thùng/ngày trong năm 2019, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ. Nếu dịch bệnh Corona làm giảm mức tiêu thụ trung bình 10% của Trung Quốc trong quý I năm 2020, 2% trong quý II và 1% trong quý III, tổng tác động sẽ là mất trung bình khoảng 450.000 thùng/ngày vào năm 2020. Giám đốc tài chính của BP cho biết dịch Corona có thể giảm tiêu thụ dầu khoảng 300.000 - 500.000 thùng/ngày, hay 0,5% nhu cầu dầu toàn cầu phù hợp với dự đoán. Trung Quốc, cùng với Ấn Độ, chiếm hơn 50% sự gia tăng tiêu thụ dầu toàn cầu trong những năm gần đây, vì thế bất kỳ sự suy giảm nào sẽ có một tác động lớn tới cân bằng cung cầu toàn cầu.

Cắt giảm sản lượng

Mặc dù phục hồi mạnh trong phiên 5-2, giá dầu đã giảm đáng kể trong vài tuần qua do những lo ngại về sự giảm tốc tăng trưởng của kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ Trung Quốc. Giá giảm đã gây lo ngại cho OPEC, tổ chức với 13 nước thành viên đang là nguồn cung khoảng 1/3 lượng dầu thô của toàn cầu và nóng lòng muốn bảo vệ nguồn thu, khi nhu cầu của Trung Quốc yếu hơn.

Theo nhà phân tích tại Cty nghiên cứu hàng hóa Wood Mackenzie, Yujiao Lei, Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, chiếm 13% nhu cầu và đóng góp hơn 1/3 trong tăng trưởng nhu cầu của toàn cầu. Do nguồn cung trong nước không đủ, sự phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài của Trung Quốc tiếp tục tăng, khiến nước này trở thành một trong những thị trường quan trọng nhất của OPEC. Hơn 2/3 lượng dầu thô mà Trung Quốc nhập khẩu là từ OPEC và Nga. Nước sản xuất dầu lớn nhất trong OPEC là Saudi Arabia và Nga là những nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của Trung Quốc. Tuy nhiên, toàn bộ OPEC sẽ chịu tác động nghiêm trọng từ sự sụt giảm nhu cầu của Trung Quốc.

Sau khi giá giảm, OPEC và nước đồng minh chủ chốt là Nga đã họp bàn về tình hình trong hai ngày 4 và 5-2. Saudi Arabia tuần này nói rằng tác động từ dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona đến nhu cầu dầu mỏ là rất hạn chế và chủ yếu là do yếu tố tâm lý. Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu JBC Energy, OPEC và các nước đồng minh thực sự chỉ có một lựa chọn là thông báo cắt giảm sản lượng mạnh hơn, khi giá dầu có thể tiếp tục giảm, do việc kiểm soát dịch bệnh vẫn gặp khó khăn. BBC cũng cho rằng, các nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới sẽ cắt giảm lượng khai khác để đẩy giá “vàng đen”. Bà Margaret Yang tại công ty CMC Markets (Anh) nhận định sẽ có mức giảm khoảng 500.000 thùng/ngày và "vẫn có khả năng cắt giảm khai thác sâu thêm nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn”.

AN BÌNH