Những chiêu thụt quỹ, lừa đảo của bà phó chủ tịch công đoàn
(Cadn.com.vn) - Hơn 667 triệu đồng quỹ Công đoàn ngành Giáo dục (CĐNGD) TT-Huế đã được Lê Thị Châu (1962, trú đường Lê Ngô Cát, TP Huế, TT-Huế) - nguyên Phó Chủ tịch CĐNGD tự ý sử dụng vào việc tiêu xài cá nhân. Nhưng dường như số tiền đó vẫn không đủ để cho nữ lãnh đạo này chưng diện, tiêu xài phung phí nên để có tiền, Châu tiếp tục lừa chạy việc cho nhiều người để chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng. Lê Thị Châu bị truy tố ra trước vành móng ngựa với 2 tội danh "Tham ô tài sản" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Chiếm dụng quỹ
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế năm 1981, Châu được bố trí về dạy học ở H. Phong Điền (TT-Huế) cho đến năm 2002. Giữa năm 2002, Châu được điều động làm cán bộ chuyên trách CĐNGD tỉnh TT-Huế. Cũng trong giai đoạn từ năm 2008-2012, Châu được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Công đoàn kiêm thủ quỹ CĐNGD. Với chức năng nhiệm vụ của mình, Công đoàn ngành được quản lý 4 nguồn quỹ gồm: ngân sách Công đoàn do LĐLĐ tỉnh cấp để chi trả lương cho cán bộ Công đoàn và chi các hoạt động phong trào; Quỹ xã hội nhằm phục vụ khắc phục thiên tai, lũ lụt...; Quỹ tình nghĩa và Quỹ mái ấm Công đoàn để hỗ trợ xây nhà tình nghĩa.
Lợi dụng chức năng, nhiệm vụ được giao, trong thời gian từ năm 2008 - 2012, Lê Thị Châu đã không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao; không làm đúng nguyên tắc quản lý tài chính kế toán; không viết phiếu thu và không nhập quỹ một số khoản thu của Công đoàn ngành; không báo cáo với kế toán và chủ tài khoản về quỹ tiền mặt của đơn vị theo quy định. Vì vậy, Châu đã chiếm dụng quỹ của CĐNGD trong một thời gian dài với số tiền hơn 667 triệu đồng. Trong đó, riêng khoản thu ủng hộ Nhật Bản sau trận động đất, sóng thần với số tiền gần 160 triệu đồng.
Bị cáo Lê Thị Châu |
Mặc dù kiêm nhiệm thủ quỹ nhưng việc phân công Châu làm thủ quỹ không có quyết định, văn bản gì, mà được ông Trần Bang - Chủ tịch CĐNGD thông báo "bằng miệng" qua cuộc họp giao ban của Ban Thường vụ CĐNGD. Đây cũng chính là kẽ hở để Châu dễ dàng thực hiện hành vi chiếm đoạt công quỹ trong một thời gian dài. Tại phiên tòa, Châu khai nhận, mỗi khi có đoàn kiểm tra về công tác tài chính - kế toán và quỹ thì Châu vay mượn tiền để bù vào khoản thâm hụt nhằm che giấu hành vi phạm tội của mình.
Lừa chạy việc
Mặc dù chiếm dụng hàng trăm triệu đồng tiền quỹ của CĐNGD nhưng dường như vẫn không đủ để Châu tiêu xài. Vì vậy, từ năm 2010 - 2012, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, địa vị công tác của mình, Châu đã gian dối bằng cách hứa hẹn xin việc làm, nhận tiền của nhiều người nhưng không xin việc cho họ để chiếm đoạt 300 triệu đồng. Hành vi lừa chạy việc của Châu rất trắng trợn. Tại phiên tòa, rất nhiều nạn nhân tỏ ra bức xúc và cho rằng họ không thể chấp nhận hành vi của một con người có trình độ và địa vị như Châu.
Theo cáo trạng của VKSND, khoảng tháng 5-2012, Lê Thị Châu trực tiếp liên lạc với anh N.N.P. (giáo viên cấp 2 ở H. Hải Lăng, Quảng Trị) và tự giới thiệu mình làm ở CĐNGD tỉnh TT-Huế. Biết anh P. có nguyện vọng xin vào Huế dạy học nên hứa giúp đỡ với điều kiện tốn một khoản tiền 95 triệu đồng. Nếu đồng ý thì đưa trước cho Châu 80 triệu đồng, lúc nào có quyết định thì đưa tiếp 15 triệu đồng còn lại. Anh P. nghe Châu nói như "đinh đóng cột" nên đồng ý đưa 80 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền của anh P., Châu không xin việc như đã hứa mà chiếm đoạt toàn bộ số tiền để sử dụng cá nhân.
Bên cạnh những vụ lừa chạy việc mà Châu trực tiếp liên lạc thì một số nạn nhân bị lừa thông qua người quen. Qua mối quan hệ quen biết với ông V.N. (bạn trai của Lê Thị Châu), anh T.T.N. (trú P. Thủy Biều, TP Huế) nhờ Châu xin đi dạy học và Châu "hét" giá 100 triệu đồng. Sau đó, anh N. đưa trước cho Châu 85 triệu đồng, số còn lại khi nào có quyết định thì đưa tiếp. Nhận tiền của anh N., Châu không xin việc như đã hứa mà sử dụng tiêu xài cá nhân. Tương tự, thông qua mối quen biết với ông N.T., bà N.T.C. gặp Châu nhờ xin cho con trai P.V.C đi dạy. Lúc này Châu ra giá 100 triệu đồng, trước mắt đưa 70 triệu đồng, khi nào có quyết định thì đưa tiếp số tiền còn lại và bà C. đồng ý. Một số nạn nhân bị Châu lừa chạy việc rất bức xúc khi rơi vào cảnh "tiền mất nợ mang". Theo bị cáo khai nhận, toàn bộ số tiền chiếm đoạt của các nạn nhân có nhu cầu xin việc, Châu sử dụng để tiêu xài cá nhân, còn chi tiêu cụ thể những việc gì thì bị cáo không nhớ.
Xét toàn bộ tính chất vụ án, ngày 26-9, TAND tỉnh TT-Huế tuyên phạt Lê Thị Châu 16 năm tù về tội "Tham ô tài sản" và 7 năm 6 tháng tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; tổng hợp hình phạt chung là 23 năm 6 tháng tù. Ngoài ra, tòa buộc Châu phải bồi thường số tiền hơn 667 triệu đồng đã chiếm đoạt của Quỹ CĐNGD và trả lại 300 triệu đồng cho các nạn nhân bị lừa chạy việc.
Hải Lan