Những câu chuyện kể bằng tem
(Cadn.com.vn) - Hơn 20 năm nghiên cứu và sưu tầm, Tiến sĩ Huỳnh Minh Sơn (41 tuổi, Trưởng ban Công tác sinh viên – ĐH Đà Nẵng) đã sở hữu cho mình bộ sưu tập tem thư với hàng ngàn con tem đủ mọi thể loại qua các thời kỳ. Gọi anh là nhà sưu tập, anh khiêm tốn, chỉ dám nhận mình là một người say mê với những con tem...
Nghề chơi cũng lắm công phu
Với những người “ngoại đạo”, khái niệm kể chuyện bằng tem nghe có vẻ xa lạ và khó hình dung, thế nhưng Sơn đã ngày đêm dày công sưu tầm, sắp đặt, để khi nhìn vào bất kỳ bộ sưu tập tem nào, người ngoài cũng dễ dàng nhận ra câu chuyện mà anh muốn gửi gắm đằng sau mỗi con tem. Ít ai biết rằng một giảng viên như anh, đồng thời là Trưởng ban Công tác sinh viên ĐH Đà Nẵng, nguyên Bí thư Đoàn ĐH Đà Nẵng lại là chủ nhân của những bộ sưu tập tem giàu giá trị văn hóa.
Huỳnh Minh Sơn với bộ sưu tập. |
Sinh ra trong một gia đình công chức, từ nhỏ Sơn đã hay nhận được những bức thư tay do bố đi công tác xa gửi về. Nhìn những con tem độc đáo, bắt mắt, Sơn rất thích thú và bắt đầu lưu giữ chúng như một thói quen. Những ngày đầu, anh đem bì thư nhúng vào nước sôi để tem dễ dàng rời ra, sau đó cất giữ từng con tem một, đem khoe với bạn bè trong xóm, cứ đứa nào có nhiều con tem có hình của nhiều nước hơn là đứa đó “oách” nhất. Mãi đến năm 1998, sau khi đi xem một buổi triển lãm tem bưu chính, Sơn mới nhận ra cách mình “đối đãi” với những con tem trước đây là sai hoàn toàn. Tem thư chỉ có giá trị khi chúng còn được giữ nguyên trên phong bì, có đóng dấu nơi gửi, ngày đi..., ấy mới đúng là sưu tầm tem “bài bản”.
Người chơi tem sưu tầm tem theo hai cách: chơi tem truyền thống, tức sưu tập tem từng quốc gia và sắp xếp theo thời gian, và cách thứ hai là sưu tầm tem theo chuyên đề. “Tuy nhiên, do cách chơi tem truyền thống tốn khá nhiều thời gian và tiền bạc nên hầu hết người chơi tem chọn cách sưu tập theo chuyên đề, tự do lựa chọn đề tài mình hứng thú và thỏa sức sáng tạo, không giới hạn quốc gia hay bị gò bó về thời gian phát hành”–anh Sơn cho hay. Hiện nay, số tem thư được anh Sơn lưu giữ phải kể đến hàng ngàn, đa dạng thể loại của gần 200 quốc gia và hơn 2.000 bì thư thực gửi, thậm chí có cả dị bản (tức những mẫu in lỗi). Anh nói: “Đôi khi số lượng không nói lên điều gì cả, mà chỉ cần một bộ sưu tập chuyên đề có giá trị thôi cũng đủ để người chơi tem tự hào về nó”. Nói về sự công phu trong quá trình chơi tem, Sơn chỉ cho tôi xem những bộ sưu tập theo từng chủ đề và giải thích: Mỗi bộ sưu tập bao gồm 5 khung tem, mỗi khung chứa 16 phơi, trên mỗi phơi là những con tem được sắp xếp một cách có chủ đích, chú thích ngắn gọn. Mỗi khung tem như là một chương của câu chuyện, người chơi phải kể thế nào để câu chuyện liền mạch và logic, ấy mới là điều khó nhất. “Công phu nhất là việc tìm cho ra con tem khớp với lời kể. Với một bộ sưu tập tem, câu chữ chỉ minh họa cho tem, cái thực đánh giá phải là việc có tìm được con tem như trong lời kể không mà thôi”-Sơn nói. Đến nay, Sơn đã sưu tập được đầy đủ một số bộ chuyên đề về “Hồ Chí Minh – con người và thời đại” (Giải Bạc Triển lãm tem bưu chính quốc gia Vietstampex 2010, Giải Vàng Triển lãm tem bưu chính khu vực miền Trung – Tây Nguyên 2010), “Con người chinh phục vũ trụ” (Giải Đồng Triển lãm Vietstampex 2005), “Hoa hồng – Bà chúa của muôn hoa” (Giải Bạc Triển lãm tem bưu chính khu vực miền Trung – Tây Nguyên 2010)... Bên cạnh đó, anh còn sở hữu nhiều bộ sưu tập chuyên đề phong phú khác như: “Cuộc đời và sự nghiệp của lãnh tụ V.I.Lê-nin”, “Câu chuyện về những cây cầu”, “Bảo tồn loài hổ và voi”...
