Những chính sách mới của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden

Thứ bảy, 23/01/2021 11:29

Ngày 21-1, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một loạt sắc lệnh và chỉ thị trong ngày thứ hai tại Nhà Trắng đảo ngược các chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump.

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden ký các sắc lệnh tại Nhà Trắng ngày 21-1.   Ảnh: AFP

Công bố chiến lược quốc gia chống dịch Covid-19

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố chiến lược chống dịch bệnh Covid-19 chi tiết, trong đó ưu tiên thúc đẩy việc tiêm chủng, xét nghiệm và tập trung vào khía cạnh khoa học. Các nội dung chính của "Chiến lược quốc gia về ứng phó dịch Covid-19 và sẵn sàng ứng phó đại dịch" đã được Nhà Trắng công bố đi kèm tuyên bố: "Chúng ta có thể và sẽ đánh bại dịch Covid-19. Nước Mỹ xứng đáng có được chiến lược ứng phó đại dịch Covid-19 nhờ sự hỗ trợ của khoa học, số liệu và y tế cộng đồng". 

Thay đổi phản ứng chậm chạp của chính quyền tiền nhiệm trong phản ứng với Covid-19 là ưu tiên hàng đầu của ông Biden, và ông đã cam kết sẽ tiêm 100.000 triệu liều vaccine cho người Mỹ trong 100 ngày đầu cầm quyền. “Vaccine đang đem lại hy vọng cho nhiều người, nhưng quá trình tiêm đại trà vaccine tính đến nay có thể coi là thất bại. Tôi hiểu sự thất vọng và tức giận của người Mỹ và cảm giác của họ”, tân Tổng thống Mỹ nói trước khi ký các văn bản. 

Trong số các sắc lệnh và chỉ thị mới về chống Covid-19, các biện pháp chống dịch yêu cầu bên cạnh việc đeo khẩu trang, xét nghiệm SARS-CoV-2 bắt buộc trước khi lên máy bay, các du khách tới Mỹ sẽ phải cách ly ngay khi đặt chân tới nước này. Dưới thời chính quyền Trump, yêu cầu xét nghiệm đã được ban bố song việc cách ly chỉ là khuyến cáo. Kế hoạch mới cũng bao gồm việc thành lập một lực lượng phản ứng nhanh chống Covid-19 để đưa ra các khuyến nghị cộng đồng bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch sẽ được đối xử công bằng hơn.

Ngoài ra, ông Biden cũng có kế hoạch ủng hộ phản ứng của toàn cầu với đại dịch và sẽ tham gia Cơ chế Tiếp cận Vaccine Covid-19 toàn cầu (COVAX) và các sáng kiến đa phương khác.

Chiến lược mới của ông Biden đặt mục tiêu như khôi phục niềm tin của người dân Mỹ, đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine và giảm thiểu sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Kế hoạch này cũng sẽ mở rộng hỗ trợ khẩn cấp cho người dân; mở cửa lại trường học, doanh nghiệp và du lịch một cách an toàn; bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất; thúc đẩy bình đẳng sắc tộc và khôi phục vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ với tinh thần chuẩn bị sẵn sàng ứng phó các đại dịch trong tương lai. Chính quyền mới cũng kỳ vọng Quốc hội thông qua gói cứu trợ 1.900 tỷ USD phòng, chống Covid-19, trong đó 20 tỷ USD để mua vaccine và 50 tỷ USD dành cho công tác xét nghiệm.

Tiếp tục tài trợ lớn cho WHO

Trong ngày làm việc đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Biden xác nhận ông đã đảo ngược quyết định của người tiền nhiệm Donald Trump rút Mỹ khỏi WHO. Một ngày sau, Cố vấn y tế hàng đầu của Chính phủ Mỹ Anthony Fauci xác nhận Mỹ sẽ tiếp tục đóng góp những khoản tiền lớn vào ngân quỹ của WHO. Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến của WHO, ông Fauci nêu rõ: "Trong những tình huống khó khăn, tổ chức này (WHO) đã tập hợp được cộng đồng khoa học, nghiên cứu và phát triển để đẩy nhanh việc điều chế vaccine, các liệu pháp và cách thức chẩn đoán bệnh".

Trước đó, ông Fauci đã thông báo quyết định của Mỹ tiếp tục là thành viên của WHO và cảm ơn tổ chức này về việc lãnh đạo công tác ứng phó với đại dịch toàn cầu Covid-19.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ hoan nghênh quyết định này của Mỹ, trong khi Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antoino Guterres cũng đánh giá cao “những bước đi tích cực” mà chính quyền mới của Mỹ công bố.

Thay đổi chính sách về vấn đề người di cư

Vài giờ sau khi nhậm chức, Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thu hồi một số chính sách về người di cư gây tranh cãi nhất của người tiền nhiệm Donald Trump, mở ra hy vọng cho hàng triệu người đang trong diện cư trú bất hợp pháp tại Mỹ có cơ hội được cấp quy chế cư trú hợp pháp.

Theo sắc lệnh ban hành năm 2017, Mỹ cấm công dân của các nước Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen nhập cảnh vào nước này. Lệnh cấm đã gây ra phản ứng trái chiều từ dư luận quốc tế và khiến một loạt các tòa án Mỹ ra phán quyết bác bỏ. Iran và Sudan sau đó đã được gỡ bỏ khỏi danh sách, song trong năm 2018, Tòa án Tối cao Mỹ đã bổ sung Triều Tiên và Venezuela vào danh sách này.

Ông Biden đã ký sắc lệnh mới bảo vệ những người ôm "Giấc mơ Mỹ". Cùng với đó, ông Biden còn đảo ngược một trong những sắc lệnh của người tiền nhiệm nhằm thúc đẩy nỗ lực tìm kiếm và trục xuất người di cư phi pháp, đồng thời áp đặt lệnh đình chỉ 100 ngày đối với hầu hết các trường hợp bị trục xuất. Với những người có quan điểm ủng hộ mở rộng chính sách nhập cư sau 4 năm chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa dân túy "Nước Mỹ trước tiên", đây được xem là quyết định đáng khích lệ.

Gia hạn Hiệp ước New START thêm 5 năm

Ngày 21-1, chính quyền tân Tổng thống Biden đã đề xuất gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) với Nga thêm 5 năm. New START là hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân cuối cùng còn lại giữa hai cường quốc này, dự kiến hết hiệu lực vào ngày 5-2. Trước đó, ông Antony Blinken, người được đề cử vào chức Ngoại trưởng trong chính quyền mới ngày 19-1 cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden sắp tới sẽ tìm cách gia hạn New START được ký với Nga, theo lộ trình sẽ hết hiệu lực vào ngày 5-2.

Trở lại “cuộc đua” chống biến đổi khí hậu

Sau khi nhậm chức, ông Biden tuyên bố đưa Mỹ quay trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Đây là trọng tâm của một loạt các biện pháp nhằm khôi phục vai trò của Mỹ trong việc chống lại sự nóng lên toàn cầu.

Lệnh của Tổng thống Biden cũng yêu cầu các cơ quan chính phủ xem xét sửa đổi các tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu cho xe cộ và hạn chế phát thải khí mê-tan. Ông Biden dự kiến sẽ triệu tập một hội nghị thượng đỉnh quốc tế về khí hậu vào mùa xuân để giúp đẩy nhanh việc cắt giảm khí thải và có thể sẽ đệ trình mục tiêu giảm phát thải mới của Mỹ để giúp nước này đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

AN BÌNH