Những cánh rừng dọc đường Trường Sơn Đông dần... rỗng ruột

Thứ ba, 22/08/2017 10:10

Không còn kiểu phá rừng rầm rộ như trước, "lâm tặc" ở khu vực H. Kbang (Gia Lai) chuyển sang kiểu "đánh nhanh, rút gọn" tại những cánh rừng dọc 2 bên tuyến đường Trường Sơn Đông. Phương thức, thủ đoạn của "lâm tặc" hiện cũng tinh vi hơn càng làm cho những cánh rừng nơi đây đang dần rỗng ruột.

Một thân cây có đường kính hơn 1m chỉ còn gốc và bìa gỗ sau khi bị "lâm tặc" cưa hạ.

Hết nạc vạc đến xương!

Ở Gia Lai, cung đường từ thị trấn Kbang (H. Kbang) ngược theo đường Trường Sơn Đông lên khu vực xã Hiếu (H. Kon Plông, Kon Tum) là một trong những cung đường đẹp. Hai bên là những cánh rừng cao vút, với những cây cổ thụ vươn mình che bóng. Thế nhưng, khác với vẻ ngoài "hào nhoáng" đó, bên trong những cánh rừng này đang bị "xẻ thịt" từng ngày, từng giờ. Dọc 2 bên đường Trường Sơn Đông chi chít những đường xương cá do người dân mở để đi rẫy và cả do "lâm tặc" mở để tiện bề phá rừng. Dù nơi đây không còn những cây gỗ quý thuộc nhóm I, bây giờ "lâm tặc" chuyển sang cưa hạ những loại gỗ nhóm II, III theo kiểu... "hết nạc vạc đến xương".

Ngay tại 1 đường xương cá cắt từ đường Trường Sơn Đông vào cánh rừng thuộc quản lý của Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơ Pai, chúng tôi mục sở thị những vết xe máy độ chế, xe ô-tô hằn lên giữa đường rừng. Men theo 1 con đường xương cá với những vết bánh xe hằn, trước mắt chúng tôi là một gốc cây dổi đường kính khoảng 60cm đã bị đốn hạ. Vết mùn cưa vẫn còn mới nằm trên nền rừng. Những mảnh bìa vẫn còn vứt lại tại đây, phần lõi đã bị "lâm tặc" xẻ thành hộp vận chuyển đi chưa bao lâu. Cạnh đó, những cây dổi còn sót lại cũng bị "lâm tặc" đốn hạ với cách thức tương tự. Tiếp tục đi vào sâu trên con đường mở vào rừng, một cây xoay (kiền kiền, nhóm II) đường kính gần 1m với cả trăm năm tuổi vừa mới bị đốn hạ, những chiếc lá chỉ vừa úa vàng. Một phần giữa thân cây đã bị xẻ hộp vận chuyển đi, phần ngọn với đường kính 60cm vẫn còn nguyên. Có lẽ thấy "động" nên "lâm tặc"... bỏ của chạy lấy người.

Đi vào những đường xương cá khác, những gốc cây bị đốn hạ cũ có, mới có. Dù không còn kiểu phá rừng ồ ạt như trước nhưng những cây gỗ, đặc biệt là gỗ tốt phục vụ xây dựng trở thành "lựa chọn" của các đối tượng "lâm tặc". Đặc biệt, khi giá gỗ xây dựng trên thị trường lên cao thì việc khai thác các loại gỗ này được "lâm tặc" nhắm đến hơn cả. Đa phần những cây gỗ này đã bị cưa xẻ thành từng hộp gỗ rồi vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ, chỉ còn những bìa gỗ vứt bỏ lại tại hiện trường. Điều đó chứng tỏ "lâm tặc" có khá nhiều thời gian để đốn hạ, cưa xẻ thành từng hộp gỗ để vận chuyển.

Những chiếc xe 7 chỗ hết niên hạn được "lâm tặc" sử dụng để chở gỗ trái phép ở vùng Kbang.

30 phút, xong đời cây

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những cánh rừng dọc đường Trường Sơn Đông này thuộc lâm phần quản lý của các Cty lâm nghiệp kéo dài qua nhiều xã như: Đăk Smar, Sơ Pai, Sơn Lang, Đăk Rong. "Dù tuyến đường Trường Sơn Đông tạo điều kiện cho công tác tuần tra, bảo vệ những khoảnh rừng dọc đường nhưng "lâm tặc" cũng lợi dụng nó để dễ bề vận chuyển số gỗ khai thác trái phép. Mình chỉ xử lý được trong các đường lâm phần quản lý chứ các loại gỗ đã chở ra ngoài đường thì mình không có chức năng dừng xe, kiểm tra. Điều đó cũng gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng", ông Vũ Đình Hiền- Giám đốc Cty TNHH MTV lâm nghiệp Sơ Pai cho biết.

"Chỉ cần khoảng 30 phút thì chúng đã đốn hạ, cưa xẻ thành từng lóng, hộp rồi đưa đi", ông Bùi Văn Tấn- Giám đốc Cty TNHH MTV lâm nghiệp Hà Nừng cho biết. Để minh  chứng, ông Tấn dẫn chúng tôi ra một gốc cây đường kính hơn 1m thuộc lâm phần đơn vị quản lý mới bị "lâm tặc" đốn hạ. Ông Tấn cho hay, dù Cty đã cử người thường xuyên tuần tra, mật phục canh giữ cây gỗ trên nhưng chỉ một sơ hở, cây gỗ trên đã bị "lâm tặc" vào vận chuyển đi một phần...

Không chỉ hoạt động một cách tinh vi, hiện nay "lâm tặc" còn thay đổi cả phương tiện vận chuyển số gỗ khai thác trái phép nhằm "qua mặt" các lực lượng chức năng. Trước đó, các đối tượng dùng xe độ chế, xe tải, xe máy độ để vận chuyển thì nay chúng chuyển sang sử dụng các loại ô-tô 7 chỗ đã hết niên hạn sử dụng làm phương tiện. Những chiếc xe này bị tháo toàn bộ ghế phía sau tạo khoang chứa, chỉ để lại duy nhất ghế tài xế và còn được độ, chế thêm các khung sắt, máy để vận chuyển gỗ dễ dàng hơn, nhanh gọn hơn. Lân la tìm hiểu thông tin từ một "lâm tặc", chúng tôi được biết: Loại xe 7 chỗ trở thành phương tiện chở gỗ trái phép "thông dụng" ở vùng đất này. Những chiếc xe hết niên hạn, chỉ có giá vài chục triệu đồng, sau khi độ chế thì có thể chở từ 5-7m3 gỗ. Nếu có bị phát hiện thì việc vứt bỏ xe cùng tang vật để thoát thân cũng dễ dàng và khó bị phát hiện.

Sau những ngày thâm nhập tìm hiểu, có thể thấy bằng các cách thức thay đổi phương thức, từ việc đốn hạ cây gỗ rồi chờ thời cơ xẻ hộp vận chuyển gỗ ra khỏi rừng bằng các loại xe ít bị để ý. Không ồ ạt, ồn ào như trước nhưng "lâm tặc" vẫn ngày, đêm tìm mọi cách để khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên cung đường này. Điều đó đã khiến những cánh rừng dọc đường Trường Sơn Đông chỉ còn lại vẻ bề ngoài "hào nhoáng".

MINH TÂN