Một phần trong bộ sưu tập “Hồ Chí Minh – Con người và thời đại”. |
Một thú vui văn hóa
Với chàng trai kiên trì và tỉ mẩn ấy, chơi tem là cách để anh rèn luyện kỹ năng và cũng là hoàn thiện nhân cách. Sơn tâm sự: “Cuộc sống phải hài hòa giữa vật chất và tinh thần mới là một cuộc sống chất lượng. Nhờ chơi tem mà tôi biết nhiều hơn, thu nhận nhiều kiến thức mà trước đây tôi chưa từng biết”. Quả vậy, với mỗi con tem sưu tầm về, Sơn đều khảo cứu từng chi tiết nhỏ nhất in trên tem để tìm ra nguồn gốc của nó. Ví dụ như bộ sưu tập “Hoa hồng – Bà chúa của muôn hoa”, anh phải mua sách nước ngoài về tự dịch và tra cứu để biết chính xác loại hoa hồng in trên tem là của quốc gia nào, nguồn gốc ra sao. Hay như bộ sưu tập “Hồ Chí Minh – Con người và thời đại”, trong phơi tem kể về quê Bác, anh phải tìm cho ra phong bì dán tem có hình làng Sen quê Bác, dấu đóng phải đúng ngày 19-5, nơi đóng dấu phải là Kim Liên thì mới thấy hết giá trị của câu chuyện mình đang kể.
Tuy nhiên, điều làm anh băn khoăn chính là việc chưa có nhiều nhà sưu tập lớn, nhất là ở Đà Nẵng, chưa có nhiều điểm đến cho những người yêu tem nên anh phải tự tìm tòi, ít có sự trao đổi với những người cùng chung sở thích. Mặt khác, thị trường cũng xuất hiện nhiều loại tem giả, do đó phải nắm chắc những nguồn tin cậy mới tìm được tem thư chất lượng. Công phu là vậy, nhưng khi được hỏi có bao giờ muốn bỏ đam mê này bởi nó quá nhọc nhằn, Sơn cười: “Một khi đã yêu thích rồi thì lại chẳng thấy có gì nhọc công cả. Càng chơi lại càng bị cuốn hút vào nó, chứ bỏ đi thì chẳng khác gì phủ nhận công sức của chính mình”. Hiện nay, nhiều em nhỏ cũng đang có sở thích sưu tập tem và háo hức với bộ sưu tập nhỏ của mình. Anh Sơn nhắn nhủ, hãy cứ chơi tem như một thú vui văn hóa, từ đó rèn luyện thói quen và hình thành nhiều kỹ năng tốt chứ đừng kỳ vọng chơi tem để trở thành nhà sưu tập, giống như anh cũng đã từng sưu tập vì sự say mê của đứa trẻ trong cảm giác vui sướng vì có thứ để nâng niu mỗi ngày. “Trong tương lai, nếu có điều kiện, tôi mong mình có thể tự làm một cuộc triển lãm cá nhân, giới thiệu các bộ sưu tập của mình để mọi người cùng nhau thưởng thức”–anh Sơn tâm sự. Với những người nặng lòng với tri thức và văn hóa như anh Sơn, tôi tin một ngày không xa, anh sẽ sớm thực hiện được mong muốn của mình.
Nhìn từ Năm văn hóa, văn minh đô thị, thiết nghĩ thành phố cần lắm nhiều công dân trẻ biết yêu quý, giữ gìn và nuôi dưỡng những nét đẹp văn hóa như anh Sơn, dù chỉ qua những con tem nhỏ bé, để Đà Nẵng ngày càng hiện đại, văn minh và đáng sống như chính khát vọng mà chúng ta đang hướng đến mỗi ngày...
Thảo Vy